Vay vốn nước ngoài: Vay Trung ương, địa phương lo "vỡ nợ"
Vốn vay nước ngoài được trung ương chuyển cho địa phương theo hình thức cấp phát được xác định là nguyên nhân (sử dụng luồng tiền này) dẫn đến không hiệu quả, lãng phí. Trách nhiệm sử dụng hàng chục tỷ USD nguồn vốn này sẽ được thắt chặt nếu Chính phủ thực hiện quy định địa phương phải vay lại và có trách nhiệm trả nợ theo cam kết với nhà tài trợ.
Đây là nhận định của các khách mời tham dự hội thảo “Cơ chế cho vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ đối với UBND cấp tỉnh” do Bộ Tài chính tổ chức sáng 10/12 tại Hà Nội.
Địa phương sẽ phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay (Trong ảnh: Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội). Ảnh: Lê Hữu Việt.
Cho vay thay vì cho không
Mở đầu hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) Nguyễn Xuân Thảo, cho biết: Hiện có tới 92,1% vốn nước ngoài tại địa phương thực hiện theo hình thức cấp phát. Cũng vì “rót” vốn theo hình thức này, nên các địa phương mặc nhiên coi đây như khoản tiền cho không, dẫn đến tình trạng đăng ký “xin” vốn càng nhiều càng tốt.
“Trong tổng nguồn vốn vay ODA 45 tỷ USD giai đoạn 2004-2014, có 15,5 tỷ USD chuyển cho địa phương. Trong số này, 38% vốn dành cho dự án hạ tầng, 35% cho dự án phát triển đô thị, 23% cho dự án giảm nghèo và 4% với các dịch vụ xã hội”. Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) |
Bà Thảo cũng đưa ra thống kê rằng, có tới 90% dự án phải gia hạn ít nhất một lần trong quá trình thực hiện và thực tế các dự án này phải mất 10-12 năm mới được địa phương hoàn thành. Vì coi đây là vốn cho không nên tỉnh nào cũng nói cần nguồn vốn, nhưng khi thực hiện lại không được ưu tiên. Như vậy, hiệu quả đầu tư của các nguồn vốn vay chưa cao và kéo dài, trong khi cam kết trả nợ của Chính phủ phải thực hiện đúng hạn.
Trong điều kiện các nguồn vay nước ngoài, đặc biệt là các khoản hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ năm 2017 sẽ giảm dần và tiến tới chấm dứt, thì Chính phủ đưa ra phương án quy định các địa phương phải vay vốn từ Chính phủ là hợp lý. Tất nhiên, nguồn vốn này kèm điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản vay thương mại khác. “Khi đó, hướng quản lý vốn vay sẽ tăng trách nhiệm trả nợ từ trung ương sang địa phương”, bà Thảo nói. Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, phương pháp này có thể khiến các tỉnh chủ động tính toán hiệu quả đầu tư và buộc phải xây dựng năng lực quản lý nợ.
Tránh đẩy địa phương vào cảnh “vỡ nợ”
Chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB), bà Vũ Hoàng Quyên đồng tình với phương án trên, nhưng đề nghị: Cơ quan chức năng cần có cơ sở pháp lý thật rõ ràng cho quá trình cho vay lại vốn nước ngoài. Điều này giúp WB với tư cách là nhà tài trợ có thể lên kế hoạch trung hạn cho Việt Nam. “Cơ chế cho vay lại cần đảm bảo bộ tiêu chí phân bổ, tỷ lệ giữa cấp phát và cho vay lại minh bạch và có tính dự đoán cao cho cả một thời kỳ”, bà Quyên nói.
Đại diện WB viện dẫn kinh nghiệm thế giới, rằng: Các nước có nhiều tiêu chí phân bổ vốn cho các địa phương như theo GDP đầu người, tỷ lệ hộ nghèo, đặc điểm dân số,... “Việt Nam có thể sử dụng tiêu chí năng lực tài khóa địa phương để phân chia tỷ lệ giữa cấp phát và cho vay lại”, bà Quyên kiến nghị. Vị này cũng cho rằng, khi Chính phủ cho địa phương vay lại, nên giữ điều kiện cho vay gốc nhằm giảm bớt chi phí cho các tỉnh.
Đồng quan điểm, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính Lê Hải Mơ cho biết, kỳ hạn trả nợ của các địa phương nên sớm hơn 1 bước so với cam kết của Chính phủ với nước ngoài. “Điều này giúp Chính phủ có điều kiện xử lý và trả nợ đúng hạn”, ông Mơ nói. Tuy nhiên, ông Mơ cho rằng, cần có cơ chế kiểm soát dự án sát sao, như: Xác định một cách cẩn thận tính cấp thiết dự án, mức vốn, nhu cầu và đặc biệt là khả năng trả nợ của địa phương để đảm bảo nguồn vốn sử dụng hiệu quả.
Tại hội thảo cũng có những ý kiến lo ngại về cơ chế này. PGS.TS Phan Thị Thu Hà, Viện Ngân hàng - Tài chính (ĐH Kinh tế Quốc dân) nêu lo lắng: “Việc vay lại vốn liệu có giống mẹ cho con vay không?”. Hay như vấn đề hoàn trả, vỡ nợ của các địa phương, Chính phủ không đòi được vốn sẽ nguy cơ thành nợ xấu quốc gia. “Không thể biến địa phương thành con nợ rồi bêu tên. Bởi vậy, chúng ta cần tổ chức chuyên trách và có kỹ năng cho vay, ví dụ như ngân hàng…”, bà Hà gợi ý.
Trước nghi ngại đó, bà Nguyễn Xuân Thảo, cho hay, việc cải cách này sẽ có lộ trình và không chuyển hẳn sang 100% cho vay lại để tránh “sốc” cho địa phương. Bộ Tài chính vừa làm vừa đánh giá tác động tới trung ương cũng như địa phương để hoàn thiện cơ chế.