Về một nhà với "vua cá tra", Thủy sản An Giang... có còn cơ hội tăng trưởng?

Từng là ngôi sao sáng trong ngành thủy sản, Agifish (Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang; HoSE: AGF) bỗng dưng làm ăn sa sút rồi lâm cảnh lay lắt. Sự tham gia quản trị của “vua cá tra” liệu có phải là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp (DN) “con” như Agifish lâm vào cảnh bết bát?

Agifish chính thức giao dịch trên HoSE từ ngày 2.5.2002 (mã chứng khoán là AGF), sau khi niêm yết, một loạt các chỉ số tài chính của AGF khiến nhà đầu tư... thèm thuồng.

Chẳng hạn như, chỉ số lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ đều ở mức rất cao (năm 2004 là 18 tỷ đồng/41,8 tỷ đồng; năm 2005 là 22,4 tỷ đồng/43,88 tỷ đồng; năm 2006 là 46,6 tỷ đồng/78,88 tỷ đồng; năm 2007 là 39,9 tỷ đồng/128,6 tỷ đồng - Báo cáo tài chính kiểm toán hàng năm của Agifish).

Về một nhà với "vua cá tra", Thủy sản An Giang... có còn cơ hội tăng trưởng? - 1

Cổ phiếu AGF hiện chỉ được giao dịch vào phiên buổi chiều, mức giá cũng chỉ hơn ly trà đá (Ảnh: IT)

“Thời hoàng kim” và tuyên bố mạnh miệng của... “vua cá tra”

Đỉnh điểm là năm 2007, cổ phiếu AGF “lên đỉnh” 155.000 đồng/cổ phiếu (ngày 2.3.2007), trở thành “cổ phiếu chất lượng” trong danh mục đầu tư của nhiều tổ chức, quỹ ngoại tên tuổi như: Vietnam Emerging Equities Fund, Wareham, Vietnam Dragon Fund... Thậm chí, có thời điểm nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ tới 49% cổ phần của công ty. Điều này không có gì ngạc nhiên khi AGF là một trong những công ty thủy sản Việt Nam đầu tiên xuất khẩu cá tra, cá ba sa vào thị trường Mỹ. Chưa kể, tại thị trường nội địa, sản phẩm của AGF tràn ngập hệ thống siêu thị CoopMart, Maximark...

Tuy nhiên, từ năm 2008, Agifish bắt đầu rẽ hướng sang đầu tư tài chính và góp vốn vào những công ty liên doanh, liên kết. Đây cũng là năm mà “vua cá tra” bắt đầu mua vào cổ phiếu này (thời điểm tháng 5.2008); đến cuối tháng 8.2008, “vua cá tra” chính thức trở thành cổ đông lớn của Agifish, nắm giữ gần 2,45 triệu cổ phiếu (tương đương 19,03% vốn AGF). Đánh dấu cho sự chuyển hướng đầu tư này của AGF, kết thúc năm tài chính 2008, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh, chỉ còn 16,9 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính gần 20 tỷ đồng.

Bước sang năm 2009, tình hình kết quả kinh doanh càng ảm đạm hơn, báo cáo tài chính cho thấy, lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của AGF từ 297 tỷ đồng năm 2008 giảm mạnh xuống chỉ còn 106 tỷ đồng năm 2009, giảm gần 2/3; trong khi đó, hàng loạt chi phí tăng mạnh như: chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt từ 19,8 tỷ đồng năm 2008 lên 35,5 tỷ đồng năm 2009... khiến lợi nhuận bị bào mòn.

Cũng tính đến cuối năm 2009 này, “vua cá tra” đã sở hữu 2,818 triệu cổ phiếu của AGF (tương đương 21,91% vốn).

Bước sang đầu năm 2010, khi quyết định chào mua công khai 3,75 triệu cổ phiếu AGF để nâng tỷ lệ sở hữu lên 51,08% vốn. Còn nhớ, thời điểm này (tháng 2.2010), “vua cá tra” Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Thủy sản Hùng Vương (HoSE: HVG) đã mạnh miệng tuyên bố, Agifish có nền tảng của một doanh nghiệp tốt, có cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh doanh số xuất khẩu. Điểm yếu là cách quản trị doanh nghiệp của Agifish, dẫn đến hiệu quả làm ăn thấp...

“Cốt lõi để Agifish lấy lại hiệu quả kinh doanh là phải giảm chi phí đầu vào, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng... Với việc nắm giữ số cổ phần chi phối, HVG sẽ kiểm soát điểm này và sẽ vực dậy Agifish”, ông Minh khẳng định.

Tuyên bố của “vua cá tra” phần nào đã đem lại niềm tin cho nhà đầu tư AGF. Thế nhưng, gần 10 năm trôi qua, tuyên bố của “vua cá tra” giờ chẳng những không thành hiện thực mà Agifish hiện tại chỉ như một “zombie” ngành thủy sản.

Còn hay không ngày... trở lại?

Báo cáo tài chính quý 4 (năm tài chính 2017 - 2018), trong bối cảnh ngành thủy sản có nhiều lợi thế từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, thì Agifish tiếp tục gây thất vọng cho nhà đầu tư khi doanh thu Agifish trong quý chỉ đạt 200 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ và Agifish tiếp tục báo lỗ 20 tỷ đồng. Tổng kết năm tài chính 2017 - 2018 (bắt đầu từ 1.10.2017 và kết thúc vào 30.9 năm 2018), Agifish ghi nhận số lỗ gần 190 tỷ đồng trong năm.

Càng chú ý hơn, đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Agifish báo lỗ lớn (năm trước đó lỗ 187 tỷ đồng), nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối kỳ lên trên 282 tỷ đồng.

Về kết quả hoạt động trong năm tài chính 2017 - 2018, Agifish đạt doanh thu gần 1.285 tỷ đồng, giảm đến 43% so với năm trước. Trong khi đó, một số chỉ tiêu tài chính khác như: Chi phí giá vốn bỏ ra đến 1.327 tỷ đồng song lại ghi nhận lỗ gộp tới 42,6 tỷ đồng ở hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ, điều này giải thích Agifish đã bán hàng dưới giá vốn; Doanh thu tài chính giảm 15,4 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính cũng giảm được gần 19 tỷ đồng so với cùng kỳ; Chi phí bán hàng giảm chỉ còn hơn 69 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ; Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm đến 83%, còn gần 17,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, ở tiểu mục lợi nhuận khác, Agifish cũng ghi nhận âm 15,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ âm chưa đến 1 tỷ đồng.

Đặc biệt, kết thúc năm tài chính 2017 - 2018, tổng nguồn vốn của Agifish đạt xấp xỉ 1.220 tỷ, giảm hơn 850 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Ngoài ra, dù tất toán nhiều khoản vay tài chính ngắn hạn và phải trả trước người bán nhưng nợ phải trả vẫn chiếm tỷ lệ hơn 66% trong cơ cấu nguồn vốn của Agifish.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu AGF hiện đang chỉ được giao dịch trong phiên chiều từ ngày 21.11.2018 theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận (do cổ phiếu AGF nằm trong diện kiểm soát đặc biệt); hiện chỉ ở mức giá 4.190 đồng/CP.

Trước đó, vào ngày 7.11.2018, cổ phiếu của Agifish bị tạm ngừng giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính quý 4 niên độ tài chính 2017-2018 và nhắc nhở lần 2 việc chậm nộp báo cáo tài chính quý 3 niên độ 2017-2018. Theo giải trình của Agifish, công ty đang tập trung nguồn nhân lực (chủ yếu là bộ phận kế toán) cho vụ kiện chống bán phá giá cá Tra Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Song song, bộ phận kế toán công ty vừa chuẩn bị hồ sơ cho việc thẩm tra tại chỗ của Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa đảm trách việc quyết toán báo cáo tài chính quý IV (niên độ kế toán kết thúc ngày 30.9) nên đã chậm trễ, dẫn đến vi phạm các quy định về công bố thông tin.

Hiện tại, Agifish đã hoàn thành và công bố thông tin báo cáo tài chính quý 4 vào ngày 4.11.2018. Sau đó, HoSE chính thức thông báo đưa cổ phiếu AGF của Agifish ra khỏi diện tạm ngừng giao dịch, đồng thời chuyển sang diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 21.11.2018.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quốc Hải ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN