Việt Nam có 4 tỷ phú đô la: Làm gì để có thêm nhiều tỷ phú?
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Việt Nam có thêm 2 tỷ phú USD nằm trong danh sách của Forbes cho thấy, người Việt không quá thua kém người nước ngoài. Để Việt Nam có thêm nhiều tỷ phú, nhà nước cần tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh.
Theo danh sách các tỷ phú năm 2018 do Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn, ngoài ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Việt Nam có thêm 2 tỷ phú lọt vào danh sách này gồm ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Cty CP Ô tô Trường Hải và ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát.
Tỷ phú Trần Đình Long. Ảnh: PV
Tỷ phú phải lan tỏa
TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho rằng, việc Việt Nam có thêm tỷ phú mới được ghi nhận là điều đáng mừng không chỉ cho cá nhân được ghi nhận, còn cho đất nước. Điều này thể hiện kinh tế Việt Nam những năm qua tăng trưởng tốt và bền vững nên kinh doanh phát triển. “Thêm tỷ phú tức là việc làm ăn của doanh nghiệp phát triển hơn. Các doanh nghiệp này không chỉ đóng góp thuế vào ngân sách mà còn lan tỏa giá trị, hoạt động kinh doanh sang các doanh nghiệp đối tác, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người khác. Đồng thời, việc chúng ta có thêm tỷ phú cũng lan tỏa động lực khởi nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng tới toàn xã hội, đặc biệt những người trẻ”, ông Đào nói.
Theo ông Đào, để kinh doanh và trở nên giàu có phụ thuộc nhiều yếu tố. Nhưng đầu tiên cá nhân đó phải có tham vọng làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, không chỉ tự thỏa mãn ở một mức nhất định. Như ở Trung Quốc, sau cải cách và mở cửa, nhiều người dân Trung Quốc có tham vọng làm giàu và vươn tầm ra thế giới, nên trở thành quốc gia có nhiều tỷ phú nhất thế giới.
Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Ảnh: PV.
TS Ngô Trí Long (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính) cho biết, 2 tỷ phú của Việt Nam vừa được Forbes công nhận chứng tỏ người Việt Nam không thua kém nhiều nước khác. Sự thành công này cũng chứng tỏ sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân, là động lực quan trọng của đất nước và cần phát huy hơn nữa.
TS Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) cho rằng, việc 2 tỷ phú lọt vào danh sách thuộc lĩnh vực công nghiệp đã có đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam. “Tôi rất mong Việt Nam có thêm nhiều tỷ phú, vì một dân tộc với khoảng 93 triệu dân mà chỉ có 4 tỷ phú được thế giới ghi nhận là quá ít”, ông Doanh nói.
Theo ông Doanh, 2 tỷ phú mới thuộc ngành công nghiệp sẽ động viên tốt cho các doanh nhân tiếp tục kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực này. Ông Doanh gợi ý, Hiệp hội doanh nhân nên tổ chức tọa đàm giữa tỷ phú với doanh nghiệp trẻ để học kinh nghiệm thành công của những tỷ phú đi trước.
Ông Phạm Nhật Vượng. Ảnh: PV.
Khuyến khích làm giàu chính đáng, không nhờ quan hệ, tham nhũng
TS Lưu Bích Hồ (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT), xã hội cần khuyến khích người giàu. Tuy nhiên, việc làm giàu cần phải chính đáng, đúng pháp luật. “Xã hội phải có những người giàu mới phát triển được. Chính sách cũng cần đảm bảo công bằng xã hội, ủng hộ người giàu nhưng cũng phải ưu đãi và hỗ trợ người nghèo”, vị chuyên gia chia sẻ.
Theo TS Đặng Đình Đào, tham vọng làm giàu chính đáng phải trên cơ sở thượng tôn pháp luật. Thực tế, theo ông Đào, 30 năm đổi mới đất nước, chuyển từ bao cấp sang kinh tế thị trường, nên môi trường pháp lý tới nay vẫn chưa hẳn đã hoàn thiện như các nước phát triển. Do đó, thời gian quá độ giúp những người biết nắm bắt thời cơ, đầu tư có chiến lược giàu lên, nhưng cũng có người giàu lên nhờ quan hệ, tham nhũng.
“Điều này cũng tạo ra đặc điểm khác biệt của tỷ phú và giới doanh nhân giàu có của Việt Nam, thường tên tuổi của họ không gắn với các sản phẩm, dịch vụ có thương hiệu toàn cầu. Trong khi nhắc tới các tỷ phú thế giới đều gắn tới những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, như Bill Gates gắn với Microsoft, Mark Zuckerberg gắn với Facebook, Jeff Bezos là Amazon, Jack Ma là Alibaba... Thực tế các thương hiệu gắn với tỷ phú Việt Nam vẫn chủ yếu phổ biến trong nước, chỗ đứng trên thị trường toàn cầu chưa nhiều, các yếu tố về khoa học công nghệ, yếu tố xanh còn chưa đạt”, ông Đào đánh giá.
Ông Trần Bá Dương. Ảnh: PV.
Ngoài ra, theo ông Đào, các tỷ phú thế giới thường trích một phần tài sản làm từ thiện, chia sẻ với cộng đồng, nhưng việc này ở Việt Nam vẫn chưa mạnh lắm. Do đó, ông Đào kỳ vọng các tỷ phú Việt Nam chia sẻ nhiều hơn với xã hội.
TS Võ Trí Thành (nguyên Phó Viện trưởng CIEM) cũng cho rằng, thêm nhiều người giàu càng tốt, đó là tín hiệu tích cực gắn với kinh doanh, cạnh tranh phát triển; đóng góp cho mình và cho đất nước.
Tuy vậy, ông Thành vẫn đặt ra vài điều để suy ngẫm, như khoảng cách giàu nghèo, trong đó có nhiều người giàu lên nhờ quan hệ, cơ hội, đặc quyền, đặc lợi... Cùng đó, các doanh nghiệp lớn phải lan tỏa tốt hơn nữa để nhiều doanh nghiệp khác cùng lớn lên, và giúp lan tỏa kỹ năng, công nghệ. “Chúng ta có các doanh nghiệp to nhưng ít doanh nghiệp lớn, thậm chí không có. Vì anh lớn thì phải có sức lan tỏa lớn cả thương hiệu, công nghệ, lẫn hỗ trợ và chia sẻ với cộng đồng để không ai tụt lại phía sau”, ông Thành nói.
Đồng thời, theo ông Thành, những ông chủ giàu có phải xây dựng văn hóa doanh nhân, văn hóa sống phù hợp với đòi hỏi của thời đại, như nhân văn và xu hướng xanh. Ngoài ra, cũng cần qua văn hóa doanh nhân để thay đổi quan niệm xã hội, khi xã hội vẫn thấy người giàu là kỳ thị, thậm chí ghét. Điều này cũng có lý do từ câu chuyện làm giàu, khi thực tế còn nhiều người giàu lên không chính đáng, cùng đó là văn hóa ứng xử trưởng giả, kênh kiệu. “Những điều đặt ra trên để chúng ta cùng suy ngẫm”, ông Thanh nói.
Để có thêm nhiều người giàu hơn nữa, các chuyên gia cũng cho rằng, nhà nước cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, từ đó trao cơ hội và khát vọng làm giàu cho tất cả mọi người. Đồng thời, hệ thống pháp luật cũng cần tiệm cận tiêu chuẩn thế giới, để làm giàu chính đáng, không phải giàu lên bằng chộp giật, quan hệ, tham nhũng... “Chỉ có như vậy mới đưa các thương hiệu của tỷ phú Việt vươn ra thế giới”, ông Đào nói thêm.
Ông Bùi Văn Nam, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, việc có thêm các tỷ phú rất đáng mừng, và rất ủng hộ, họ đều gắn các thương hiệu lớn đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước. Theo danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất năm 2016, do Tổng cục Thuế công bố mới đây, các doanh nghiệp gắn với tên 4 tỷ phú USD của Việt Nam đều có mặt. |