Vì sao giá USD lao dốc?

Trái ngược với diễn biến tăng vọt của những ngày đầu tháng 7, tỷ giá đang trong tình trạng rớt mạnh. Chỉ trong hai ngày vừa qua, giá đôla Mỹ (USD) đã mất gần 50 đồng/USD. Sở dĩ USD mất giá, theo lý giải của giới ngân hàng là do lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại.

Ngày 30.7, tại Eximbank, tỷ giá mua – bán niêm yết ở mức 21.120 – 21.220 đồng/USD, giảm 40 đồng mua vào và 10 đồng bán ra so với một ngày trước đó. Vietcombank niêm yết giá USD mua – bán ở mức 21.140 – 21.210 đồng, giảm 30 đồng mua vào và 20 đồng bán ra so với chiều ngày 29.7.

Ngoài thị trường tự do, tỷ giá cũng lao dốc khá mạnh. Tại một cửa hàng vàng trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM, khi khách hỏi mua và bán USD được chủ cửa hàng này trả lời, giá đã rớt nhiều so với hôm qua, chỉ còn 21.300 – 21.380 đồng/USD trong ngày 30.7, giảm gần 100 đồng/USD so ngày trước.

Trong khi đó, tại sở Giao dịch ngân hàng Nhà nước (NHNN), giá USD giao dịch trong ngày 30.7 vẫn ổn định như những ngày của tuần trước: 20.826 – 21.246 đồng/USD. Còn tỷ giá USD bình quân liên ngân hàng là 21.036 đồng đồng/USD.

Vì sao giá USD lao dốc? - 1

Việc chuyển USD sang VND để gửi tiết kiệm vẫn đang diễn ra. Ảnh: Lê Quang Nhật

Lý giải cho việc tỷ giá giảm mạnh trong những ngày cuối tháng 7, lãnh đạo một nhà băng cho biết, là do nguồn ngoại tệ tại các ngân hàng hiện khá dồi dào, trạng thái dương ở mức cao sau đợt mua vào ngoại tệ đầu tháng 7 vừa rồi. Mặt khác, theo vị lãnh đạo ngân hàng trên, hiện giá bán 1 USD trên liên ngân hàng còn khoảng 21.188 đồng/USD, giảm gần 60 đồng/USD so với tuần trước.

Một nguyên nhân quan trọng hơn, theo lãnh đạo kể trên là lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng đang tăng trở lại, tạo thuận lợi cho các ngân hàng trong việc kinh doanh vốn trên thị trường này khi tín dụng đang trong giai đoạn tăng trưởng khó khăn. Cụ thể, lãi suất qua đêm liên ngân hàng trong ngày 30.7 lên gần 5% (so với đầu tháng chỉ có 0,8%) nên các ngân hàng có thể kinh doanh vốn ở liên ngân hàng, thay vì phải chuyển tiền đồng sang USD như trước. Trong khi đó, xu hướng chuyển đổi từ ngoại tệ sang tiền đồng gửi tiết kiệm vẫn xảy ra do lãi suất ngoại tệ đã được giảm xuống mức thấp, chỉ còn 1,25%/năm đối với cá nhân và 0,5%/năm đối với tiền gửi doanh nghiệp, khiến nguồn cung USD dồi dào hơn.

Bên cạnh đó, dòng kiều hối về Việt Nam đang trong chiều hướng gia tăng. Dự báo được đưa ra từ các chuyên gia tài chính, khả năng kiều hối đạt 10 tỉ USD năm nay. Riêng khu vực TP.HCM, trong sáu tháng đầu năm kiều hối đạt 1,9 tỉ USD, tăng 3% so đầu năm và dự báo cả năm đạt khoảng 4,5 – 4,8 tỉ USD, tăng 10 – 15% so với năm trước. Cán cân thanh toán quốc tế trong năm 2013 cũng được dự báo dương 5 tỉ USD. Đánh giá về tỷ giá hối đoái trong nửa cuối năm, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho rằng, cung ngoại tệ dồi dào thì xu hướng tỷ giá sẽ ổn định trong thời gian tới, kể cả thời điểm cuối năm. “Tỷ giá biến động gần đây chỉ mang tính chất nhất thời, không phải là sóng ngoại tệ mà chủ yếu do tâm lý đẩy giá USD, song tỷ giá hối đoái đã sớm ổn định”, ông Minh nói.

Giám đốc khối thị trường mới nổi tại công ty Korea Invesment & Securities (Hàn Quốc), ông Yun Hang Jin cũng nhận định, về kênh đầu tư ngoại tệ, từ nay đến cuối năm, áp lực tăng tỷ giá sẽ vẫn còn, nhưng mức tăng sẽ không vượt quá 1 – 2%, cho nên lợi nhuận kỳ vọng từ mảng đầu tư này cũng chỉ ở mức thấp. Vì thế, cầu về ngoại tệ sẽ khó tăng, trong khi cung ngoại tệ dôi dư là lý do để USD giảm giá.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Thanh (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN