Vì sao Bộ Tài chính quyết thu phí trước bạ xe bán tải bằng 60%?

“Nhằm đảm bảo công bằng với các loại xe con có cùng dung tích xilanh hoặc số chỗ ngồi” – đó là lý do mà Bộ Tài chính kiên quyết thu phí trước bạ xe pick-up (xe bán tải), xe tải VAN bằng 60% xe con.

Bộ Tài chính vừa có báo cáo giải trình, tiếp thu sau khi lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân về dự án Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 140/2016/NĐ-CP của Chính phủ về lệ phí trước bạ (LPTB), đáng chú ý là giải trình về chính sách đối với các dòng xe bán tải.

Tại dự thảo Nghị định ban đầu được Bộ Tài chính gửi xin ý kiến vào cuối tháng 8/2018, cơ quan này đề xuất quy định mức thu LPTB lần đầu đối với xe pick-up (xe bán tải) chở hàng có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống, xe tải VAN có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500 kg bằng 60% mức thu LPTB lần đầu đối với ô tô con (trong khung 10-15%). Mức thu LPTB lần thứ 2 trở đi là 2%.

Trong số 79 ý kiến Bộ Tài chính nhận về sau thời gian xin ý kiến, đa số nhất trí với đề xuất của cơ quan soạn thảo. Song, vẫn có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở đề xuất mức thu LPTB đối với các dòng xe này; đề nghị giữ nguyên mức thu LPTB lần đầu đối với các loại xe này như hiện hành (mức 2%).

Vì sao Bộ Tài chính quyết thu phí trước bạ xe bán tải bằng 60%? - 1

Mẫu xe bán tải mới ra mắt Ford Ranger Raptop đang rất hút khách

Theo giải trình của Bộ Tài chính, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ số QCVN 41:2016/BGTVT, xe ô tô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1.500 kg (trong đó có xe tải VAN có khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1.500 kg), xe pick-up có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống khi tham gia giao thông được áp dụng các hệ thống báo hiệu đường bộ như ôtô con, không bị hạn chế về thời gian được phép lưu thông trong đô thị, được phép lưu thông vào làn đường dành cho ôtô con.

Tuy nhiên, mức thu LPTB lần đầu đối với các loại xe ô tô này chỉ ở mức 2%, trong khi đó mức thu LPTB lần đầu đối với xe ô tô con từ 10 - 15%. Do vậy, trong thời gian qua, tổ chức, cá nhân có nhu cầu cao trong việc sử dụng loại xe này.

Báo cáo số 34/BCT-CNNg ngày 28/4/2017 của Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đánh giá ngành sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam và các giải pháp phát triển cũng đã tổng hợp các vướng mắc, khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước về chính sách thuế hiện hành.

“Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu và lệ phí trước bạ đối với xe bán tải (pick-up) có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống chưa đảm bảo công bằng với các loại xe con có cùng dung tích xilanh hoặc số chỗ ngồi, mặc dù hiện nay các loại xe này được áp dụng các chế độ quản lý và lưu thông như các loại xe con thông thường”, trích báo cáo. Từ đó, Bộ Công thương đã kiến nghị giải pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu tăng LPTB với các loại xe này.

Dẫn chứng thêm về cơ sở đề xuất tăng LPTB ô tô bán tải, Bộ Tài chính cho hay: Tại cuộc họp với các bộ, ngành liên quan và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam về tình hình nhập khẩu ô tô, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo giao Bộ Tài chính nghiên cứu đánh giá lại mức thu LPTB đối với xe ô tô bán tải (pick-up) để đề xuất báo cáo Chính phủ kịp thời bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp thực tế và mục đích sử dụng của loại xe này.

Hơn nữa, trào lưu sử dụng xe bán tải trở nên phổ biến và được người dân sử dụng chở người như các loại xe ô tô con khác, do đó, Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên mức thu đối với dòng xe này như dự thảo ban đầu để đảm bảo công bằng đối với các loại xe ô tô khác.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, số lượng xe pick-up nhập khẩu tăng nhanh (năm 2017 là 28.482 chiếc, tăng 8,7 lần so với năm 2012). Trong đó, số lượng xe pick-up chở hàng có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống chiếm khoảng 99,8% số lượng xe pick-up nhập khẩu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Nguyễn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN