Vay tiêu dùng: Rộng cửa nhưng chớ vội!

Kinh tế suy thoái, sức mua yếu, doanh nghiệp hoạt động khó khăn, hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được, lượng hàng tồn kho tăng… buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh các chương trình cho vay nhu cầu tiêu dùng cá nhân nhằm kích cầu tín dụng. Là thị trường tiềm năng, phân đoạn khách hàng này dự báo có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các NHTM.

“Kích” cầu tín dụng

Số liệu của NHNN, tính đến ngày 24/7/2013, tăng trưởng tín dụng ước đạt 4,91%% (cùng kỳ 7 tháng đầu năm 2012 tăng 1,2%), tổng phương tiện thanh toán ước tăng 8,25% so với cuối năm 2012 (cùng kỳ năm 2012 tăng 9,2%), tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các TCTD ước tăng 9,48%. Trước đó, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6/2013 đã đạt 4,5% sau khi đạt 2,98% tính đến cuối tháng 5/2013.

Một trong những lý do khiến tăng trưởng tín dụng khởi sắc được là nhờ các NHTM đẩy mạnh cho vay tiêu dùng khiến tỷ lệ dư nợ tiêu dùng ở các NHTM liên tục tăng cao. Cụ thể, ở địa bàn TPHCM, dư nợ cho vay VND ước tính đến 31/8 khoảng 743.665 tỷ đồng, tăng 11,55% so với cuối năm 2012. Trong đó, dư nợ cho vay của 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên ước khoảng 123.532 tỷ đồng. (Nếu làm phương pháp loại trừ tương đối, tất yếu tăng trưởng dư nợ tín dụng đang nghiêng về lĩnh vực cho vay tiêu dùng).

Nếu như trước đây, các sản phẩm cho vay trả góp mua nhà, mua xe máy, ô tô hầu hết chỉ có mặt ở các Cty tài chính như Prudential, PPF, PVFC, nay đã trở thành sản phẩm cạnh tranh quyết liệt giữa ngân hàng với ngân hàng, ngân hàng với công ty tài chính. Khảo sát mới nhất của Maritime bank cho thấy thói quen tiêu dùng của người Việt Nam đã thay đổi: Khi cần đến một lượng tiền tương đối lớn cho tiêu dùng, gần 58% người tham gia chọn phương án vay ngân hàng, chỉ có 25,85% người được hỏi chọn phương án vay bạn bè, người thân; 12,24% đợi khi đủ tiền mới thực hiện và 4,08% chọn phương án vay lãi nóng bên ngoài.

Vay tiêu dùng: Rộng cửa nhưng chớ vội! - 1

Cho vay tiêu dùng được kỳ vọng sẽ kích cầu nền kinh tế. Ảnh: Ngọc châu.

Cẩn trọng

Cho vay tiêu dùng đang là một trong những giải pháp mở rộng tín dụng hiệu quả trong bối cảnh hiện nay. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2013 tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2013, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.705,9 ngàn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2012 - mức tăng cao nhất tính từ đầu năm khi người dân tăng hoạt động mua bán và thanh toán qua thẻ tín dụng và các khoản vay mua ô tô.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia, lĩnh vực cho vay tiêu dùng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với cả bên cho vay và bên đi vay. Đối với các NHTM, cần chú ý cẩn trọng không quá nôn nóng tăng trưởng tín dụng bằng cách ồ ạt mở rộng cho vay tiêu dùng, nếu không sẽ lại đối diện với nguy cơ để nợ xấu tăng trở lại. Đối với bên đi vay, cần tìm hiểu ký lưỡng về biểu lãi suất, bởi khi nghe qua tưởng chừng khá hấp dẫn nhưng trên thực tế cần chú ý tính minh bạch về mức lãi suất của các khoản vay sau thời gian ưu đãi. Đa số ngân hàng chỉ tư vấn lãi suất ưu đãi, còn mức lãi suất sau thời hạn ưu đãi thì ngân hàng lấp lửng cho biết lãi suất sau kỳ hạn ưu đãi là thả nổi và thậm chí là còn cao hơn cả lãi suất quy định của NHNN.

Tín dụng tiêu dùng đang từng bước làm tan băng các khoản tín dụng liên quan đến nhà đất, một trong những lý do quan trọng giúp việc bán nhà mới tăng trưởng tốt từ tháng 6 tới nay và đạt mức cao nhất kể từ năm 2008. Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều dành tỷ trọng vốn khá cao cho vay lĩnh vực này, có nhà băng 70%-80% vốn để tăng dư nợ cho vay tiêu dùng.

(Nguồn NHNN)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Khanh (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN