Vì sao 4 ngân hàng lớn cùng cấp bách xin tăng vốn?
Lần đầu cả 4 ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh cùng kiến nghị vấn đề tăng vốn một cách “đặc biệt cấp bách”...
An toàn vốn đã “chạm sàn”
Tại Hội nghị triển khai công tác ngành ngân hàng 2019, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Lê Đức Thọ đặt vấn đề tăng vốn cho VietinBank giai đoạn này là “vấn đề đặc biệt cấp bách”. Lãnh đạo VietinBank kể, từ khi hoàn thành cổ phần hóa, 10 năm qua ngân hàng đã khai thác các nguồn lực về vốn từ cổ phần hóa và các cổ đông chiến lược nước ngoài. Nhưng nay, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VietinBank đã giảm tới sát mức tối thiểu trong bối cảnh ngân hàng này đã khai thác kiệt các biện pháp tăng vốn tự có (cả vốn cấp 1 và vốn cấp 2). Chính vì vậy, từ tháng 9/2018 tới nay, VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận ngân hàng và hạn chế khả năng cung ứng vốn ra nền kinh tế.
Cũng theo ông Thọ, phương án tăng vốn của VietinBank đã được NHNN báo cáo Chính phủ. Bên cạnh đề nghị bố trí vốn để tăng vốn điều lệ, VietinBank cũng xin chia cổ tức bằng cổ phiếu trong 4 năm liên tiếp, từ năm 2017 - 2020 và giữ lại lợi nhuận tăng vốn.
Lần đầu cả 4 ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh cùng kiến nghị tăng vốn
Đại diện hai ngân hàng khác là Agribank và BIDV cũng chia sẻ, vừa phải phát hành 4 nghìn tỷ đồng trái phiếu (Agribank) để có vốn giải ngân phục vụ nông nghiệp. Agribank vừa được giao thực hiện gói tín dụng tiêu dùng cấp bách 5 nghìn tỷ đồng để đẩy lùi tín dụng đen nên nhu cầu vốn là cấp thiết. BIDV cũng kiến nghị trước mắt được tháo gỡ các điều kiện ràng buộc nhà đầu tư nước ngoài để ngân hàng này hoàn tất bán vốn trong thời gian sớm nhất.
Vietcombank vừa hoàn tất việc bán 3% vốn cho hai đối tác ngoại nhưng Chủ tịch Hội đồng quản trị Nghiêm Xuân Thành cũng kiến nghị được chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn đảm bảo hệ số CAR. Đáng chú ý, ông Thành kiến nghị cho phép các ngân hàng thương mại Nhà nước được tăng vốn từ nguồn quỹ hỗ trợ doanh nghiệp.
Xin tiền từ quỹ có khả thi?
Kiến nghị của ông Nghiêm Xuân Thành không phải không có cơ sở. Bởi trước thời điểm 1/1/2018, nguồn quỹ này do SCIC quản lý cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 chỉ đạo SCIC bàn giao Quỹ về Bộ Tài chính quản lý.
Giai đoạn 2011-2017, Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đã bổ sung vốn điều lệ, mua cổ phần phát hành thêm là 31.156,5 tỷ đồng gồm: Bổ sung cho Agribank 8.327 tỷ đồng, BIDV 2.598,5 tỷ đồng, Vietcombank 3.958 tỷ đồng, VietinBank 5.455,2 tỷ đồng, VDB 3.665 tỷ đồng, Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Phú Thọ 60 tỷ đồng, Công ty TNHH Mua bán nợ VN 2.500 tỷ đồng… Ngoài ra, trong giai đoạn này, quỹ cũng thực hiện chi thêm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ khoản tiền 12.263,7 tỷ đồng, trong đó có 269 tỷ đồng hoàn trả Quỹ Dự trữ ngoại hối ngân hàng do trước đây đã cho ngân sách Nhà nước vay để bổ sung vốn điều lệ cho VietinBank, BIDV, Agribank. |
Tính đến thời điểm 31/12/2017, tổng tài sản của quỹ là 19.056 tỷ đồng. Trong đó, có 4.598 tỷ đồng được SCIC mang gửi ngân hàng lấy lãi, ngân sách vay 6.000 tỷ đồng từ năm 2012 nhằm bù đắp bội chi ngân sách và tiếp tục được gia hạn hai lần vào năm 2014 và 2016. Đáng chú ý, có một khoản tiền 311 tỷ đồng đầu tư từ quỹ vào Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, nhưng đến giữa năm 2014 dự án đã ngừng đầu tư và sau đó được khoanh nợ, giãn nợ.
Ngoài ra, còn một khoản 4.580 tỷ đồng tiền quỹ được SCIC dùng để mua Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm theo chỉ đạo của Bộ Tài chính để huy động vốn cho ngân sách năm 2015 qua phương thức đảo nợ số tiền Trái phiếu Chính phủ đã phát hành năm 2013 đến kỳ đáo hạn. Ngoài ra, có 1.483 tỷ đồng tiền quỹ cũng được SCIC dùng để mua cổ phiếu của Tập đoàn Bảo Việt, khoản nợ 2.083 tỷ đồng mà SCIC phải thu về cho quỹ...
Trong cân đối thu chi của quỹ do SCIC thực hiện có một khoản chi bổ sung vốn điều lệ 1.014 tỷ đồng trên cơ sở phương án tăng vốn được các Công ty mẹ của các Tập đoàn, Tổng công ty, Ngân hàng Xây dựng và được Bộ Tài chính thẩm định theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, như Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Trương Văn Phước nhận định, hiện ngân sách đang khó khăn thì lộ trình tăng vốn từ ngân sách là khó khả thi. Ngay tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo xây dựng, trình Thủ tướng phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo tiêu chuẩn, chuẩn mực của Basel 2. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, sẽ không rót ngân sách cho tăng vốn mà các ngân hàng có thể tự lấy lợi nhuận để tăng vốn.