Vì sao tỷ phú TQ hay bị vào tù?

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 17% trong số các tỷ phú Trung Quốc được đưa vào xếp hạng Hồ Nhuận rốt cục phải hầu tòa hoặc tệ hơn là ngồi tù.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc được một tạp chí uy tín đưa vào xếp hạng tỷ phú, triệu phú được xem là một vinh dự lớn. Nhưng ở Trung Quốc, câu chuyện lại khác hẳn - việc có tên trong xếp hạng người giàu của tạp chí Forbes hay Hồ Nhuận thường mang tới “họa” hơn là “phúc”.

Theo báo The Atlantic, trong 15 năm qua, Trung Quốc đã sản sinh ra lượng của cải lớn hơn bất kỳ một quốc gia nào khác trên thế giới. Số lượng tỷ phú của nước này đã tăng từ 15 người lên khoảng 250 người trong vòng 6 năm.

Tuy nhiên, đối với một số người trong số này, địa vị tỷ phú nhanh chóng tan đi như bong bóng. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 17% trong số các tỷ phú Trung Quốc được đưa vào xếp hạng Hồ Nhuận rốt cục phải hầu tòa hoặc tệ hơn là ngồi tù. Như thế đã là may mắn, bởi thậm chí có người trong số này còn phải lãnh án tử hình.

Doanh nhân người Anh Rupert Hoogewerf lần đầu tiên công bố danh sách những người giàu nhất Trung Quốc trên tạp chí Hồ Nhuận vào năm 1999. Có nhiều ý kiến “buộc tội” Hoogewerf rằng, bản danh sách mà ông thực hiện nhằm mục tiêu “phanh phui” tầng lớp giàu có của Trung Quốc. Về phần mình, ông Hoogewerf lập luận rằng, chỉ có 1% những người lọt vào danh sách này là vi phạm pháp luật. Mặc dù vậy, danh sách Hồ Nhuận mới nhất càng củng cố ý kiến cho rằng, đây là một xếp hạng với nhiều gương mặt được “điểm danh” đã từng bị bắt giữ, xét xử hoặc ngồi tù.

Nhiều người có tên trong xếp hạng này chưa bị pháp luật sờ gáy, nhưng lại đối mặt với một vấn đề đáng buồn khác là họ đang trở nên nghèo đi. Có gần một nửa trong số 1.000 người giàu nhất Trung Quốc đã chứng kiến tài sản của họ vơi đi, trong đó 37% có mức tài sản hao hụt trên 50%. Tính chung trong cả năm 2012, Trung Quốc “mất” 20 tỷ phú so với năm 2011.

Tờ Wall Street Journal đã nói về “lời nguyền” của danh sách Hồ Nhuận: “Không lâu sau khi danh sách những người giàu nhất Trung Quốc được công bố, giá cổ phiếu công ty của nhiều người có tên trong danh sách này bắt đầu giảm. Các công ty này có nguy cơ cao bị Chính phủ cắt giảm trợ cấp, và lãnh đạo của các công ty đó có nguy cơ bị điều tra”.

Lấy trường hợp của Zhou Zengyi làm ví dụ. Từng là người giàu thứ 11 của Trung Quốc, với giá trị tài sản ròng được tạp chí Forbes ước tính ở mức 320 triệu USD vào năm 2002, Zhou đã bị bắt giữ hai lần và hiện đang thụ án tù 16 năm. Vụ sa cơ lỡ vận của Zhou thậm chí còn khiến Bí thư Thành ủy Thượng Hải Chen Liangyu mất chức.

Vậy điều gì đứng sau những pha thăng trầm chóng vánh của những người giàu nhất Trung Quốc? Trong một môi trường kinh doanh mà các mối quan hệ đóng vai trò quan trọng, nhiều tỷ phú, triệu phú của nước này đã tích lũy được khối tài sản lớn mà không cần quan tâm nhiều tới luật pháp và các quy định. Tuy nhiên, môi trường lỏng lẻo giúp con đường làm giàu nhanh đó luôn có hai mặt.

Xu Ming, một tỷ phú từng là người giàu thứ 8 Trung Quốc, đã bị bắt giữ và điều tra từ tháng 3/2012 tới nay vì có liên quan tới cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Tương tự, bốn nhân vật khác trong danh sách Hồ Nhuận cũng đã bị kết án với các tội danh về kinh tế, đang bị giam chờ xét xử, hoặc đã chính thức “bóc lịch” trong nhà đá.

Các vụ bắt giữ như vậy cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu mạnh tay hơn với vấn đề tham nhũng.

Vì sao tỷ phú TQ hay bị vào tù? - 1

Từng là người giàu thứ 11 của Trung Quốc vào năm 2002, Zhou Zhengyi đã bị bắt giữ hai lần và hiện đang thụ án tù 16 năm - Ảnh: Business Week.

Tạp chí Economist lưu ý rằng, ngày càng có nhiều vụ tham nhũng lớn bị đưa ra ánh sáng ở Trung Quốc. “Nếu muốn, nhà chức trách Trung Quốc có thể tìm ra cơ sở để cáo buộc hầu hết những người giàu nhất nước này tội bẻ cong (nếu không muốn nói là vi phạm) các quy định pháp luật. Nhưng văn hóa luật pháp của Trung Quốc rất đề cao nguyên tắc “giết gà dọa khỉ”.

Một trong những “con gà” đó là Gong Aiai, một cựu sếp ngân hàng sở hữu hơn 20 bất động sản với tổng trị giá 1 tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 159 triệu USD. Sau khi các cuộc tìm kiếm trên Internet do người dân tiến hành phát hiện ra khối tài sản lớn của Gong, nhà chức trách Trung Quốc phải vào cuộc điều tra. Kết quả cho thấy, Gong đã sử dụng hộ khẩu giả để thực hiện các vụ thâu tóm bất động sản. Với tội này, Gong sẽ phải đi tù.

Những vụ lớn như của Gong hoàn toàn không phải là hiếm gặp. Tuy nhiên, vụ ngã ngựa của Gong đã làm dấy lên một câu hỏi lớn. Vì sao nhiều người giàu Trung Quốc dám đánh đổi tất cả để được giàu?

Một lý do rất đơn giản nằm ở khía cạnh kinh tế. Với giá nhà tăng cao, có rất ít người Trung Quốc có thể mua nhà được bằng cách chỉ dành dụm tiền lương. Bên cạnh đó, nhiều người có tiền để mua nhà nhưng vì yếu tố hộ khẩu nên không thể mua nhà được ở những địa điểm ưa thích như Bắc Kinh. Thực tế này đã dẫn tới một thị trường hộ khẩu “chợ đen” phát triển mạnh ở Trung Quốc, và nhiều người xem hộ khẩu như một tấm vé để đạt tới sự giàu có.

Người giàu ở Trung Quốc cũng tận dụng các mối quan hệ với công chức để đạt được những thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Cách đây vài tháng, cư dân mạng Trung Quốc nói rằng, một quan chức quản lý đô thị ở Quảng Đông sở hữu 21 căn nhà, một tài sản đáng ngờ xét tới mức lương hàng tháng của ông này chỉ ở mức 10.000 Nhân dân tệ.

Ở Trung Quốc, việc sở hữu một căn nhà đồng nghĩa với địa vị xã hội cao hơn. Một căn hộ bình thường tại các thành phố lớn có thể tương đương 16 lần thu nhập bình quân của các hộ gia đình.

Ở một đất nước mà còn có nhiều người sống chật vật, những vụ lộ tài sản lớn như vậy thường tiềm ẩn nguy cơ gây ra bất ổn định xã hội. Vì lý do này, Chính phủ Trung Quốc có lý do cả về chính trị và kinh tế để giám sát những công dân giàu có nhất.

Ông Ruchir Sharma, người đứng đầu bộ phận các thị trường mới nổi của Morgan Stanley Investment Management, lý giải logic này như sau: “Nếu một quốc gia sản sinh ra quá nhiều tỷ phú so với quy mô của nền kinh tế, thì sự tập trung tài sản này có thể dẫn tới sự đình trệ. Ở Trung Quốc, tài sản của những tỷ phú giàu nhất là cao, nhưng rất ít người ở nước này từng tích tụ được khối tài sản trên 10 tỷ USD. Trên thực tế, có lý do để tin rằng Bắc Kinh đang thực thi một luật bất thành văn để áp đặt một mức trần đối với tổng tài sản của những người giàu”.

Mối đe dọa từ mức trần này đã khiến nhiều người giàu Trung Quốc che giấu tài sản. Wang Xiaolu, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế quốc gia Trung Quốc, ước tính rằng, nền kinh tế ngầm của Trung Quốc có quy mô 1,47 nghìn tỷ USD mỗi năm và đang tăng trưởng nhanh, cho thấy nhiều trong số những người giàu ở nước này sử dụng các “thủ thuật” kế toán để che giấu giá trị tài sản thực sự của họ. Kết quả là, bất bình đẳng về thu nhập ở Trung Quốc ngày càng lớn. Chưa đầy 1% dân số Trung Quốc kiểm soát hơn 70% giá trị tài sản ở nước này. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Huy (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN