Vay nợ tín dụng: Rối chuyện bảo lãnh

Chuyện bảo lãnh trong vay vốn ngân hàng nhiều trường hợp gây tranh cãi, tranh chấp. Quan điểm các cấp tòa nhiều khi trái ngược nhau khiến người có tài sản bảo lãnh rơi vào tình trạng dở khóc dở cười…

Tháng 4-2009, Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Chế biến H. ký hợp đồng vay 2,8 tỉ đồng của Ngân hàng N. Hai bên xác nhận thời hạn hợp đồng theo từng khế ước nhận nợ, mỗi khế ước không quá 12 tháng. Để đảm bảo cho khoản vay, các bên ký hợp đồng thế chấp quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất của bên thứ ba là ông bà LVS.

Bảo lãnh một năm thành… vĩnh viễn

Sau hai lần đáo hạn, Công ty H. đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Vì vậy, tháng 11-2011, Ngân hàng N. khởi kiện Công ty H. ra TAND tỉnh Bình Dương yêu cầu thanh toán 3,8 tỉ đồng gồm cả lãi lẫn gốc. Trường hợp bị đơn không thanh toán được, ngân hàng yêu cầu tòa cho phát mãi tài sản thế chấp.

Quá trình tòa giải quyết, phía Công ty H. vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông bà S. thì không đồng ý phát mãi tài sản thế chấp. Theo họ, hợp đồng thế chấp đã chấm dứt một năm sau ngày ký hợp đồng vay vốn đầu tiên. Còn nợ hiện tại giữa hai bên nguyên, bị không liên quan gì đến họ. Vì thế, ông bà đề nghị tòa hủy hồ sơ thế chấp, buộc phía ngân hàng trả lại giấy tờ nhà, đất đã nhận.

Vay nợ tín dụng: Rối chuyện bảo lãnh - 1

Chuyện bảo lãnh trong vay vốn ngân hàng nhiều trường hợp gây tranh cãi, tranh chấp.

Tháng 5-2012, TAND tỉnh Bình Dương xử sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ngân hàng. Tòa nhận định việc Ngân hàng N. tiếp tục cho Công ty H. vay sau lần đáo hạn đầu tiên (tháng 4-2010) là phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng đã ký. Mặt khác, trong hợp đồng bảo lãnh thế chấp tài sản không quy định rằng bên ngân hàng cũng như công ty có trách nhiệm buộc phải thông báo cho ông bà S. biết việc giải ngân, thanh toán và tiếp tục vay. Vì vậy, ông bà S. phải có trách nhiệm trong việc thế chấp đảm bảo hợp đồng của bên vay.

Ông bà S. kháng cáo. Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM nhận định nghĩa vụ bảo lãnh bằng hợp đồng thế chấp của ông bà S. đã kết thúc sau lần đáo hạn vay vốn đầu tiên của Công ty H. Công ty H. vay tiếp của Ngân hàng N. mà không có sự đồng ý bảo lãnh của ông bà S. thì phải tự chịu trách nhiệm. Việc cấp sơ thẩm buộc trách nhiệm của ông bà S. đối với việc vay tiếp của Công ty H. là không phù hợp. Từ đó, tòa tuyên sửa án sơ thẩm, không phát mãi nhà, đất, tài sản thế chấp của ông bà S. trong trường hợp Công ty H. không trả được nợ cho ngân hàng.

Giữ rịt không trả giấy hồng

Tháng 8-2004, bà H. đã nhờ Công ty TNHH M. đứng ra vay giùm từ một chi nhánh ngân hàng ở Vĩnh Long. Đổi lại, bà phải dùng quyền sử dụng đất để bảo lãnh hợp đồng vay 300 triệu đồng, thời hạn sáu tháng giữa Công ty M. với ngân hàng.

Bà H. đã giao bản chính giấy đỏ cho chi nhánh ngân hàng. Hết thời hạn bảo lãnh chính, bà gia hạn bảo lãnh thêm ba tháng. Sau chín tháng, ngân hàng đã thanh lý hợp đồng cho vay với Công ty M. nhưng không chịu trả giấy đỏ cho bà. Vì thế, bà khởi kiện ra TAND tỉnh Vĩnh Long, yêu cầu ngân hàng phải trả lại giấy đỏ.

