Vì sao Trung Quốc phá giá kỷ lục đồng nhân dân tệ ?

Hôm qua (11/8), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho phép phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) xuống thấp hơn đồng USD gần 2%.

Phá giá kỷ lục

Cụ thể, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) công bố tỷ giá tham chiếu vào sáng 11/8 ở mức 6,2298 NDT đổi một USD, phá giá theo ngày 1,9% so với mức 6,1162 NDT được áp dụng trước đó. Đây là mức phá giá lớn nhất trong hai thập kỷ trở lại đây, trong bối cảnh tốc độ phát triển kinh tế của nước này chậm dần, biến động thị trường chứng khoán đầy bất ổn.

Vì sao Trung Quốc phá giá kỷ lục đồng nhân dân tệ ? - 1

Trung Quốc phá giá kỷ lục đồng nhân dân tệ

PBoC khẳng định, động thái này nhằm quản lý tỷ giá tốt hơn trước các diễn biến trên thị trường. Đồng thời, đây là một phần trong chiến lược cải cách cho phép đồng NDT được thay đổi linh hoạt theo biến động thị trường.

Tuy nhiên, động thái này được thông báo trước giờ thị trường tiền tệ Trung Quốc mở cửa, nhanh chóng lan ra các thị trường tiền tệ quốc tế, khiến đồng đôla Australia, won Hàn Quốc, đôla Singapore giảm giá trên thị trường tài chính châu Á. Do đó, nhiều chuyên gia và nhà phân tích hoài nghi về thời điểm và mục đích Chính phủ Bắc Kinh đưa ra quyết định trên.

Mỹ cáo buộc Trung Quốc kìm hãm giá trị tiền tệ ở mức thấp để đầu cơ dự trữ ngoại tệ, không cho đồng NDT “di chuyển” tự do trên thị trường hối đoái. Tại châu Á, nhiều nước xem đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang cố tình làm suy yếu đồng NDT trước tình hình dữ liệu xuất khẩu cực thấp (giảm 8,3%) mới được công bố tuần vừa qua. Bởi, tiền tệ yếu sẽ khiến giá nhập khẩu rẻ hơn, tạo sức hấp dẫn trước các nhà nhập khẩu nước ngoài.

Có chuyên gia e ngại, động thái này sẽ châm ngòi cho cuộc chiến tiền tệ khi các nước thi nhau phá giá. Chuyên gia kinh tế Alicia Herrero đến từ Ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp nhận định: “Chúng tôi tin chắc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc không dám để đồng NDT sụt giá quá nhanh và quá mạnh. Họ cần phải thể hiện rằng vẫn đang kiểm soát tốt tình hình tiền tệ”.

Tìm vị thế mạnh hơn?

Chuyên trang tài chính của CNN cho rằng, việc cải cách tiền tệ theo định hướng thị trường sẽ là đòn bẩy hỗ trợ chiến dịch đưa đồng NDT vào nhóm những đồng tiền mạnh được Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) dùng để định giá tài sản dự trữ. Hiện nhóm này gồm có đồng USD, euro, bảng Anh và yên Nhật. Một khi lọt vào nhóm tiền này, đồng NDT sẽ có quyền Rút vốn đặc biệt (SDP) và được sử dụng thường xuyên hơn trong các hoạt động thanh toán và chuyển khoản quốc tế.

Trong một báo cáo mới đây, IMF cho biết, tổ chức này chưa đưa ra ý kiến về việc đưa đồng NDT vào “nhóm đồng tiền mạnh” mà sẽ lùi lại cho đến tháng 9 sang năm, căn cứ trên những tiến bộ của cải cách tài chính nước này. Hiện, NDT đang bị đánh giá “chưa đáp ứng tiêu chí sử dụng tự do”. Nhận xét về động thái phá giá ngày hôm qua, ông Zhou Hao, chuyên gia của Commerzbank AG (Singapore) cho rằng, đó không phải là phản ứng đối với các dữ liệu thương mại mà do quyền rút vốn đặc biệt tại IMF.

Trước đó một ngày, PBoC cho biết, kể từ ngày 12/11 tới sẽ phát hành tiền giấy mệnh giá 100 NDT có thiết kế mới. Mẫu tiền mới được tăng cường kỹ thuật chống tiền giả và chất lượng in tốt hơn. Về cơ bản, thiết kế tiền mới vẫn giống seri phát hành năm 2005, nhưng các chữ số 100 ở mặt trước và 2015 ở mặt sau có thể chuyển màu để tăng độ an ninh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trang Trần - QM (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN