Vì sao vàng vọt lên mốc 47 triệu đồng?
Ngoài việc giá vàng thế giới đêm trước tăng mạnh thì việc thị trường chứng khoán và bất động sản đóng băng, trần lãi suất huy động giảm xuống chỉ còn 9% cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhu cầu đổ sang vàng.
Giá vàng trong nước trong phiên giao dịch hôm qua (14.9) tăng tới gần 900.000 đồng/lượng, vượt lên mốc hơn 47 triệu đồng/lượng. Cụ thể, giá vàng SJC mua vào 47 triệu đồng/lượng; bán ra 47,37 triệu đồng/lượng. Giá vàng tại Công ty Vàng bạc đá quý SBJ cũng tăng mạnh được giao dịch ở mức mua vào 47 triệu đồng/lượng; bán ra 47,35 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước đã có mức tăng mạnh trong vòng 1 năm qua.
Như vậy, chỉ một đêm sau khi có thông tin về động thái nới lỏng tiền tệ mạnh của FED (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) , cả giá vàng thế giới và giá vàng trong nước đều tăng đột biến. Trong phiên giao dịch tại thị trường châu Á, giá vàng ở quanh 1.774 USD/ounce. Đây là mức tăng được ghi nhận là "khủng khiếp" nhất trong vòng gần 1 năm qua đối với giá vàng trong nước.
Theo quan sát biểu đồ giá vàng của giới chuyên gia từ ngày 1.8 - 14.9 cho thấy: Trong vòng 1,5 tháng qua, giá vàng trong nước tăng gần 2 triệu đồng/lượng. Thậm chí mới đây, Ngân hàng HSBC còn đưa ra dự báo, từ nay đến cuối năm giá vàng sẽ chạm mốc 48 triệu đồng/lượng.
Lý do đẩy giá vàng tăng cao ngoài việc được xác nhận do giá vàng thế giới đêm trước tăng mạnh thì việc thị trường chứng khoán và bất động sản đóng băng, trần lãi suất huy động giảm xuống chỉ còn 9% cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhu cầu đổ sang vàng.
Chính trong thời điểm giá vàng lên cao gần chạm mốc kỷ lục thì tại thị trường trong nước giao dịch vàng miếng bắt đầu sôi động hơn. Được biết, Công ty SJC vừa đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho dùng vàng nữ trang để làm nguyên liệu sản xuất vàng miếng nhằm giải bài toán khan vàng miếng trên thị trường hiện nay.
Ngày hôm qua, ghi nhận giá vàng trong nước có tốc độ tăng chậm hơn giá thế giới nên khoảng cách giữa hai mức giá được rút ngắn xuống còn 2,43 triệu đồng/lượng, trong khi một ngày trước đó là 2,8 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, việc chênh lệch giá quá xa giữa hai thị trường thì người chịu trách nhiệm và giải đáp câu hỏi này phải là Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông Ánh, trước khi giá vàng tăng cao, vượt xa giá thế giới thì cho rằng vì SJC độc quyền, không chịu cung hàng, tạo thiếu hụt giả tạo. Nhưng nay, sau khi có Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng thì mọi hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh vàng miếng đều do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Do đó, lý do nói các ngân hàng thương mại mua nhiều vàng những ngày vừa qua làm chênh lệch giá và đẩy giá lên cao khó thuyết phục.