Ra tòa, phía ngân hàng viện lý do Công ty M. vẫn trả lãi đủ nhưng chưa thanh toán vốn nên trong trường hợp này hợp đồng vay có thời hạn đã trở thành không thời hạn, tức là hợp đồng bảo lãnh của bà H. vẫn còn có hiệu lực. TAND tỉnh Vĩnh Long cũng đồng tình và bác yêu cầu hủy hợp đồng thế chấp bảo lãnh của bà H.

Bà H. kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm, ngân hàng và Công ty M. đều xác nhận công ty đã trả xong tiền vay. Dù vậy, ngân hàng vẫn từ chối trả giấy đỏ cho bà H. Phía này lập luận: Việc vay, cho vay giữa ngân hàng với Công ty M. là luân chuyển, hết hợp đồng này thì tiếp hợp đồng khác (từ năm 2004, phía ngân hàng đã cho công ty vay thêm 10 hợp đồng ngắn hạn). Vì thế, giấy tờ thế chấp bảo lãnh của bà H. phải được tiếp tục giữ lại. Cạnh đó ngân hàng cũng xác nhận khi tái ký hợp đồng cho vay thì chỉ thông báo cho Công ty M. chứ không thông báo cho bà H.

Không đồng ý với cách lập luận quá phi lý của ngân hàng, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã sửa án sơ thẩm, hủy hợp đồng bảo lãnh, buộc ngân hàng phải trả lại giấy đỏ cho bà. Tòa kết luận ngân hàng không thể và không có quyền dùng hợp đồng bảo lãnh một khoản vay cụ thể của bà H. để rồi bảo lãnh cho Công ty M. vay “luân chuyển” liên tục mà bà H. không hề hay biết, đồng ý. Trước việc làm trái pháp luật này, tòa thấy cần thiết phải kiến nghị Ngân hàng Nhà nước thanh tra, làm rõ để xử lý.

Phải bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế

Trao đổi về tranh chấp bảo lãnh trong tín dụng ngân hàng, Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) phân tích: Hợp đồng tín dụng là hợp đồng thỏa thuận giữa bên cho vay và bên vay. Còn hợp đồng thế chấp tài sản bảo lãnh khoản vay là hợp đồng thỏa thuận giữa bên cho vay, bên vay và bên có tài sản. Không thể đánh đồng hai loại hợp đồng này với nhau bởi hợp đồng thế chấp bảo lãnh có thể chỉ bảo lãnh cho một khoản vay nhất định, trong một thời hạn nhất định.

Theo Thẩm phán Hùng, việc xác định phạm vi, thời hạn bảo lãnh phụ thuộc vào nội dung thỏa thuận của các bên trong hợp đồng thế chấp tài sản. Việc một số tòa địa phương dựa trên hợp đồng tín dụng để xác định hợp đồng bảo lãnh vô thời hạn là trái luật.

Thẩm phán Hùng cũng lưu ý thêm là trong thực tiễn xét xử, khi hợp đồng thế chấp bảo lãnh ký kết với ngân hàng, nếu các bên ký tranh chấp nhau về một nội dung nào đó trong hợp đồng thì các tòa sẽ xem xét bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế hơn, tức là bên không đứng ra soạn thảo hợp đồng.

Quy định liên quan

Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.

Việc bảo lãnh phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản bảo lãnh phải được công chứng hoặc chứng thực.

(Trích Điều 361, Điều 362 Bộ luật Dân sự)

Thủ tục sơ hở

Trong nhiều vụ tranh chấp tín dụng, các hợp đồng thế chấp đều chưa đủ thủ tục như luật định. Điều này nói lên thực trạng hiện quy trình các ngân hàng chấp nhận tài sản thế chấp có quá nhiều sơ hở và rủi ro. Cạnh đó, khi xử lý nợ vay bằng tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, một số bên thứ ba đã yêu cầu tòa tuyên hợp đồng vô hiệu. Nhiều tòa chấp nhận, dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho các ngân hàng, các khoản vay của ngân hàng có nguy cơ chuyển thành khoản nợ không có đảm bảo.

Kiểm sát viên NGUYỄN ANH ĐỨC, huyện Bố Trạch (Quảng Bình)

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Yến - Pháp luật TPHCM
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN