Vén màn những phiên thoái vốn

Sự kiện: Kinh Doanh

Năm cũ qua đi, một trong dấu ấn thăng hoa của thị trường chứng khoán là tới tấp các thương vụ thoái vốn thành công. Nhưng phía sau đích đến của những con số “khủng” cũng chứa đựng khá nhiều bất ngờ. Chưa kể thị trường ghi nhận có những phiên thoái vốn lòng vòng đầy bí ẩn.

Vén màn những phiên thoái vốn - 1

Nhà máy sản xuất bánh kẹo Hải Hà, nơi đã diễn ra những thường vụ thoái vốn lòng vòng và kỳ lạ.

Thoán vốn chui và đại gia bí ẩn

Năm 2017 sẽ rất khó quên với những ai quan tâm đến cổ phiếu của Công ty Cổ phần bánh kẹo Hải Hà (Haihaco - mã chứng khoán: HHC) bởi hàng loạt những bất ngờ, gay cấn liên tục xảy ra trong các phiên thoái vốn của doanh nghiệp (DN) này.

Theo đó, trước thông tin Công ty Vinataba, đơn vị sở hữu 51% vốn sẽ thoái toàn bộ cổ phần đang sở hữu tại bánh kẹo Hải Hà. Cổ phiếu HHC quãng đầu năm 2017 liên tục tăng mạnh. Vào ngày 17/3, hơn 4,1 triệu cổ phiếu HHC bất ngờ bán ra ở mức giá trần 39.800 đồng/cổ phiếu (cp). Lệnh bán lên sàn, ai cũng nghĩ là của Vinataba nhưng sau này, người ta mới biết 4,1 triệu cổ phiếu tương đương gần 1/4 vốn của Haihaco được chuyển giao “chui” giữa những cổ đông khác tới một nhà đầu tư có tên Vũ Hải. Để thực hiện thương vụ này, ông Hải phải chi hơn 100 tỷ đồng.

Vén màn những phiên thoái vốn - 2

Thoái vốn tại DNNN đã mang về hơn 100.000 tỷ VND năm 2017.

5 ngày sau vào đúng 22/3/2017, tại phiên thoái 51% cổ phiếu Vinataba thực sự, thị trường xôn xao khi toàn bộ lô cổ phiếu trị giá hơn 400 tỷ (giá 48.600 đồng/cp) bất ngờ được “thâu tóm” bởi nữ đại gia “bí ấn” có  tên Nguyễn Thị Duyên. Nhưng chưa kịp tìm xem bà Duyên là ai mà chịu chơi đến vậy thì 1 tháng sau, chính “nữ đại gia” đột ngột bán thỏa thuận trên sàn toàn bộ lô cổ phiếu này với giá lỗ gần 40 tỷ đồng. Đã thế, chỉ ít ngày tiếp theo, 3 cá nhân đã mua lại cổ phiếu từ bà Duyên với giá 44.000 đồng/cp lại tiếp tục “lòng vòng” trao tay toàn bộ số cổ phiếu cho bà Trương Thị Bửu, vợ chồng ông Lưu Văn Vũ và bà Trương Tú Phương với giá bán 50.700 đồng/cp và thu lãi hơn 56 tỷ đồng.

Chỉ trong một năm mà lượng lớn cổ phần của Bánh kẹo Hải Hà liên tục trao tay qua các nhóm cổ đông khác nhau. Đáng nói, các nhà đầu tư này đều hết sức xa lạ chưa từng xuất hiện trên thị trường chứng khoán và bánh kẹo.

“Vén màn” phía sau thương vụ thoái vốn này, giới thạo tin cho hay đây chưa phải màn “chốt hạ”. Ngoài ưu điểm là DN có lịch sử 55 năm làm bánh kẹo, thị phần và doanh thu tốt, điểm hấp dẫn nhất của HHC được nhắc tới chính là dự án “đất vàng” tại 25-27 Trương Định (đã được phê duyệt Dự án làm tổ hợp khu đất nhưng sau đó bị “treo” ). Một nhà đầu tư lớn trên thị trường “hé lộ”: người mua thực sự có thể là một “tay to” trên thị trường bất động sản đang “ngắm” tới dự án trên mảnh đất vàng này. Bỏ vài trăm tỷ ra sở hữu  được cả một thương hiệu bánh kẹo lớn đi kèm mảnh đất có vị trí đắc địa, theo ông, đây là... món hời!

Vén màn những phiên thoái vốn - 3

Phiên đấu giá Vinamilk 2017 được thực hiện công khai, minh bạch.

