Việt Nam - Đất nước chiến thắng trong chiến tranh thương mại?
Trong khi cả Châu Á đang phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Bắc Kinh và Washington, Việt Nam là một trong số ít các nước có thể tận dụng được cơ hội phát triển từ cuộc chiến này.
Chỉ trong năm 2018, Việt Nam đã nhận được 35,88 tỷ USD (hơn 800 nghìn tỷ VND) vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo các thống kê gần đây, các công ty Trung Quốc đang ngày càng coi cuộc chiến thương mại là động lực để xây dựng đế chế tại các nước phía Nam, trong đó có Việt Nam.
GoerTek, 1 công ty Trung Quốc sản xuất độc quyền tai nghe Airpods cho Apple, tuyên bố sẽ xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Giám đốc điều hành GoerTek Jian Bin tiết lộ cuộc chiến thương mại chính là nguyên do cho kế hoạch này.
GoerTek, nhà sản xuất độc quyền tai nghe cho Apple, cùng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc có xu hướng di chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam (Nguồn: AP)
Về phía Mỹ, Việt Nam là quốc gia lớn thứ sáu có thặng dư thương mại với Mỹ. Con số này năm ngoái là 38,5 tỷ USD (900 nghìn tỷ VND) và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong năm 2019. Các nhà phân tích tại Mỹ luôn giữ thái độ tự tin rằng Việt Nam có thể thoát khỏi những ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của cuộc chiến thương mại.
Đầu tháng 12 vừa qua, Việt Nam là nước thứ 7 thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng 10 quốc gia khác như Australia, Canada và Singapore. Ngoài ra, Việt Nam đang hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để thiết lập hiệp định tự do thương mại với Liên minh châu Âu EU.
CPTPP sẽ là cơ hội của Việt Nam trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nếu tận dụng tốt cơ hội này, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm của ngành công nghiệp chế biến và sản xuất trong khối hiệp định.
Chính phủ Việt Nam cho biết CPTPP có thể tăng GDP Việt Nam thêm 1,32% vào năm 2035, tạo thêm 20.000 đến 26.000 việc làm mỗi năm.
Michael Mazza, một học giả chuyên về chính sách quốc phòng của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện nghiên cứu doanh nghiệp Mỹ, cho biết “trong khi các động thái phức tạp của ông Trump về thương mại sẽ gây ra nhiều khó khăn cho thương mại các nước, chúng ta có thể khẳng định rằng ông Trump luôn áp dụng chính sách nhẹ tay với Việt Nam.”
“Ngoài ra, chúng tôi thấy chính quyền Việt Nam đã hoàn thành các thỏa thuận thương mại với nhiều nước như Hàn Quốc, Canada và Mexico, hợp tác toàn diện hơn đối với EU và đàm phán thương mại với Nhật Bản.”, ông Mazza nhận xét.
Và không giống như Trung Quốc, Mazza cho biết, mối quan hệ hợp tác an ninh vừa chớm nở của Việt Nam với Hoa Kỳ - đặc biệt là liên quan đến lợi ích song phương của 2 bên trong việc chống lại yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông - đã tạo ra những ưu tiên khác cho Chính quyền Trump trong mối quan hệ song phương với Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis đã đích thân đến thăm Việt Nam hai lần vào năm 2018, trong khi Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thúc đẩy một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở nhằm mở rộng ưu tiên cho Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Ngô Xuân Lịch duyệt đội danh dự tại Việt Nam (Nguồn: AP)
Giáo sư Thayer, thuộc Đại học New South Wales, cho biết trong khi Việt Nam có thặng dư thương mại lớn thứ sáu đối với Mỹ, nhưng “xác suất Việt Nam chịu thuế vì thặng dư thương mại là khá thấp vì Việt Nam cho biết họ sẵn sàng đàm phán hiệp định thương mại song phương với Mỹ”, vị giáo sư khẳng định.
Mai Vũ Minh, một nhà đầu tư và chủ tịch của SAPA Thale GmbH - tập đoàn hoạt động ở cả Việt Nam và Mỹ, cho biết “Việt Nam không chỉ đơn thuần có các bước đi hài hòa giữa các bên trong cuộc chiến thương mại này mà còn tiến hành đổi mới chuỗi cung ứng phù hợp với bối cảnh hiện nay.”
“Mỗi doanh nhân cần phải thay đổi để thích ứng với công nghệ mới, phong cách quản lý và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, ông Minh chia sẻ.
GDP cả năm 2018 tăng 7,08% và là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây, mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu 6,7%...