Vay tiêu dùng thế nào để đảm bảo an toàn, không sa bẫy nợ nần?
Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng rất nhanh, với tốc độ tăng cao hơn nhiều tốc độ tăng tín dụng toàn ngành.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, tại buổi tọa đàm về tài chính tiêu dùng an toàn sáng 22/5.
Cụ thể, nếu cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế thì đến cuối năm 2017, dư nợ tín dụng tiêu dùng đã đạt khoảng 1,1 triệu tỷ đồng (gấp 4,8 lần năm 2012), chiếm khoảng 18% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Toàn cảnh tọa đàm "Tài chính tiêu dùng: An toàn cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng"
“Sự phát triển mạnh của cho vay tiêu dùng vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Một mặt lĩnh vực cho vay tiêu dùng mới phát triển, dư địa tăng trưởng còn lớn do đó đây là thị trường đầy tiềm năng cho các TCTD”, ông Tú Anh cho hay.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, tài chính tiêu dùng đang đóng góp rất tốt cho sự phát triển xã hội. Đặc biệt, các công ty tài chính ra đời đã giúp nhiều người có thể tiếp cận vốn từ các kênh chính thức hơn. Chỉ tính riêng các công ty tài chính đang phục vụ khoảng gần 30 triệu khách hàng. Bên cạnh, đó các công ty tài chính đã tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.
Tuy nhiên, thị trường tài chính tiêu dùng cũng đang chỉ tập trung vào 4 công ty lớn là FE Credit (50% thị phần), Home Credit (17%), HD Saison (13%) và Prudential Finance (8%). Những công ty này đã chiếm đến gần 90% thị phần, có thể dẫn đến rủi ro tập trung, khả năng thao túng cũng như hạn chế sự lựa chọn của người tiêu dùng…
Trong khi đó, kiến thức tài chính của người tiêu dùng Việt Nam chưa cao. Nhiều người không hiểu rõ về sản phẩm, dịch vụ tài chính-ngân hàng và đôi khi không được tư vấn một cách rõ ràng, đầy đủ về hợp đồng tín dụng, nên sau khi ký hợp đồng có cảm giác bị lừa gạt; điều này cũng có ảnh hưởng nhất định đến tính thiếu tuân thủ các điều kiện tín dụng, dẫn đến chịu lãi phạt cao và các công ty tài chính phải liên tục gọi điện để đòi nợ. Điều này làm mất thiện cảm đối với các công ty tài chính, cũng như gây bức xúc dư luận thời gian qua.
Phó Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ - Nguyễn Tú Anh cũng cho rằng, cho vay tiêu dùng là lĩnh vực còn mới ở Việt Nam, nên kinh nghiệm cho vay, kinh nghiệm quản lý rủi ro của cả các TCTD và người đi vay còn non trẻ. Do đó sự phát triển nhanh của hoạt động cho vay tiêu dùng đặt ra rất nhiều vấn đề về quản lý rủi ro đối với các TCTD, với cơ quan quản lý nhà nước và đối với cả khách hàng.
Cụ thể, các khoản vay tiêu dùng thường có lãi suất thả nổi và khi người tiêu dùng không có đủ kiến thức về tài chính thì sự gia tăng về lãi suất có thể làm cho người đi vay mất khả năng chi trả. Người đi vay không có đủ kiến thức để hiểu hết rủi ro trong các khoản vay và rất dễ sa vào các bẫy nợ nần. Còn bản thân các TCTD cũng phải trả giá vì không thu lại các khoản cho vay…
Để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của cho vay tiêu dùng tại Việt Nam, theo Phó Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ, NHNN đã, đang và sẽ phải cố gắng hoàn thiện hiện văn bản pháp lý để không chỉ an toàn cho người vay, người đi vay mà cả hệ thống tiền tệ.
Mặt khác, ông Tú Anh đặt vấn đề: “Các công ty tài chính đã rất minh bạch hợp đồng, quy trình chuẩn nhưng trước sức ép cạnh tranh, thị phần, có hay không việc quản trị nhận sự, nhân viên chịu sức ép về doanh số nên chưa tuân thủ quy trình đặt ra? Một vài nhân viên làm không đúng đã tạo thành vụ việc, điều này đã tạo ra rủi ro trong hoạt động và đặt ra câu chuyện quy trình của công ty tài chính có được tuân thủ chặt chẽ không?"
Bên cạnh đó, quản lý thông tin hệ thống dữ liệu công dân nói chung và dữ liệu tài chính cá nhân nói riêng cần phải phát triển và ổn định, hỗ trợ cho các hoạt động tín dụng tiêu dùng cũng như đảm bảo an toàn cho các công ty tài chính.
Về vấn đề này, ông Đỗ Hoàng Phong – Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam cho biết: CIC đã và đang đẩy mạnh kế hoạch mở rộng nguồn dữ liệu của mình, tiếp cận các nguồn dữ liệu thay thế. Cụ thể, CIC đã tiến hành thu thập các thông tin ngoài ngành ngân hàng từ Trung tâm Đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đang triển khai kết nối với Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) cũng như lên kế hoạch thu thập thông tin từ các đơn vị cung cấp dịch vụ tiện ích của Việt Nam trong thời gian tới. Tổng số khách hàng cá nhân được thu thập và lưu trữ tại kho dữ liệu CIC là khoảng trên 33,5 triệu.
Theo ông Phong, thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh là tín hiệu tốt cho nền kinh tế, nhưng cũng cần những điều chỉnh để tránh những rủi ro có thể xảy ra.
Riêng đối với cho vay tiêu dùng, các công ty tài chính luôn cố gắng đơn giản hóa các thủ tục xét duyệt cho vay, dẫn đến thủ tục vay khá đơn giản (chỉ cần giấy tờ tùy thân như CMND hoặc sổ hộ khẩu, bằng lái xe là có thể vay được tiền). Điều này sẽ dẫn đến nhiều rủi ro như: công ty tài chính có thể lựa chọn sai các đối tượng khách hàng có rủi ro không trả nợ cao hoặc không thể kiểm soát được mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng… dẫn đến các khoản vay có thể không được hoàn trả đúng hạn, làm tăng nợ xấu cho công ty đó.
Thứ hai, việc áp lãi suất quá cao trong cho vay tiêu dùng có thể dẫn đến việc mất khả năng trả nợ của khách hàng, hay còn là nợ xấu cho chính các công ty tài chính.
Các chuyên gia lưu ý các công ty tài chính cần kiện toàn hệ thống kỹ thuật quản lý hồ sơ khách hàng, cần thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng; thực hiện nghiêm túc các quy định về cho vay và quản lý vay, đặc biệt lưu ý đến các quy tắc về đòi nợ - vấn đề đang gặp khá nhiều tranh cãi với khách hàng trong thời gian qua.
Còn về phía khách hàng cần hiểu rõ về tài chính tiêu dùng, có kế hoạch tài chính cá nhân thật tốt. Người tiêu dùng phải hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình, sáng suốt trước khi quyết định vay.