Sợ thị trường “đánh lên, đánh xuống”

Năm 2017, theo chỉ đạo của Chính phủ, Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tiếp tục thực hiện thoái vốn 33,3% cổ phần vốn Nhà nước tại Vinamilk. Lịch trên đã quyết, thời gian thực hiện đã lên. Tuy nhiên, vào phút chót, liên danh tư vấn nước ngoài của thương vụ này bất ngờ đòi thu phí (khá cao) trong khi đơn vị tư vấn trong nước là Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) chấp nhận hỗ trợ với phí tượng trưng (phải bù lỗ chi phí). Trước quỹ thời gian còn rất hẹp, SCIC phải xin ý kiến chỉ đạo và quyết rất nhanh khi chọn một tư vấn nước ngoài khác thế chân. Còn đại diện SSI sau này thẳng thắn: Chúng tôi làm vì thương hiệu SSI cũng như để hỗ trợ Chính phủ và SCIC. Nhưng sẽ không có lần thứ ba như thế.

Thời điểm đó, tâm trạng của lãnh đạo SCIC như “hòn than trên lửa” với vô số câu hỏi đặt ra: Lần này, thị trường sẽ “đánh” lên hay “đánh” xuống (giá cổ phiếu VNM)? Mức giá khởi điểm bao nhiêu là vừa? Làm thế nào để bán hết cả lô lớn cổ phiếu này để không bị “ế”? Câu trả lời mấu chốt vẫn phải “gút” ở điểm: Ai sẽ là nhà đầu tư thực sự muốn mua 33,3% cổ phần của “hoa hậu” VNM?

Sau này kể lại, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC thừa nhận bất kỳ ai như SCIC đại diện phần vốn Nhà nước,  bước ra thị trường trong bối cảnh đó đều run, hồi hộp và lo lắng.

Với mức giá đấu đặt tới 186.000 đồng/cp cao bất ngờ so với giá khởi điểm 150.000 đồng/cp công bố, phiên đấu giá  33,3% cổ phần VMN của SCIC đem về cho Nhà nước gần 9.000 tỷ đồng, cao hơn mức giá dự kiến trước 1.500 tỷ. Dù thành công nhưng theo đại diện SCIC, mong muốn của doanh nghiệp này là có một thị trường không có biến động mạnh, giá ở mức hợp lý.

Giá rổ và cái đích mua để làm gì?

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch công ty chứng khoán SSI đơn vị có nhiều kinh nghiệm  trong tư vấn và tìm “tiền ngoại” về cho thị trường  thẳng thắn: Một nền kinh tế tốt là làm cho các nhà đầu tư tin bỏ tiền vào làm ăn. Còn một thị trường tốt là thị trường lành mạnh khỏe dần lên.

Nói về việc thoái vốn “khủng” tại DNNN, ông Hưng thẳng thắn: Điều nhà đầu tư quan tâm là minh bạch, bình đẳng của các thành phần tham gia thị trường. Theo ông Hưng, trong mua bán cổ phần, hoặc là đầu tư cổ phiếu, hoặc là mua bán DN. Ví như muốn sở hữu một DN chiếm 50% thị phần của 100 triệu dân, uống bia thứ 3 thế giới thì chi 5 tỷ UDS trong phiên đấu giá Sabeco của đại gia Thái vừa qua không phải là đắt, thậm chí mua cao hơn cũng được.

Về chuyện bán vốn Nhà nước, với nhiệm vụ năm 2018 còn khá nặng nề khi hàng loạt những DN lớn nhỏ đang xếp hàng chờ bán (theo quyết định của Chính phủ). Ông Chi cho hay SCIC phải đối mặt với những khó khăn khi quản đến 2/3 số DNNN là DN nhỏ, trong đó nhiều số làm ăn thua lỗ. “Có những DN chúng tôi bán đến mấy lần không được, đặc biệt là các DN nhỏ nhận từ các địa phương. Nhiều khi muốn bán dưới giá vốn cũng không hề dễ”, ông Chi nói.

“Thoái vốn Nhà nước khó bởi vừa phải bán được giá thị trường lại vừa phải đảm bảo quyền lợi của nhà nước và không sai nguyên tắc. Ðặc biệt, phải tránh được những thương vụ đi đêm lợi ích nhóm. Phải làm người trong cuộc, có trải qua mới thấm”.   

Ông Nguyễn Ðức Chi, Chủ tịch HÐTV SCIC khẳng định

Thế nào gọi là một thương vụ thoái vốn thành công? Theo ông Nguyễn Đức Chi, cần xem xét tuỳ theo từng tiêu chí, góc độ. “Nhiều người nói rằng, phải thu về tối đa cho nhà nước nhưng cũng có người cho rằng cứ bán được là thành công. Tôi cho rằng, trước hết làm công việc đó phải rõ ràng, minh bạch. Phải bán được, có người mua được và bán ở mức giá hợp lý phù hợp với thị trường. Sau đó chủ mới phải vận hành doanh nghiệp đó ổn định và phát triển”, ông nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN