Việt Nam - WTO: 10 năm được, mất
Sau tròn 10 năm chính thức trở thành thành viên của WTO (2007 - 2017), Việt Nam được nhiều và mất cũng không ít. Nhiều bài học đã được đúc kết để chúng ta không bị hụt hơi ở sân chơi lớn này
Sau 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kim ngạch xuất khẩu năm 2016 tăng gấp 3,5 lần so với mức 50 tỉ USD đạt được năm 2006; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tăng gấp đôi thời điểm trước khi vào WTO.
Nhiều mặt chuyển biến tích cực
Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy đến năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam chiếm tỉ trọng khoảng 0,7%-0,8% trong kim ngạch tương ứng của thương mại toàn cầu. Trong nhiều năm sau khi là thành viên của WTO, mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đều đạt 12%-14%/năm và chỉ có dấu hiệu giảm sút trong thời gian ngắn gần đây. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016 cũng tăng gấp 3,5 lần so với năm 2006.
Đáng lưu ý, xét về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, tỉ trọng hàng thông qua chế biến ngày càng tăng, còn hàng hóa sơ chế lại giảm đáng kể. Cụ thể, năm 2005, tỉ trọng hàng thô, hàng mới sơ chế xuất khẩu chiếm khoảng 51% thì hiện nay chỉ còn 23%. Điều này chứng tỏ xu hướng chuyển dịch tích cực trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, cho thấy nền sản xuất trong nước chuyển biến vững chắc hơn.
Công nhân sản xuất trên dây chuyền sản xuất sữa bột hiện đại của Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tuy vậy, một điểm nổi lên rất đáng lo ngại trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam là tình trạng thành tích xuất khẩu luôn nằm ở nhóm doanh nghiệp (DN) FDI. Chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), chỉ ra: Tuy 10 năm qua, hàng hóa xuất khẩu mang hàm lượng công nghệ cao hơn, sản phẩm đa dạng hơn, thị trường xuất khẩu cải thiện hơn nhưng xuất khẩu mang nội hàm trong nước còn thấp, giá trị gia tăng tạo ra chưa cao. Sở dĩ như vậy là vì công nghiệp phụ trợ chưa có bước tiến đáng kể và ngay cả phần trong nước tạo ra chủ yếu vẫn là DN FDI. Khả năng của các DN Việt Nam tham gia vào các mạng, chuỗi sản xuất - kinh doanh còn thấp và yếu, chưa nói đến số DN vươn lên được lại càng ít ỏi.
Về thâm hụt thương mại, TS Võ Trí Thành cho rằng sau 10 năm gia nhập WTO, tình hình được cải thiện nhưng tỉ trọng của thâm hụt thương mại trên GDP và trên tổng kim ngạch xuất khẩu của chúng ta vẫn còn cao. Như vậy, các nước đã tận dụng tốt cơ hội trong hội nhập WTO để đưa hàng hóa vào Việt Nam còn chúng ta lại chưa tận dụng tốt cơ hội từ WTO mang lại.
Tăng trưởng chưa tương xứng
Trong 10 năm, nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6,29%. TS Võ Trí Thành đánh giá từ chỗ hứng khởi gia nhập WTO vào năm 2007 thì chỉ một thời gian ngắn sau, đến năm 2011, kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu xấu. Trong đó, gây quan ngại lớn là tình trạng đầu tư tăng nhưng tăng trưởng giảm, chất lượng tăng trưởng xét từ góc độ năng suất cũng giảm. Ngoài ra, bất ổn kinh tế vĩ mô nghiêm trọng, lạm phát cao, khoảng cách tiết kiệm - đầu tư rất lớn, thâm hụt ngân sách, thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế, thâm hụt thương mại đều cao… “WTO đã làm lộ rõ những nét cơ bản, đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam, trong đó khía cạnh yếu kém bộc lộ nhiều hơn cả. Đó là bài học dù có thể đau nhưng rất nghiêm túc cho Việt Nam. Chính sự hứng khởi quá đà sau khi gia nhập WTO đã khiến việc hoạch định chính sách có thời điểm tập trung dồn vào tăng trưởng và đầu tư cao, bất chấp hiệu quả” - ông Thành nói.
TS Lê Huy Khôi, Trưởng Ban Nghiên cứu và dự báo thị trường - Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), đánh giá: “Sau 10 năm gia nhập WTO, tăng trưởng GDP của Việt Nam thấp hơn so với những gì chúng ta làm được vào thời kỳ trước đó. Nếu so sánh với các quốc gia có cùng xuất phát điểm như Lào, Campuchia, Myanmar… thì hiệu quả tăng trưởng xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng không đạt được tương đương”.
Trong đó, nếu xét riêng về lĩnh vực công nghiệp, ông Lê Huy Khôi khẳng định chúng ta không thành công ở hầu hết các chiến lược hoặc các mục tiêu đề ra như phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, phát triển ngành công nghiệp ô tô và thậm chí cả mục tiêu bao trùm nhất là chiến lược công nghiệp hóa - hiện đại hóa… Ngoài ra, nhiều lĩnh vực khác cũng được thống kê là bị tác động dẫn đến tốc độ tăng trưởng sản xuất giảm sút như bán lẻ, dịch vụ bảo hiểm xuất khẩu, dịch vụ tài chính, nông nghiệp.
“Mục tiêu hội nhập là để mở ra những cơ hội tăng trưởng ngành nhưng chính vì áp lực cạnh tranh quá lớn với bên ngoài và bản thân nội tại nền kinh tế yếu kém mà chúng ta thất bại. Trong đó, bán lẻ hiện đại của chúng ta đã nhường sân cho trên 20% hàng hóa nước ngoài, còn công nghiệp thì giảm từ mức tăng trưởng 4%/năm giai đoạn năm 2001-2006 còn 1,36% năm 2016. Đây là những điều phải suy ngẫm. Mình tự bày ra cơ hội nhưng bản thân mình lại không nắm bắt được, tạo điều kiện cho DN FDI vào khai thác” - ông Khôi phân tích.
Hoàn thiện thể chế để hội nhập sâu
TS Lê Huy Khôi đánh giá ngoài những yếu kém trong nội tại nền kinh tế và trong từng DN thì do những tính chất riêng biệt mà việc gia nhập WTO không đem lại những hiệu quả rõ rệt về hoạt động thương mại cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trực diện. Song cái được cơ bản nhất của bước mở cửa này là nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập theo hướng mở nhằm tạo ra bước chuẩn bị rất tốt cho quá trình hội nhập cũng như phát triển kinh tế, thương mại nói chung. Điều này cũng tạo áp lực cải cách về thể chế, về môi trường kinh doanh với khuôn khổ pháp lý ngày càng được hoàn thiện dựa trên việc thực hiện bảo đảm cam kết các hội nhập.
Theo Viện Nghiên cứu thương mại, dù cho bị đánh giá có tác động mờ nhạt hơn nhiều FTA quan trọng khác nhưng WTO vẫn là bước ngoặt quan trọng, tạo nền tảng hình thành khuôn khổ pháp lý cao nhất và chung nhất để các FTA khác dựa vào và phát triển. “Mặc dù khuôn khổ cam kết của WTO mang tính chung, không sâu nhưng nó quan trọng nhất. Các FTA khác, kể cả Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, cũng dựa trên những khuôn khổ về hội nhập quy định tại đây. Nói cách khác, trong 10 năm trở thành thành viên của tổ chức thương mại này, chúng ta đã từng bước cho ra đời, hoàn thiện thể chế về môi trường kinh doanh để hội nhập sâu hơn vào sân chơi lớn của quốc tế” - TS Lê Huy Khôi nhấn mạnh.
Dẫn chứng cụ thể, TS Lê Huy Khôi cho biết trong các năm 2006-2007, thời kỳ chuẩn bị nước rút và chính thức bước chân vào “gia đình” WTO, Việt Nam đã sửa trên 60 văn bản luật, hàng trăm nghị định, thông tư để thực thi cam kết WTO. Những quy định thông thoáng hơn cho DN thuộc mọi thành phần kinh tế dần được thực thi rõ nét, phương thức quản lý hành chính chuyển dần sang tôn trọng quyền tự do kinh doanh, tôn trọng quy luật thị trường. Nhờ vậy mà ngay sau khi vào WTO, chúng ta đã đạt mức kỷ lục trong thành lập mới DN tư nhân với con số gần 60.000 DN trong năm 2007.
Viện trưởng CIEM - TS Nguyễn Đình Cung cũng chỉ ra sau sự kiện Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại song phương với Mỹ vào năm 2000 thì cột mốc cực kỳ quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam là việc gia nhập WTO vào năm 2007. Với sự kiện này, Việt Nam được đối xử bình đẳng với các nước thành viên khác trong WTO. Đây cũng có thể coi là thời điểm Việt Nam hoàn thành quá trình hội nhập theo chiều rộng và cũng đặt ra yêu cầu hội nhập sâu sắc với những bước đi dài hạn trong việc lựa chọn các đối tác chiến lược.
Đặc biệt, ông Cung nhấn mạnh qua quá trình 11 năm đàm phán để vào WTO, Việt Nam đã ban hành một khối lượng đồ sộ văn bản pháp quy trong nước với Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Thương mại… Năng lực điều hành chính sách kinh tế nói chung và thể chế hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng cũng điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn với các cam kết. “Quá trình hội nhập của Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới, từ hội nhập theo chiều rộng sang hội nhập theo chiều sâu. Tính đến cuối năm 2016, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực hiện 16 FTA song phương, đa phương và nhiều bên với 59 đối tác…” - ông Cung nói.
Trưởng thành nhưng chậm đổi mới Ông Lương Văn Tự - nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán WTO của Việt Nam - cho rằng DN Việt Nam đã tận dụng được cơ hội sau gần 10 năm gia nhập WTO khi vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, nhờ đó đã phần nào học hỏi, chuyển giao được công nghệ, kỹ năng quản lý từ các tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Ngoài ra, áp lực cạnh tranh cũng khiến DN trưởng thành hơn, chủ động tìm kiếm cơ hội liên doanh, liên kết… Tuy nhiên, hạn chế của nền kinh tế vẫn còn ở việc tái cơ cấu, đổi mới DN nhà nước chậm, nhiều nơi vẫn dở dang. Lực lượng lao động tuy đông nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế về trình độ ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, năng suất lao động… |