Vì sao tín dụng tăng trưởng cao nhưng GDP vẫn thấp?

Sự kiện: Kinh Doanh

Tín dụng tăng cao, GDP tăng thấp, nợ xấu vẫn tiếp tục tăng nên cần xem lại đường đi của dòng vốn.

Doanh nghiệp nhỏ vẫn triền miên đói vốn

“Vì không có tài sản thế chấp nên chúng tôi không thể vay được vốn”, đó là khẳng định của bà Hoà, chủ doanh nghiệp Quốc Kim, Q.12, TP.HCM - hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Theo bà Hòa, Quốc Kim là doanh nghiệp nhỏ, chuyên thi công công trình công cộng. Công trình thường có nhiều hạng mục, nhà thầu ký chính với đối tác, sau đó họ sẽ lựa chọn nhà thầu phụ và nhà thầu phụ ký hợp tác với Quốc Kim. Tuy nhiên quá trình thi công, doanh nghiệp không được ứng tiền mà phải hoàn thành đến đâu mới được thanh toán đến đó. Thậm chí phải ứng tiền trước rồi thanh lý hợp đồng mới được thanh toán. Nhiều khi “đói” vốn để mua nguyên vật liệu, trả lương nhân công…, song khi tìm đến cửa ngân hàng, hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp thường bị trả về do không có tài sản thế chấp.

Tương tự như vậy, ông Hoan, chủ một doanh nghiệp mới thành lập ở Long An cho biết, muốn phát triển nông sản sạch nhưng rất chật vật vì vay vốn. Đa số ngân hàng đều yêu cầu phải có tài sản thế chấp chứ không chỉ phương án kinh doanh tốt. Vì thế doanh nghiệp muốn khởi nghiệp thì hoặc là có vốn tự có, hoặc phải có tài sản thế chấp để vay vốn.

Vì sao tín dụng tăng trưởng cao nhưng GDP vẫn thấp? - 1

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng tăng cao song nhiều chuyên gia lo ngại vốn được vay để đảo nợ và đổ vào bất động sản - Ảnh: T.P

Đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp, nhất là khối vừa và nhỏ. Theo một kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chỉ có hơn 1/3 doanh nghiệp vừa và nhỏ (chưa đến 36%) trong số các doanh nghiệp đang hoạt động có tiếp cận vốn ngân hàng.

Trong khi đó, Chính phủ kêu gọi và thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp. Tuy nhiên các chuyên gia cũng thừa nhận, mặc dù được sự hỗ trợ của nhiều chính sách nhưng doanh nghiệp nhỏ vẫn khó phát triển do bị hạn chế tiếp cận các nguồn tài nguyên đất đai, nhân lực và khó khăn hơn cả là việc tiếp cận nguồn vốn nhà nước lẫn nguồn vốn xã hội.

Lo ngại vốn bơm ra để đảo nợ và đổ vào bất động sản

Mới đây, Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 7,54% - mức tăng cao nhất trong 8 năm qua. Tín dụng tăng trưởng cao nhưng doanh nghiệp nhỏ vẫn khó vay vốn, GDP thấp, đặc biệt nợ xấu vẫn đang là gánh nặng đè lên xương sống của nền kinh tế. Vậy thực chất tăng trưởng tín dụng như vậy có bất thường?

Theo NHNN, tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 2,46%. Đến nay, tỉ lệ nợ xấu nội bảng đã được kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nếu tính cả khoản do Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản (VAMC) quản lý, nợ xấu nội bảng và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ.

6 tháng, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng gần 22%

Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 61.276 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 596.200 tỷ đồng; 15.379 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, cũng trong 6 tháng, có 37.907 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Con số này bao gồm 14.377 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 17,8% và 23.530 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 24,4%.

Theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, hiện chưa quá lo lắng về bong bóng tín dụng, tuy nhiên, NHNN vẫn cần thận trọng, kiểm soát để nắn ưu tiên dòng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Có thể cân nhắc điều chỉnh tín dụng cho một số ngân hàng thương mại có yêu cầu, với 2 điều kiện là năng lực hấp thụ của tổ chức tín dụng và kiểm soát rủi ro. Ngoài ra, bám sát thị trường để có chính sách hút tiền, bơm tiền đảm bảo thanh khoản và mặt bằng lãi suất không bị đẩy lên.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, có nhiều nguyên nhân cho thấy tăng trưởng tín dụng tăng cao, nhưng GDP lại thấp. Tuy nhiên, trong số những nguyên nhân đó chắc chắn rằng có các dấu hiệu về khả năng doanh nghiệp không hấp thụ được vốn. Vốn đang bơm ra chủ yếu phục vụ đáo hạn để quay vòng hoặc vốn đang chảy vào lĩnh vực bất động sản. 

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM mới đây, trong 5 tháng đầu năm, TP.HCM có 15.492 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, tổng vốn đăng ký gần 193.784 tỷ đồng. Nếu tính cả số doanh nghiệp thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh thì tổng vốn lên hơn 453.569 tỷ đồng; tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cơ cấu nhóm doanh nghiệp vừa đăng ký thành lập mới 5 tháng qua có đến 42,6% kinh doanh bất động sản. Ngành xây dựng cũng chiếm hơn 15%. Còn lại là buôn bán, sửa chữa ôtô và xe máy, các ngành nghề khác. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cũng thừa nhận với tình hình đến hơn 40% là doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng qua là bất động sản thì chúng ta phải suy nghĩ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Trang (Báo Giao thông)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN