Vì sao người Việt sang Hong Kong khởi nghiệp?

Sự kiện: Kinh Doanh

Đừng để doanh nghiệp vừa khởi nghiệp đã bị chết yểu. Tạo dễ thở cho khởi nghiệp.

Vì sao người Việt sang Hong Kong khởi nghiệp? - 1

Việt Nam đang tổ chức chiến dịch phát động khởi nghiệp trong giới trẻ.

Vậy khởi nghiệp tại Việt Nam có giống các quốc gia khác không? Đâu là thành công và thất bại khởi nghiệp của các doanh nghiệp (DN) Việt?

Làm xong thủ tục thì đã… già

Theo Tổng cục Thống kê, có trên 94.000 DN đăng ký thành lập mới trong năm ngoái. Cũng trong thời gian trên số DN buộc phải tạm ngừng hoạt động lên đến trên 70.000 DN. Điều này cho thấy DN khởi nghiệp chết yểu vẫn còn nhiều, ít thành công.

Khởi nghiệp ở Việt Nam thiếu bền vững do nhiều DN mới không thể kiên trì, chịu đựng được cạnh tranh và cũng không giải được bài toán về con người, nguồn lực, thị trường, thị phần. Và có một yếu tố vô cùng quan trọng đó là bản lĩnh lập nghiệp, khả năng chống chọi với khó khăn còn hạn chế.

tỉ phú Lý Gia Thành của Hong Kong khi bắt đầu sự nghiệp làm hoa nhựa, ông đã tuyên bố đại ý: Nếu thất bại thì phải đi đến cùng của thất bại để rút ra bài học tại sao thất bại. Có lẽ sự chịu đựng của ông đã giúp ông từ thất bại đi đến thành công sau đó.

Khởi nghiệp ở Việt Nam ít thành công còn có nhiều nguyên nhân khác nữa. Đơn cử như thủ tục hành chính rườm rà “hành xác” và “bóp chết” ngay các DN khi họ mới bắt đầu. Nói ví von theo giới trẻ là “làm xong thủ tục thì đã già mất” bởi đâu đó vẫn còn tình trạng công chức gây khó khăn, hoạnh họe DN hoặc tiêu cực, chồng chéo về thủ tục, quy định.

Đó là chưa kể nếu DN Việt khởi nghiệp thành công thì vẫn còn nhiều áp lực khác như chi phí vận chuyển, vận tải… vô cùng tốn kém. Còn một điều DN lo sợ là chính sách thay đổi đột ngột khiến DN không kịp trở tay, hay các luật thay đổi không có lợi cho họ.

Vì sao người Việt sang Hong Kong khởi nghiệp? - 2

Mô hình trồng lúa sạch của chàng trai Võ Văn Tiếng ở Đồng Tháp đạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp. Ảnh: BTC

Israel khởi nghiệp thế nào

Trước đây khi có dịp sang làm việc tại Israel về một dự án xử lý nước thải cho Khu công nghiệp Bita’s, tôi đã rất ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì với một đất nước diện tích chỉ 22.000 km2, dân số chỉ khoảng 7,6 triệu người nhưng họ đã có chương trình khởi nghiệp quốc gia từ cuối những năm 1980, đến đầu năm 1990 thì phát triển mạnh mẽ.

Ở mọi góc phố, con đường…, tôi đều thấy họ bàn thảo, tổ chức vườn ươm để cho mọi người dân có thể tham gia vào hoạt động khởi nghiệp. Khi làm việc với ủy ban quản lý nguồn nước thủ đô Tel-Aviv, tôi được họ cho biết là nếu không có tinh thần sáng tạo, ý chí vượt khó, tinh thần khởi nghiệp của cả đất nước thì chỉ nói tới nguồn nước sinh hoạt hằng ngày cũng sẽ không bao giờ có đủ chu cấp cho dân chúng.

 Song để làm được điều đó thì tính chủ động của các DN là mấu chốt cho thành công. Nhiều người có chung nhận xét các DN của Israel có ý chí cao, ít trông chờ vào chính phủ; họ có đường lối, kế hoạch lập nghiệp, tính toán các bước đi cho sự nghiệp của mình rất chi ly và bài bản.

Bên cạnh đó, chính phủ Israel quyết tâm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đến cao độ và duy trì liên tục bằng nhiều biện pháp. Họ chấp nhận thách thức, xây dựng con người và đội ngũ mang “thương hiệu” Israel. Họ còn tạo ra nhiều cơ chế thích hợp để mọi người sáng tạo, làm ăn và người đứng đầu quốc gia là “thủ lĩnh” của toàn bộ chương trình khởi nghiệp quốc gia.

Tạo dễ thở cho khởi nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những động thái thể hiện sự ủng hộ lớp doanh nhân mới khởi nghiệp mạnh mẽ. Chẳng hạn đầu năm Thủ tướng đã gặp gỡ doanh nhân để lắng nghe; đưa chủ đề về DN vào các phiên họp của Chính phủ; chỉ đạo quyết liệt phải tháo gỡ vướng mắc cho cộng đồng DN phát triển…

Tất cả việc làm trên của Chính phủ mới có tác động nhất định đến tinh thần khởi nghiệp. Tuy nhiên, để có kết quả tốt cho việc khởi nghiệp, còn đòi hỏi phải làm nhiều việc và cần phối hợp đồng bộ hơn nữa của các bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh, thành. Chẳng hạn như đơn giản hóa thủ tục hành chính, xóa bỏ các điều kiện kinh doanh đang làm khó DN, đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu sáng tạo… Qua đó hỗ trợ và tạo được bầu không khí dễ thở khi khởi nghiệp.

Đặc biệt cần tập trung hỗ trợ cho DN tư nhân nhiều hơn để giúp họ khởi nghiệp an toàn, từ đó làm động lực tăng trưởng chung cho nền kinh tế quốc gia.

Quá ít doanh nghiệp

Dù rằng bức tranh khởi nghiệp tại Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu tích cực khi tinh thần này được đưa vào chính sách điều hành của Chính phủ, sự quán triệt của khởi nghiệp đã đến được hầu hết các tỉnh, thành.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm năm 2015 Việt Nam mới có khoảng 500.000 DN và thực sự cũng chỉ hơn 375.000 DN là có hoạt động. Con số trên là quá ít và không xứng tầm với dân số một quốc gia xấp xỉ 100 triệu dân.

Singapore mất 1 tuần, Việt Nam 6 tháng

Gần đây có nhiều người Việt sang Singapore mở DN, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. Một số DN cho biết tại Singapore, thuế DN thấp, chi phí vận hành không cao, thủ tục mở công ty nhanh gọn… Chẳng hạn tổng thời gian để thành lập một công ty chỉ khoảng một tuần làm việc, với số vốn tối thiểu là 1 đô Sing, tương đương hơn 16.000 đồng. Ở Singapore để hoàn tất thủ tục giấy phép mua bán cổ phần cũng như các thủ tục liên quan chỉ mất khoảng một tuần, trong khi ở Việt Nam có khi phải mất từ năm đến sáu tháng.

____________________________________

Gạo sạch đạt giải nhất

Dự án “Mô hình trồng lúa sạch của nông trại Tâm Việt” của chàng trai Võ Văn Tiếng ở Đồng Tháp và những người bạn đã vượt qua hơn 20 đối thủ để giành giải nhất cuộc thi “Dự án khởi nghiệp 2016” do Trung tâm BSA tổ chức ngày 2-10 tại TP.HCM. Điểm đặc biệt của mô hình này là hoàn toàn không sử dụng phân bón, thuốc hóa học. Tác giả nói rằng muốn cho bà con có những hạt gạo ngon như ngày xưa ông bà ta làm.

TÚ UYÊN

ĐỖ LONG, Chủ nhiệm CLB Quản trị và khởi nghiệp

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Long (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN