Vay ngân hàng: Voi chui lỗ kim

Ngân hàng không đủ năng lực kiểm soát, nhân viên ngân hàng và khách hàng có dấu hiệu tiêu cực khiến bên cho vay bị bốc hơi một phần tài sản.

Không có gì mới mẻ khi doanh nghiệp (DN) dùng hàng hóa để làm tài sản thế chấp vay tiền ngân hàng (NH). Thế nhưng, chỉ với một tài sản nhưng DN lại thế chấp nhiều NH rồi bán một phần hàng hóa, còn NH thì lơ là kiểm soát tạo ra lỗ hổng trong hoạt động cho vay.

Mất kiểm soát

Vụ việc mới nhất là Công ty Minh Hiếu (tỉnh Bạc Liêu) thế chấp hơn 100 tấn tôm đông lạnh để vay tiền của NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Công ty này lại tiếp tục dùng số tôm đã thế chấp làm tài sản thế chấp để vay tiền NH TMCP An Bình, BIDV Chi nhánh Cà Mau và NH TMCP Á Châu.

Tương tự, Công ty Trường Ngân (TP HCM) thế chấp hơn 3.000 tấn cà phê tại một NH, sau đó dùng số cà phê này tiếp tục thế chấp tại 6 NH khác để vay 600 tỉ đồng.

Tháng 6-2013, hàng chục nhân viên của nhiều NH cũng bao vây kho của Công ty Inox Âu Mỹ bởi công ty này dùng kho hàng là thép cuộn inox làm tài sản thế chấp để vay vốn tại 5 NH.

Vay ngân hàng: Voi chui lỗ kim - 1

Kho hàng của Công ty Trường Ngân được thế chấp cho 7 ngân hàng để vay 600 tỉ đồng khiến xảy ra cuộc tranh chấp giữa các ngân hàng Ảnh: NHƯ PHÚ

Không chỉ dùng 1 tài sản để thế chấp nhiều NH, các DN còn vượt qua tầm kiểm soát của NH để đánh tráo và bán lén hàng hóa. Đơn cử, khi cơ quan chức năng vận chuyển cà phê từ kho của Công ty Trường Ngân đến kho khác để quản lý, lúc đó mới phát hiện không ít bao cà phê trong đó chứa toàn… rác. Còn tại kho của Công ty Minh Hiếu, cơ quan chức năng phát hiện chỉ còn 52 kg tôm/100 tấn tôm là tài sản thế chấp để vay vốn.

Một quan chức của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết đã có NH phòng thủ từ xa bằng cách thuê kho hàng để kiểm soát tài sản thế chấp nhưng chủ kho hàng mà NH thuê lại “đi đêm” với DN bán sạch hàng hóa khiến NH đối mặt rủi ro.

Sơ hở, có “tay trong”

Thông thường, NH chấp nhận tài sản thế chấp là hàng hóa rồi cho vay với quy trình khá chặt: NH kiểm định chất lượng hàng hóa, thẩm tra chứng từ mua hàng, kiểm tra thực tế kho hàng của DN rồi giải ngân. Sau đó, DN muốn xuất kho một lô hàng phải thanh toán cho NH số tiền tương ứng với giá trị của lô hàng đó, đồng thời hàng hóa ra vào kho đều có sự kiểm soát của nhân viên NH.

Vấn đề đặt ra là hàng hóa mà DN đã thế chấp được xem là tài sản của NH, vì sao DN có thể mang số hàng hóa đó thế chấp tại nhiều NH khác? 

Lãnh đạo một số NH thừa nhận không phải NH nào cũng thực hiện đúng quy trình cho vay - nhất là đối với hàng hóa thế chấp là nông, thủy sản - dẫn đến mất khả năng kiểm soát. Nông sản là loại hàng hóa thường có số lượng lớn, lại không có mã vạch, mã số hay theo từng kiện hàng… nên NH không thể kiểm định chất lượng lẫn số lượng mà chỉ căn cứ hóa đơn đầu vào, rồi khảo sát kho hàng… để quyết định cho vay. Lợi dụng kẽ hở này, một số DN lập khống bảng kê hoặc mua hóa đơn đầu vào từ các DN khác để hợp thức hóa chứng từ, hội đủ điều kiện vay. Mặt khác, do chạy theo tăng trưởng tín dụng nên NH bỏ qua khâu thẩm định, chỉ cần tận mắt nhìn thấy hàng hóa có trong kho là thiết lập quan hệ tín dụng, dẫn đến một kho hàng được thế chấp tại nhiều NH.

Tuy nhiên, lãnh đạo các NH cũng thừa nhận không ít nhân viên tín dụng biết được hàng hóa trong kho đã thế chấp cho NH bạn nhưng vẫn “mách nước” cho DN vượt qua tầm kiểm soát của cấp trên để tiếp tục vay vốn tại NH mình. Vì thế, mới có tình trạng kho cà phê của Công ty Trường Ngân chứa rác và kho tôm đông lạnh của Công ty Minh Hiếu chỉ còn lại vài chục kg tôm.

Cần kho hàng trung gian

TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường ĐH Mở TP HCM, cho biết tại các quốc gia phát triển, NH chấp nhận hàng hóa thế chấp là nông sản để cho vay với điều kiện hàng hóa đó phải được cất giữ tại kho trung lập dưới sự quản lý của chủ kho và các yếu tố pháp lý ràng buộc trách nhiệm 3 bên: NH, DN vay tiền và chủ kho hàng. 

Tại Việt Nam, tuy một số công ty đã xây dựng kho hàng cho thuê nhưng còn manh mún và chất lượng bảo quản chưa cao, đồng thời chưa có khung pháp lý ràng buộc 3 bên nên hàng hóa thường được cất giữ tại kho của DN. Do đó, DN có thể rút ruột, đánh tráo hàng hóa khiến NH không kiểm soát được.

Để bịt lỗ hổng này, theo TS Nguyễn Văn Thuận, nhà nước cần trang bị hành lang pháp lý và trách nhiệm của đơn vị cho thuê kho hàng, DN, NH về quản lý hàng hóa thế chấp, nếu không sẽ có rất nhiều DN không tiếp cận được vốn vay NH.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thy Thơ (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN