Việt Nam không phụ thuộc nhiều vào TPP
Tại cuộc họp báo công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức ngày 5-12 ở Hà Nội, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, nhận định triển vọng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ không tác động nhiều đến kinh tế Việt Nam.
Trước câu hỏi về tác động tới Việt Nam nếu TPP không được thông qua, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của WB, nhìn nhận Việt Nam dự kiến sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam tương đối đa dạng về quan hệ thương mại. TPP quan trọng với Việt Nam nhưng Việt Nam đã có chỗ đứng và không phụ thuộc quá nhiều vào hiệp định này.
Giám đốc quốc gia WB Dione cho rằng còn quá sớm để nói về tác động của việc TPP không được thông qua tới Việt Nam. Song, ông khẳng định nền kinh tế Việt Nam đã có vị thế tương đối chắc chắn trên thị trường thế giới. “TPP sẽ có tác động đến kinh tế Việt Nam nhưng không nhiều. Chúng tôi vẫn có cái nhìn lạc quan về kinh tế Việt Nam vì vẫn còn nhiều yếu tố tích cực” - ông Dione nói.
Buổi công bố báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam do WB tổ chức ngày 5-12 Ảnh: HẢI VƯƠNG
Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam do WB công bố cho thấy tăng trưởng của Việt Nam đã giảm nhẹ, xuống 5,9% trong 3 quý đầu năm, chủ yếu do đợt hạn hán nghiêm trọng khiến sản lượng nông nghiệp thấp, sản lượng dầu thô bị cắt giảm và nhu cầu bên ngoài chững lại.
Tuy nhiên, các yếu tố căn bản bảo đảm tăng trưởng là sức cầu trong nước ổn định và nền sản xuất chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu nhìn chung vẫn đứng vững. Do đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay dự kiến sẽ đạt 6% hoặc cao hơn, trong khi triển vọng trung hạn thuận lợi. Bội chi ngân sách của Việt Nam đang ở mức cao và tiến sát ngưỡng Quốc hội cho phép là 65% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tuy nhiên Chính phủ đã cam kết củng cố tình hình tài khóa trong trung hạn.