Việt Nam khó giảm lãi suất bằng thế giới
Chấn chỉnh cuộc đua tăng lãi suất huy động để đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng và ổn định thị trường tiền tệ.
Xung quanh hiện tượng các ngân hàng (NH) đua lãi suất huy động, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM.
Lãi suất vay tiêu dùng chưa phù hợp
. Phóng viên: Thời gian qua có hiện tượng đua lãi suất tiền gửi và thống đốc NHNN phải ban hành văn bản yêu cầu các NH không lách, vượt trần lãi suất. Ông nhìn nhận gì về vấn đề này?
+ Ông Nguyễn Hoàng Minh: Việc các NH tăng lãi suất huy động xuất phát từ ba yếu tố. Thứ nhất là nhằm giải quyết tình trạng mất cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay. Hiện vốn huy động kỳ hạn 1-2 tháng vẫn cao, chiếm đến 70% trong tổng huy động. Trong khi đó, dư nợ cho vay trung và dài hạn tính đến cuối năm 2015 chiếm đến 57,6% tổng dư nợ tín dụng tại TP.HCM. Từ đó các NH phải giải quyết tình trạng mất cân đối về kỳ hạn này.
Thứ hai là để giải quyết nhu cầu vốn cuối năm (đáp ứng nhu cầu thanh toán và dự phòng chi trả trong dịp giáp tết), cũng như nhu cầu vốn để đầu tư cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất của doanh nghiệp (DN). Cuối cùng là tình trạng một số NH điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động hoặc cộng thêm lãi suất cho những khách hàng có số tiền gửi lớn nhằm giữ chân khách hàng.
. Nhiều ý kiến lo ngại lãi suất huy động tăng kéo theo lãi suất cho vay sẽ tăng, dẫn đến làm tăng chi phí của DN và ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất thị trường?
+ Nên nhìn nhận rằng một số NH đẩy lãi suất tiền gửi lên cao những ngày qua thực tế nhằm cân đối lại nguồn vốn, huy động thêm nhiều nguồn vốn hơn. Qua đó cũng cho thấy nhu cầu vốn trong nền kinh tế tăng và đây là tín hiệu tích cực.
Lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay chưa tăng.
Mặt khác, lãi suất huy động vốn tăng đa số ở kỳ hạn dài, còn kỳ hạn ngắn tăng ít. Thêm nữa, dù lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay chưa tăng. Khi lãi suất cho vay chưa tăng thì không đáng lo ngại.
Tuy vậy, so với mặt bằng chung thì lãi suất cho vay tiêu dùng còn cao và chưa phù hợp.
. Không chỉ lãi suất cho vay tiêu dùng còn cao mà mặt bằng lãi suất cho vay nói chung tại Việt Nam vẫn còn ở mức cao so với thế giới. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của DN Việt so với các đối thủ?
+ Lãi suất huy động và cho vay cần phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô của từng nước như vấn đề lạm phát, tăng trưởng, tỉ giá. Thế nên chúng ta không thể so sánh hay áp dụng lãi suất từ Singapore, Malaysia… vào điều kiện Việt Nam. Do vậy việc đưa mặt bằng lãi suất của Việt Nam xuống bằng lãi suất thế giới thì chúng ta khó huy động được vốn và có thể nền kinh tế cũng sẽ “chết” theo.
Nếu lãi suất tiền gửi quá thấp người dân sẽ không gửi tiền, NH sẽ không có nguồn tiền để cho vay và như vậy sẽ ảnh hưởng đến DN nhiều hơn. Chẳng hạn, nếu huy động lãi suất tiền gửi giảm xuống mức 3% thì liệu có ai gửi vào NH hay không?
Huy động ngoại tệ giảm
. Các chuyên gia cho rằng cần phải hạ lãi suất trung và dài hạn để giúp DN nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế hội nhập. Ông nghĩ gì về đề xuất này?
+ Mục tiêu trong năm nay của ngành NH là giảm lãi suất trung và dài hạn 0,3%-0,5%/năm. Và các NH phải sẵn sàng cho vay trung dài hạn. Thực tế cho thấy tỉ lệ cho vay trung và dài hạn tính đến cuối năm 2015 tăng so với năm 2014 là hơn 5%.
. Thưa ông, sau khi lãi suất tiền gửi bằng USD về mức 0%, nhiều ý kiến lo ngại người dân sẽ không gửi tiết kiệm trong NH và kiều hối cũng sẽ giảm?
+ Dòng kiều hối chảy về TP.HCM năm 2015 đạt như mức dự kiến ban đầu, tức khoảng trên dưới 5 tỉ USD, tăng so với năm 2014.
. Mặc dù kiều hối tăng nhưng các chuyên gia nhận định thời gian qua có một dòng ngoại tệ đã rút khỏi hệ thống NH để đầu tư vào kênh khác. Điều này ảnh hưởng gì đến việc cho DN và người dân vay?
+ Đúng là trong tháng 12-2015, lượng ngoại tệ gửi tiết kiệm vào trong NH có giảm đi một chút so với tháng trước đó là 1,47%; tiền gửi tiết kiệm tháng 11-2015 cũng giảm 0,27% so với tháng trước đó.
Song đa phần khách hàng rút ngoại tệ ra là do đến kỳ hạn chứ không phải đột nhiên bán. Dù việc huy động ngoại tệ có giảm nhưng mọi nhu cầu chính đáng của người dân, DN về ngoại tệ đều được đáp ứng. Thanh khoản ngoại tệ vẫn ổn định.
. Xin cám ơn ông.
Chỉ mang tính thời điểm Việc tăng lãi suất tiền gửi trong thời gian qua chỉ mang tính thời điểm. Hơn nữa lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay chưa tăng vì ngành NH vẫn có vùng đệm, tức biên độ lợi nhuận vẫn ở mức đảm bảo chịu đựng được. Do vậy không có gì đáng ngại. Ông VÕ MINH TUẤN, Chủ tịch Hội đồng quản trị NH Đông Á Tăng lãi suất huy động là bình thường Thực tế NH huy động vốn qua nhiều kênh khác nhau, như huy động từ dân cư, huy động liên NH... Việc lãi suất huy động trên thị trường tăng có thể một số NH quy mô nhỏ cần huy động nhiều vốn hơn và các NH khác lại có nhu cầu đẩy vốn ra… Đây là điều bình thường. Ông TRẦN KHẢI HOÀN, Phó Tổng Giám đốc Nam Á Bank Chặn vượt trần lãi suất huy động NHNN vừa ban hành Văn bản số 297 yêu cầu các tổ chức tín dụng không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động; chấn chỉnh và xử lý nghiêm người đứng đầu các chi nhánh, đơn vị của tổ chức tín dụng để xảy ra vi phạm. Theo thống kê của NHNN, trong tháng 12-2015, có 11 NH tăng lãi suất các kỳ hạn thêm khoảng 0,1-0,5 điểm phần trăm/năm. Còn trong nửa đầu tháng 1-2016, có ba NH thương mại cổ phần quy mô nhỏ điều chỉnh tăng lãi suất thêm khoảng 0,1-0,3 điểm phần trăm ở các kỳ hạn trên sáu tháng. |