Vì sao hàng loạt ngân hàng báo lãi đột biến?

Không chỉ các "ông lớn" ngân hàng báo lãi ngàn tỉ mà nhiều ngân hàng cổ phần khác cũng công bố mức lợi nhuận cao "kỷ lục" so với năm trước, vì sao?

Các ngân hàng (NH) thương mại nhà nước như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank vừa công bố lãi kỷ lục trong năm 2017, với lợi nhuận cao nhất của Vietcombank vượt 11.000 tỉ đồng. 

Nhiều NH thương mại cổ phần như MB, Eximbank, HDBank, VIB, An Bình, Kiên Long, Sacombank… cũng có mức lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ.

Tăng gấp 9,5 lần

NH TMCP An Bình (ABBANK) cho biết lợi nhuận trước thuế tăng 115% so với cùng kỳ khi đạt 619 tỉ đồng trong năm 2017. Trong hoạt động kinh doanh, thu nhập từ lãi thuần, thu nhập từ hoạt động dịch vụ và cả thu nhập từ góp vốn và mua cổ phần đều tăng khá mạnh so với năm trước, giúp lợi nhuận của NH này tăng đột biến.

NH TMCP Kiên Long (Kienlongbank) cũng vừa tổng kết hội nghị kinh doanh 2017 và triển khai nhiệm vụ 2018, với mức lợi nhuận trước thuế gần 260 tỉ đồng, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng dư nợ tín dụng và huy động vốn của NH này đều ở mức khá cao giúp lợi nhuận đạt vượt kế hoạch, trong đó lãi từ hoạt động dịch vụ tăng gấp 1,36 lần so với năm trước. 

Một NH khác cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận 100% so với cùng kỳ năm trước là NH TMCP Quốc tế (VIB), khi báo cáo tài chính kết thúc năm 2017 cho thấy lãi trước thuế của NH này là 1.405 tỉ đồng. Một trong những nguyên nhân giúp lợi nhuận của VIB tăng mạnh đến từ mảng bán lẻ. Tốc độ tăng trưởng của NH bán lẻ lên tới 83% và tỉ trọng phân khúc này cũng tăng từ 38% vào năm ngoái lên 50% đến cuối năm 2017.

Trong khi đó, một số NH có mức lợi nhuận thấp trong năm ngoái cũng trở lại "đường đua" với mức lãi cao. NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.488 tỉ đồng, tăng gấp 9,5 lần so với năm ngoái. Theo Sacombank, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong năm đầu tiên hoạt động theo đề án tái cơ cấu nhưng NH vẫn đạt kết quả khả quan.

Đáng lưu ý, trong năm 2017 Sacombank đã xử lý được hơn 19.600 tỉ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 15.000 tỉ đồng thuộc đề án tái cơ cấu. Tỉ lệ nợ xấu đã giảm từ 6,68% đầu năm 2017 xuống còn 4,28% đến cuối năm ngoái. Một trong những nguyên nhân giúp lợi nhuận Sacombank khả quan là thu dịch vụ của NH này tăng rất tốt khi đạt 2.625 tỉ đồng, trong đó thu dịch vụ truyền thống tăng gần 28% so với năm trước. 

Vì sao hàng loạt ngân hàng báo lãi đột biến? - 1

Nhiều NH thương mại báo lãi lớn trong năm 2017

Lãi vẫn chủ yếu từ tín dụng

Theo các chuyên gia, tăng trưởng tín dụng khả quan là yếu tố chính góp phần giúp lợi nhuận của ngành NH nói chung và nhiều NH thương mại tăng cao so với trước. Phân tích từ Báo cáo tổng quan ngành NH của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho thấy thu nhập từ hoạt động tín dụng tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn trong tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh của các NH. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động tín dụng của ngành NH tăng 33,1% so với năm trước và chiếm tới 79,1% tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh.

Đồng thời, các hoạt động kinh doanh khác cũng đạt kết quả tương đối khả quan. Trong đó, thu nhập từ hoạt động góp vốn mua cổ phần tăng khoảng 3,4 lần. Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 34,7%. Ngoài các khoản tăng phí từ dịch vụ thanh toán, một số tổ chức tín dụng ký kết hợp đồng hợp tác độc quyền, toàn diện đối với những công ty bảo hiểm lớn, kỳ hạn lên tới 10-15 năm dự kiến đem lại nguồn thu dịch vụ và hoạt động lớn trong thời gian tới.

Một yếu tố khác giúp lợi nhuận nhiều NH tăng mạnh trong năm qua đến từ việc xử lý nợ xấu. Phó tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP HCM phân tích những năm qua, nhiều NH thương mại đã phải dùng lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu, nay quá trình xử lý nợ xấu khả quan hơn và số nợ đã xử lý được sẽ được hoàn nhập vào doanh thu của NH.

"Không ít NH có mức lãi cao trong năm nay là do lợi nhuận gộp lại từ những năm trước, sau khi hoàn nhập dự phòng nợ xấu hoặc đã xử lý được một số khoản nợ lớn nên không cần phải trích lập dự phòng rủi ro nữa" - vị này phân tích.

Ủy ban giám sát tài chính quốc gia dự báo lợi nhuận của hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục khả quan trong năm 2018 do tín dụng vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định như năm 2017; nợ xấu được kỳ vọng xử lý nhanh hơn và tăng thu nhập của NH thương mại thông qua hoàn nhập dự phòng nợ xấu. Từ đó, các tổ chức tín dụng có thêm dư địa để giảm lãi suất cho vay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN