Vì sao ngân hàng tăng phí dịch vụ?
Các ngân hàng tăng nhiều khoản phí khi khách hàng giao dịch qua kênh ngân hàng điện tử liệu có mâu thuẫn với chủ trương khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt của nhà nước?
Nằm trong nhóm các ngân hàng (NH) có số lượng khách hàng sử dụng thẻ thanh toán nhiều nhất nên việc NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng một loạt phí trong đó lần đầu thu với một số giao dịch qua NH điện tử (Internet Banking, Mobile Banking) sẽ ảnh hưởng đáng kể tới khách hàng.
Duy trì tài khoản cũng… tốn phí
Ngày 3-3, khi truy cập vào ứng dụng Internet Banking của Vietcombank để chuyển khoản cho bạn, chị Ngọc Anh (ngụ quận 9, TP HCM) nhận được thông báo từ NH này về việc sẽ bắt đầu thu phí duy trì dịch vụ VCB-iB@nking mức 11.000 đồng/tháng với khách hàng phát sinh giao dịch tài chính trên ứng dụng này trong tháng.
"Khi chuyển khoản xong, tôi tiếp tục nhận được tin nhắn trừ 2.200 đồng phí chuyển tiền trong cùng hệ thống NH qua ứng dụng này, trong khi trước đây miễn phí. Do tôi có bán hàng qua mạng nên mỗi ngày phải giao dịch với rất nhiều khách hàng và sẽ phải mất khoản phí đáng kể" - chị Ngọc Anh nói.
Vietcombank tăng một loạt phí giao dịch ngân hàng khiến nhiều người đang sử dụng dịch vụ phản ứng gay gắt Ảnh: Tấn Thạnh
Theo biểu phí dịch vụ mới dành cho khách hàng cá nhân, Vietcombank còn lần đầu thu phí quản lý tài khoản 2.000 đồng/tháng; tăng phí SMS Banking từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng/tháng (đã gồm thuế GTGT). Khi chủ tài khoản Vietcombank chuyển tiền trong cùng hệ thống NH qua ứng dụng Internet Banking, Mobile Banking, trước đây được miễn phí thì nay sẽ tốn 2.200 đồng/giao dịch cho khoản tiền dưới 50 triệu đồng và 5.500 đồng/giao dịch nếu chuyển từ 50 triệu đồng trở lên. NH này cũng thay đổi cách tính một số loại phí theo giá trị khoản tiền giao dịch của khách hàng, theo hướng giảm phí nếu khách hàng chuyển số tiền thấp và ngược lại…
Ngay sau khi Vietcombank áp dụng biểu phí mới, nhiều khách hàng đã phản ứng khá gay gắt. Vietcombank hiện nằm trong nhóm các NH có lượng khách hàng cá nhân sử dụng các dịch vụ NH điện tử nhiều nhất trên thị trường, nên việc điều chỉnh các mức phí sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khách hàng. Chẳng hạn, những doanh nghiệp có số lượng cán bộ, nhân viên lớn và chuyển lương qua tài khoản Vietcombank sẽ phải tốn thêm chi phí dù chuyển tiền trong cùng hệ thống. Nhiều người kinh doanh trên mạng xã hội cho biết mỗi ngày, họ phải chuyển và nhận tiền rất nhiều lần nên việc NH tăng phí chuyển khoản cũng ảnh hưởng đáng kể.
Anh Thanh, nhân viên một cơ quan hành chính sự nghiệp ở quận 2, TP HCM, cho biết cơ quan vừa chuyển tài khoản nhận lương sang Vietcombank nhưng NH này lại tăng đủ loại phí khi giao dịch qua NH điện tử, nhất là phí duy trì tài khoản, phí SMS Banking… "Rút tiền từ máy ATM nội mạng của Vietcombank cũng mất phí, nay chuyển tiền qua NH điện tử trong cùng hệ thống mà cũng mất tiền là tận thu!" - anh Thanh bức xúc.
Tăng phí là khó tránh!
Trước những phản ứng của khách hàng, Vietcombank cho rằng chính sách điều chỉnh phí dịch vụ được NH này áp dụng cùng với việc cung cấp thêm nhiều dịch vụ mới, chất lượng cao và tiện ích hơn cho khách hàng. Các loại phí được điều chỉnh theo hướng linh hoạt, phù hợp với nhu cầu giao dịch của khách hàng. Đồng thời, Vietcombank đã gia tăng tiện ích để khách hàng chủ động quản lý việc sử dụng thẻ và các dịch vụ khác ngay trên các kênh điện tử mà không phải đến quầy.
Thực tế thời gian qua, nhiều NH khác cũng âm thầm điều chỉnh theo hướng tăng phí dịch vụ. Chẳng hạn, NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) áp dụng phí chuyển khoản nhanh qua tài khoản hoặc thẻ khác hệ thống, khác tỉnh, TP là 0,05% số tiền; NH TMCP Đông Á áp dụng phí chuyển khoản qua Internet Banking khác hệ thống, khác tỉnh là 22.000 đồng/giao dịch hay NH TMCP quốc tế (VIB) nếu trước đây miễn phí khá nhiều giao dịch, nay cũng bắt đầu thu phí…
Một số NH còn kiến nghị lên NH Nhà nước xin được điều chỉnh tăng phí giao dịch qua hệ thống máy ATM với lý do bù đắp chi phí đầu tư và nâng cấp hệ thống ATM nhưng chưa được chấp thuận.
Thực tế, tỉ trọng nguồn thu từ dịch vụ của các NH thương mại đã cải thiện đáng kể trong thời gian qua, so với nguồn thu chủ yếu từ tín dụng. Lãnh đạo một NH thương mại cho biết trước đây, khi lãi suất cho vay cao, doanh thu và lợi nhuận của các NH chủ yếu đến từ tín dụng. Nay, lãi suất cho vay liên tục giảm nên các NH cũng dịch chuyển dần doanh thu sang phân khúc NH bán lẻ, trong đó có các loại phí dịch vụ. "Với những NH có lượng khách hàng lớn, đầu tư vào hệ thống NH điện tử, doanh thu có thể bù đắp được chi phí nhưng với một số NH nhỏ vẫn đang phải bù lỗ cho các khoản đầu tư này vì chi phí rất lớn" - vị lãnh đạo NH này chia sẻ.
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ của các NH thương mại năm 2017 tăng tới 34,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có các khoản tăng phí từ dịch vụ thanh toán. Và trong năm 2018, nhiều NH thương mại tiếp tục đặt mục tiêu tăng doanh thu từ dịch vụ, trong đó có các loại phí. Thậm chí nhiều NH còn đặt chỉ tiêu về doanh thu phí dịch vụ đến từng đơn vị kinh doanh, khi phân khúc này còn tiềm năng rất lớn.
Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi việc NH tăng phí dịch vụ, liệu có mâu thuẫn với chủ trương khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt của nhà nước khi mà mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua NH đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 đẩy mạnh thanh toán đối với các dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội qua NH, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ NH của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính: Tăng phí để có nguồn cải thiện dịch vụ Việc các NH điều chỉnh các loại phí giao dịch, trong đó có giao dịch qua NH điện tử là xu hướng dễ hiểu, bởi sau một thời gian dài miễn phí cho khách hàng làm quen dịch vụ, nay họ thu phí để bù đắp khoản đầu tư, nâng cấp hệ thống. Thực tế, chi phí đầu tư cho hệ thống corebanking (NH lõi), Internet Banking, Mobile Banking là rất lớn, nhất là trong bối cảnh yêu cầu bảo đảm an toàn, an ninh cho khách hàng khi giao dịch và nâng chất lượng dịch vụ. Đã đầu tư vào dịch vụ là phải thu phí để cải thiện chất lượng hệ thống. Một vài NH vẫn đang miễn phí cho khách hàng để khuyến khích giao dịch, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt nhưng ở các nước cũng rất ít NH thương mại miễn phí, một số NH nước ngoài lớn thường thu phí theo gói dịch vụ để khuyến khích khách hàng dùng càng nhiều dịch vụ càng có lợi… Chính sách về phí của các NH là khác nhau nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, nên khách hàng có thể lựa chọn dịch vụ của NH nào tốt, phí hợp lý để sử dụng. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH: Nhiều khoản phí chưa hợp lý NH thu phí để bù đắp cho các khoản đầu tư vào dịch vụ là hợp lý nhưng có một số khoản thu bất hợp lý. Nhiều NH ở Việt Nam thu quá nhiều loại phí mà các NH nước ngoài không có như phí duy trì tài khoản, phí truy vấn thông tin hay in sao kê… Đây lẽ ra là những dịch vụ đương nhiên khách hàng được hưởng. Phí quá nhiều loại nên dù số tiền mỗi loại không nhiều nhưng khi người dùng sử dụng thường xuyên cũng tốn chi phí đáng kể cho khách hàng và dễ gây bức xúc. Do đó, các NH nên xem xét và cân nhắc giảm các khoản phí chưa hợp lý để tạo thuận lợi cho khách hàng, kích thích phát triển nền kinh tế phi tiền mặt. Về lâu dài, điều này sẽ có lợi cho cả NH, khách hàng và nền kinh tế. Khách hàng cũng nên lựa chọn NH nào có dịch vụ thấp, mức phí thấp để sử dụng. Phó tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần tại TP HCM: Cân nhắc tăng phí để không gây phản cảm Vài năm trước, các loại phí dịch vụ không nhiều và chủ yếu miễn phí để khách hàng làm quen nên gần đây, khi các NH tăng phí và thu thêm nhiều loại phí khiến khách hàng bức xúc. Thực tế, nếu so với chi phí đầu tư vào hệ thống NH điện tử, NH lõi thì một số NH vẫn đang bù lỗ nhưng chúng tôi vẫn phải cân nhắc không tăng phí quá cao tránh gây phản cảm. Ở góc độ khác, tôi cho rằng việc NH miễn phí dịch vụ đang khiến khách hàng "nhảy" từ NH này sang NH khác, mở thẻ nhưng không sử dụng gây lãng phí. Hiện có hơn 100 triệu thẻ ATM các loại, mỗi người có 2-3 thẻ nhưng số lượng thẻ hoạt động thực tế lại không nhiều, thẻ rác rất lớn. Do đó, nếu tăng phí dịch vụ đi kèm tăng chất lượng, tiện ích và bảo mật thì cũng dễ hiểu. Linh Anh ghi |