“Viên kẹo đắng” mang tên cổ phiếu mía đường nửa đầu 2018
Dù thị trường đạt đỉnh hay điều chỉnh, cổ phiếu mía đường vẫn giữ vững xu hướng giảm bền vững trong 6 tháng đầu năm 2018.
Cổ phiếu ngành mía đường là một trong những nỗi thất vọng lớn nhất cho nhà đầu tư trong nửa đầu năm 2018. Nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết trong ngành này đã giảm từ 40-60% giá trị từ đầu năm đến nay.
Diễn biến giá đường trắng trên sàn London. Nguồn: investing.com
Nhiều cổ phiếu giảm sâu từ 40-60% giá trị trong nửa đầu 2018
Thê thảm nhất là cổ phiếu SLS của mía đường Sơn La. Từng là một trong những cổ phiếu có thị giá cao nhất trên thị trường khi có thời điểm đạt 200.000 đồng/cổ phiếu. SLS đã lao dốc không phanh từ quanh mức 180.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm 2018 xuống chỉ còn 65.000 đồng (sau điều chỉnh) vào thời điểm hiện tại, tương ứng với mức giảm gần 57%.
Dù SLS đã trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%, thì những nhà đầu tư đã phải chịu thua lỗ lớn khó tin tưởng vào cổ phiếu này.
Theo BCTC Qúy III của niên độ tài chính 2017-2018 (niên độ tài chính của Mía đường Sơn La bắt đầu từ 1/7 và kết thúc vào 30/6 hàng năm), sản lượng đường bán ra và bình quân giá bán của công ty đều giảm sâu. Cụ thể, sản lượng đường bán ra quý 3/2018 đạt 15.068 tấn, giảm 1.966 tấn so với cùng kỳ. Bình quân giá bán ra 11.634 đồng/kg, giảm mạnh so với giá bán 14.925 đồng đạt được quý 3/2017. Kết quả, doanh thu quý 3 của SLS đạt 211,24 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 42,9 tỷ đồng, giảm sâu 54% so với cùng kỳ.
So sánh cổ phiếu SLS (line dưới) và chỉ số VN-Index. Nguồn:VnDirect
Cổ phiếu của một “ông lớn” khác trong ngành là Công ty CP Mía đường Thành Thành Công cũng có những diễn biến tiêu cực mặc dù có kết quả kinh doanh khá tích cực. Trong 9 tháng đầu năm tài chính 2017-2018, SBT đạt doanh thu gần 8.200 tỷ đồng, tăng 153% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 397 tỷ đồng, tăng trưởng 54% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm trước đó.
Nhưng so với mức giá 24.000 đồng vào đầu năm 2018, cổ phiếu này cũng đã giảm còn quanh mức 15.000 đồng ở thời điểm hiện tại, tương ứng mức giảm gần 38%. Trong khi VN-Index leo dốc vào đầu năm, SBT đã sụt giảm hơn 10% và đi ngang trong thời gian này.
Trước tình hình này, “công chúa mía đường” Đặng Huỳnh Ức My – Thành viên HĐQT của SBT – đã liên tục mua vào, hay công đoàn cơ sở của công ty cũng mua vào hơn 4,6 triệu cổ phiếu…nhưng cũng không cứu được đà giảm chung của cổ phiếu này. Những nhà đầu tư tin tưởng vào SBT phần lớn không thua lỗ thì cũng chôn vốn của mình tại sàn.
So sánh cổ phiếu SBT (line dưới) và chỉ số VN-Index Nguồn: VNDirect
Không kém cạnh trong xu thế lao dốc của cổ phiếu mía đường, LSS của mía đường Lam Sơn cũng đã ghi nhận mức giảm hơn 40% từ 12.000 đồng xuống quanh mốc 7000 đồng trong nửa đầu năm 2018. Còn KTS của đường Kon Tum cũng giảm khoảng 37%, hiện tại cổ phiếu này đang giao dịch quanh mức 22.000 đồng.
Chịu nhiều áp lực, cổ phiếu mía đường “chạy ngược” khi thị trường lên đỉnh
Không có gì lạ khi nhóm cổ phiếu này suy giảm khi thị trường chung lao dốc từ giữa tháng 4/2018. Nhưng trong thời điểm VN-Index leo dốc từ mốc 1000 điểm và đạt đỉnh tại 1200 điểm vào tháng 4, nhóm cổ phiếu này lại “lầm lũi” đi xuống. Trong khi nhiều nhà đầu tư hưởng trái ngọt và chốt lợi nhuận khi thị trường đạt đỉnh thì những người tin tưởng vào cổ phiếu mía đường lại như ngậm những viên kẹo đắng.
Nhìn chung, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy giảm của ngành mía đường là giá đường giảm, hàng tồn kho tăng cao và nỗi lo từ Hiệp định ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN). Gía đường thế giới đã sụt giảm mạnh từ năm 2017 khi đạt đỉnh vào 2016, đà giảm này được dự báo vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2018.
Còn khi ATIGA có hiệu lực, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, với thuế suất nhập khẩu chỉ là 5%. Điều này gây ra áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp đường trong nước.
Mới đây, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về tiếp tục áp dụng quy định về hạn ngạch thuế quan đối với ngành đường đến hết năm 2019. Việc thực hiện cam kết theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành đường sẽ được giãn 2 năm, áp dụng từ năm 2020.
Đây là một tin vui cho ngành mía đường Việt Nam và cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp tái cấu trúc, cải thiện quy mô kinh doanh, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh đầy khốc liệt sắp tới.