Vì đâu chứng khoán Trung Quốc "lao đao"
Sử dụng ứng dụng OTT để mua và bán cổ phiếu ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc nơi tài khoản của các nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm tới 80% tổng thị trường chứng khoán.
Theo Reuters, ngày càng nhiều nhà đầu tư lẻ của Trung Quốc mở tài khoản giao dịch bằng tin nhắn và ứng dụng xã hội WeChat và một số nhà đầu tư tổ chức thậm chí còn sử dụng để hướng dẫn những người môi giới khiến các nhà quản lý gặp khó khăn trong việc kiểm soát giao dịch và phát hiện các hoạt động bất hợp pháp.
Mặc dù sử dụng tin nhắn điện thoại và ứng dụng mạng xã hội để giao dịch không phạm luật ở Trung Quốc nhưng các cơ quan chức năng yêu cầu các biện pháp kiểm soát cũng như thông tin chinh xác về hoạt động giao dịch cổ phiếu nhằm ngăn chặn những vụ việc như thâu tóm thị trường hay giao dịch quá giới hạn gây bất ổn thị trường.
Ủy ban quản lý chứng khoán quốc gia Trung Quốc (CSRC) đã xử lý các trường hợp vi phạm như vụ bốn nhà môi giới bị bắt giữ hồi tháng 9/2015 vì thu thập thông tin cá nhân của khách hàng để giao dịch cổ phiếu thông qua các hệ thống bên ngoài. Cơ quan này cũng đóng cửa bên thứ ba là nhà sản xuất phần mềm giao dịch được sử dụng trong vụ vi phạm trên vì đã giúp họ chia một tài khoản thành nhiều tài khoản nhỏ mà không cần đăng ký tên người sử dụng.
Ứng dụng điện thoại giúp giao dịch thuận lợi hơn nhưng cũng gây ra không ít nguy cơ cho nền kinh tế. Nguồn: Reuters
Mặc dù có những biện pháp nghiêm ngặt như vậy nhưng việc sử dụng ứng dụng để mua bán cổ phiếu thông qua điện thoại vẫn ngày càng phổ biến ở Trung Quốc. Các nhà môi giới lớn như công ty Chứng khoán Galaxy Trung Quốc hay các công ty nhỏ hơn như Chứng khoán Vạn lý trường thành, cũng bắt đầu đưa WeChat vào các hoạt động giao dịch từ năm ngoái nhằm tăng số lượng các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Tổng số lượng tài khoản mở trên ứng dụng điện thoại rơi vào khoảng 46 triệu trong nửa đầu năm 2015, tăng thêm 2 triệu tài khoản so với cùng kỳ năm 2014.
Đối với các nhà môi giới, lợi thế của việc sử dụng WeChat là rất rõ ràng vì đây là phương tiện liên lạc ưa thích của hơn 600 triệu thuê bao di động.
Một số nhà đầu tư tổ chức cũng sử dụng WeChat để hướng dẫn những người môi giới của họ. “Trên thực tế, nhiều người không quan tâm đến các quy tắc và cứ thản nhiên đặt lệnh trên WeChat”, mọt chuyên gia cổ phiếu cho biết.
Những mối lo ngại như vậy không phải là hiếm ở Trung Quốc. Clara Shih, giám đốc điều hành và là người sáng lập Hearsay Social, Inc, công ty mạng xã hội có trụ sở ở San Francisco, cho rằng các ứng dụng tin nhắn cũng là một “lỗ hổng” trong hệ thống nguyên tắc mà các công ty dịch vụ tài chính Mỹ phải mất nhiều năm để xây dựng.
Các nhà môi giới Mỹ cần phải giám sát và lưu trữ các bản sao liên lạc điện tử của nhân viên trong vòng ba năm và có trách nhiệm phải bảo vệ thông tin cá nhân và tài khoản của khách hàng. Tuy nhiên, nhiệm vụ này càng trở nên khó khăn hơn do sự phổ biến của các ứng dụng mạng xã hội ngày nay.
Công nghệ bùng nổ trong vài năm trở lại đây giúp các công ty kiểm soát hoạt động của nhân viên mình dễ dàng hơn thông qua các ứng dụng mạng xã hội như Facebook hay Twitter nhưng những phần mềm như WhatsApp hay WeChat lại không tương thích với công nghệ này, ông Shil nói.
Craig Brauff, giám đốc điều hành của Erado, công ty mạng xã hội ở Renton, Washington, cho rằng sử dụng mạng xã hội trong kinh doanh là một xu hướng đang phát triển nhưng cũng kéo theo nhiều nguy cơ. “Các quy định được tạo ra để dành cho những người trung thực. Nếu ai đó có ý định gian dối thì họ có rất nhiều cách để thực hiện nó”, ông nói.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin của Channel News Asia, phiên bản điện tử tiếng Anh của kênh Asian TV News (Singapore).