Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ tỷ phú USD Đông Nam Á?
Với 4 doanh nhân lọt vào danh sách tỷ phú USD của Forbes hiện tại, Việt Nam đang hi vọng thêm những cái tên mới trong thời gian tới.
Đông Nam Á là khu vực đang có tốc độ phát triển kinh tế nhanh của thế giới do lợi thế về số dân đông đảo và tiềm năng đầu tư dồi dào. Nhiều nước thành viên trong khối (ASEAN) đã lọt vào top các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu, như Philippines hay Việt Nam, với tốc độ hơn 6% mỗi năm.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2017 dự báo đến năm 2020, khu vực này sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Chính vì thế, tầng lớp người giàu ở Đông Nam Á này cũng đang tăng lên nhanh chóng.
4 doanh nhân người Việt góp mặt trong danh sách tỷ phú USD của Forbes.
Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, theo danh sách tỷ phú USD của tạp chí uy tín Forbes, đã có 4 người Việt đang nằm ở các vị trí khác nhau. Và con số này đang được kì vọng sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Cụ thể, 4 vị tỷ phú USD của Việt Nam nằm trong danh sách của Forbes hiện tại đó là: ông Phạm Nhật Vượng (4,3 tỷ USD), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (3,1 tỷ USD), ông Trần Bá Dương (1,8 tỷ USD) và ông Trần Đình Long (1,3 tỷ USD). Tổng khối tài sản của 4 vị này đạt khoảng 10,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, nếu nhìn sang các nước khác trong khối Đông Nam Á, thì những con số trên vẫn còn khá khiêm tốn. Trong danh sách tỷ phú USD của Forbes, những cái tên mang quốc tịch Singapore, Thái Lan, Indonesia xuất hiện khá nhiều.
Cụ thể, Thái Lan có tới 30 vị tỷ phú USD trong danh sách, đứng đầu tại Đông Nam Á Người giàu nhất chính là tỷ phú Chaoren Sirivadhanabhakdi với khối tài sản 17,9 tỷ USD. Ông cũng chính là Chủ tịch của Thaibev – doanh nghiệp đã chi tới gần 5 tỷ USD để thâu tóm thương hiệu bia Sài Gòn của Việt Nam vào cuối năm 2017 vừa rồi.
Ông Chaoren Sirivadhanabhakdi - Tỷ phú USD hàng đầu của Thái Lan.
Đứng thứ hai là Singapore với 22 tỷ phú USD. Người giàu nhất là ông Robert & Philip Ng với khối tài sản 10,8 tỷ USD (kinh doanh bất động sản).
Biểu đồ so sánh số lượng tỷ phú USD và tài sản người giàu nhất của các quốc gia Đông Nam Á theo Forbes.
Tiếp theo là Indonesia với 20 tỷ phú USD góp mặt, người giàu nhất là ông R. Budi Hartono với khối tài sản 17,4 tỷ USD ( hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, thuốc lá).
Malaysia có 14 tỷ phú trong danh sách. Người giàu nhất là ông Robert Kuok với 14,8 tỷ USD (hoạt động trong lĩnh vực dầu cọ, vận tải biển, bất động sản).
Còn Philippines cũng có 12 tỷ phú USD theo Forbes. Người giàu nhất là ông Henry Sy với khối tài sản 20 tỷ USD (kinh doanh đa ngành).
Như vậy, trong số 6 nước tại Đông Nam Á có tỷ phú USD theo Forbes, Việt Nam có số lượng và tổng khối tài sản ít nhất. Tuy nhiên, sắp tới đây, Việt Nam đang hi vọng sẽ đón thêm một số cái tên sẽ được Forbes đưa vào danh sách tỷ phú USD, đơn cử như ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch của Masan hay ông Trần Qúi Thanh – Chủ tịch của Tân Hiệp Phát.
5 quốc gia tại Đông Nam Á hiện chưa có người góp mặt trong danh sách tỷ phú của Forbes đó là Myanmar, Lào, Campuchia, Đông Timor và Brunei.
Khoản lời đậm từ thanh lý gỗ cao su đã giúp đại gia “vàng trắng” tại Bình Dương giữ vững được phong độ.