Vì sao các ngân hàng đồng loạt thay đổi cách tính lãi tiền gửi?
Từ đầu năm 2018, khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng sẽ được tính lãi theo quy định mới do Ngân hàng Nhà nước ban hành.
Hiện nhiều ngân hàng (NH) thương mại đã thông báo đến khách hàng việc áp dụng cách tính lãi tiền gửi tiết kiệm mới, theo thông tư số 14 của NH Nhà nước quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng.
Thông báo của Eximbank nêu rõ đối với các tài khoản tiền gửi của khách hàng phát sinh từ ngày 1-1-2018 (gửi tiết kiệm mới, tái đáo hạn…), NH sẽ tính lãi suất theo tỉ lệ %/năm (365 ngày), thay vì 360 ngày như trước.
Ảnh minh họa
Đối với các khoản tiền gửi trước ngày 1-1-2018, khi khách hàng gửi tiết kiệm có kỳ hạn, Eximbank sẽ tiếp tục tính lãi theo phương pháp cũ theo tỉ lệ %/năm (360 ngày) cho đến khi hết thời hạn của khoản tiền gửi.
NH TMCP Bưu điện (LienVietPostBank) cũng thông báo thay đổi cách tính lãi suất huy động, lãi suất cho vay và phí (bao gồm phí dịch vụ và phí tín dụng) theo cơ sở tính một năm 365 ngày.
Việc thay đổi cách tính lãi của các NH thương mại nhằm phù hợp với quy định của Luật Dân sự năm 2015.
Trong thông tư 14 của NH Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải minh bạch về phương pháp tính lãi và mức lãi suất để tính lãi. Trường hợp có áp dụng lãi suất điều chỉnh thì tại thời điểm điều chỉnh các tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng về mức lãi suất cụ thể được điều chỉnh theo thỏa thuận. Các NH thương mại cũng phải niêm yết công khai thông tin về phương pháp tính lãi tại trụ sở hoặc website của NH.
Theo các chuyên gia tài chính, khi thay đổi thời gian năm từ 360 lên 365 ngày, phần lãi sẽ được chia nhỏ ra và người gửi tiền không có lợi như trước. Tuy nhiên, việc này sẽ có lợi hơn cho ngân hàng trong cạnh tranh huy động vốn cũng như khách hàng dễ tính toán thực hiện.