VEPR: Tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 chỉ 6%
Đó là dự báo về tăng trưởng kinh tế năm 2016 của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).
TS Nguyễn Đức Thành nhận định, tăng trưởng kinh tế năm 2016 chỉ 6%.Ảnh: L.Th
Tại buổi công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2016, ông TS Nguyễn Đức Thành, Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, ngay từ cuối quý I vừa qua, Viện đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 6,2%. Tuy nhiên sang quý này, VEPR hạ dự báo tăng trưởng còn 6%.
“Tăng trưởng quý II ở mức 5,52% là thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Quý I chúng tôi đã biết là thấp nhưng chúng tôi vẫn hy vọng quý II này có bật lại, từ đó hy vọng là quý II sẽ là định hình tăng trưởng cho cả năm. Nhưng nay, chúng tôi rất buồn là mức tăng trưởng của quý II cũng chỉ 5,52% thôi và như vậy định hình tăng trưởng năm nay sẽ thấp. Tôi nghĩ tăng trưởng năm nay 6% là khá rồi”, ông Thành dự báo.
Tăng trưởng công nghiệp chỉ ở mức thấp 7,09%, tăng trưởng công nghiệp chỉ 6,82%, tăng trưởng khu vực khai khoáng cũng giảm mạnh... Trong khi thu ngân sách giảm thì chi tiêu vẫn tăng. Bên cạnh đó, lạm phát đang đi lên dù chưa đáng lo ngại nhưng nếu để “tuột”, khiến người dân lo ngại thì rất khó hồi phục.
“Điểm sáng là vốn FDI vào Việt Nam tăng do viễn cảnh TPP, Hiệp định Việt Nam-EU… sắp tới nên vốn thực hiện tăng tương đối tốt thời gian gần đây. Vốn đăng ý mới cũng tăng. Đây là điểm tích cực đáng kể và ảnh hưởng tới tăng trưởng trong trung và dài hạn”, ông Thành cho hay.
TS Lưu Bích Hồ dự báo tăng trưởng kinh tế từ nay tới cuối năm “không sáng lắm”. Theo TS Hồ, Chính phủ phải tái cơ cấu mạnh hơn.
Ủng hộ quan điểm này, TS Vũ Đình Ánh cũng cho răng, trong 6 tháng tới nếu kêu gọi đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng thì những thành quả từ câu chuyện tái cơ cấu trong mấy năm qua nhằm hỗ trợ tăng trưởng là “đổ xuống sông xuống biển”.
Về dư địa tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, TS Vũ Đình Ánh cho biết, hướng xuất khẩu hiện đã “hết cửa”. Nếu tăng mạnh khai thác thêm 2 triệu tấn dầu thô như năm ngoái cũng khó có thể đạt được tăng trưởng 6,7% do năm nay cả giá và lượng dầu đều giảm. Còn nếu dựa vào nông nghiệp thì 6 tháng nay nông nghiệp tăng trưởng âm 0,18%, trong đó đóng góp lớn nhất trồng trọt thì âm tới 0,78% do chúng ta mất hơn triệu tấn vụ đông xuân.
“Quan trọng hơn rất nhiều là hạn mặn năm sau còn tiếp diễn không thì tới nay không có câu trả lời. Như vậy làm sao phát triển nông nghiệp. Nếu như hạn mặn tiếp tục trong các năm sau thì phải thay đổi cơ bản nông nghiệp”, ông Ánh nói…
“Tôi vẫn giữ quan điểm tăng 6,7% năm nay là không đạt được”, chuyên gia Ánh kết luận.