Vàng vẫn "nằm chết" trong dân

Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng đã có hiệu lực. Do các tổ chức kinh doanh mua bán vàng miếng, vàng nữ trang phải thực hiện lộ trình chuyển tiếp theo hướng dẫn của NHNN nên thị trường vàng đang có sự trầm lắng. Đây có thể coi là tín hiệu tích cực cho mục tiêu bình ổn thị trường vàng.

Hai giá và kinh doanh “phòng thủ”

Giá vàng thế giới những ngày qua diễn biến theo chiều giảm, dẫn đến giá vàng trong nước giảm theo. Thị trường vàng trong nước lặng sóng, khiến lượng giao dịch vàng yếu hẳn. Điều này cũng góp phần giúp chênh lệch bình quân giữa giá vàng trong nước và thế giới về mức trên dưới 1,2 triệu đồng/lượng.

Trong bối cảnh này, thời hạn chuyển tiếp đối với hoạt động kinh doanh vàng miếng đang diễn ra, bởi sau ngày 10-7-2012 các tổ chức, cá nhân chỉ được phép mua bán vàng miếng với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng (TCTD) được NHNN cấp phép kinh doanh vàng miếng.

Vàng là một loại hàng hóa đặc biệt, không thuộc diện hàng hóa ưu tiên bình ổn, hỗ trợ giá. Do vậy, giá cả do thị trường quyết định. Người mua có quyền bình luận giá vàng đắt hay rẻ, tức người mua sẽ quyết định giá mua đắt hay rẻ. Nếu thấy đắt người dân có quyền không mua, chọn kênh đầu tư khác. Hoặc nếu người dân kỳ vọng giá vàng còn lên, chấp nhận mua ở mức giá đang được xem là cao hơn giá thế giới, cũng là điều bình thường. Vì vậy, không nên lo lắng khi giá vàng trong nước vẫn còn chênh lệch trên 1 triệu đồng/lượng so với vàng thế giới.

Ông LÊ HÙNG DŨNG,
Chủ tịch HĐQT SJC

Riêng đối với hoạt động cấp phép kinh doanh vàng nữ trang thời hạn chuyển tiếp là 12 tháng kể từ ngày 25-5.

Vì vậy, hiện tại các hoạt động mua bán, kinh doanh vàng miếng cũng như kinh doanh nữ trang trên thị trường tự do vẫn diễn ra bình thường. Đến thời điểm này vẫn chưa thể biết được sau ngày 10-7-2012 sẽ có bao nhiêu doanh nghiệp kinh doanh vàng được cấp phép kinh doanh vàng miếng.

Nhiều dự đoán số lượng này sẽ không nhiều, chỉ tập trung chủ yếu vào các TCTD. Do chính sách quản lý thị trường vàng đang trong quá trình thực hiện, chưa có kết quả rõ ràng, cụ thể, cộng với giá vàng đang giảm thấp, càng khiến thị trường vàng thêm trầm lắng.

Có thể thấy dù chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước đã thu hẹp đáng kể nhưng vẫn cao hơn so với kỳ vọng trước đây của NHNN, là khoảng 400.000-500.000 đồng/lượng.

Lý giải về điều này, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho rằng chênh lệch giá vàng trên dưới 1 triệu đồng hiện nay là tất yếu. Nguyên nhân là do thị trường vàng trong nước vẫn chưa có sự liên thông với thế giới về cơ chế xuất nhập khẩu vàng.

Theo quy luật thị trường, bất cứ loại hàng hóa nào thiếu thì giá lên. Hiện nay nhu cầu mua vàng trong nước không nhiều nên các công ty kinh doanh vàng niêm yết giá trong nước cao hơn thế giới trên 1 triệu đồng/lượng để “phòng thủ”, vì vậy tình trạng nhập lậu sẽ không diễn ra ồ ạt như trước đây.

Thấy rõ nhất là việc ổn định tỷ giá USD/VNĐ trong suốt thời gian vừa qua có yếu tố nhu cầu mua USD chợ đen để nhập vàng đã giảm. NHNN đang thực hiện chính sách dài hạn mà trọng tâm là siết chặt thị trường chợ đen, vàng nhập lậu… tiến tới thống nhất một thương hiệu vàng miếng trên toàn lãnh thổ. Tuy nhiên, cần thêm thời gian để chính sách này đi vào thực tế và thúc đẩy thị trường vàng ổn định hơn.

Lùm xùm việc chuyển đổi

Ngoài chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, một vấn đề đang được người dân và doanh nghiệp quan tâm là việc hoán đổi vàng miếng nhãn hiệu khác sang vàng SJC. Trong thông tư hướng dẫn mới đây NHNN cho biết sau thời hạn chuyển tiếp, các loại vàng miếng khác ngoài SJC vẫn giao dịch bình thường, không bị xóa sổ.

Nhưng thực tế người dân nắm giữ vàng miếng không phải SJC đang bị thiệt trong giao dịch tại các đơn vị sản xuất loại vàng miếng này, nhiều người phản ánh về việc họ vẫn bị ép giá bán thấp hơn giá vàng miếng SJC.

Đến thời điểm này khó có thể khẳng định chính sách quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 của Chính phủ là phù hợp chưa. Bởi thực tế không có chính sách nào đúng 100%, không thể có chuyện “một cái áo mặc cho nhiều người”. Vì thế, nếu chính sách ban hành ra còn bất cập, tất yếu sẽ đi đến việc điều chỉnh cho phù hợp. Mặt khác cũng cần bổ sung những quy định phù hợp với tình hình thực tế.

TS. LÊ XUÂN NGHĨA,
Chuyên gia ngân hàng

Theo một chuyên gia ngân hàng, điều này vẫn tồn tại do NHNN không công bố cụ thể lộ trình cũng như mức phí, chi phí khi chuyển đổi vàng miếng khác sang SJC.

Điều này dẫn đến các đơn vị kinh doanh vàng miếng khác hiệu SJC lợi dụng sự chưa rõ ràng này để “móc túi” người dân bán vàng hoặc chuyển vàng miếng khác sang vàng SJC.

Theo ông Lê Hùng Dũng, không nhất thiết phải bắt buộc chuyển đổi. Việc chuyển đổi có thể làm cho người nắm giữ vàng không phải SJC thanh toán và cất trữ vàng một cách thuận lợi hơn, nhưng theo quy định của NHNN tất cả các loại vàng miếng khác SJC được sản xuất trước đây hiện vẫn được lưu hành.

Một phát sinh nữa cũng đang khiến cơ quan quản lý đau đầu. Đó là gần một tháng nay nhiều người dân bán vàng SJC rất bức xúc khi Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) cũng như các công ty vàng khác đã thu phí cao đối với vàng bị trầy xước hay cong vênh. Mỗi đơn vị tự đặt ra mức thu phí, từ 30.000-40.000 đồng, thậm chí 500.000 đồng/lượng.

Lý do thu phí này được giải thích theo Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng, là SJC phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định chỉ được gia công, dập đúc theo quota và đúng series đã cấp.

Vì thế, khi NHNN chưa có hướng dẫn việc dập đúc lại vàng miếng không đủ tiêu chuẩn, nên SJC và các công ty vàng đều hạn chế thu đổi để tránh chôn vốn lớn vào vàng miếng không đủ chuẩn.

Theo nguồn tin, chủ trương cho dập lại vàng miếng SJC không đủ tiêu chuẩn đã được NHNN đồng ý về mặt nguyên tắc, nhưng vẫn phải chờ văn bản hướng dẫn của NHNN. Nhiều dự đoán NHNN có thể cho phép SJC dập lại đúng theo số quota đã cấp từ đầu năm.

Nhưng cơ quan quản lý vẫn lo ngại khả năng các đơn vị lợi dụng cơ chế để sản xuất và dập vượt số lượng cho phép. Điều này đặt ra bài toán cho NHNN trong việc quản lý xưởng vàng và dây chuyền sản xuất vàng miếng của SJC, với mục tiêu triệt tiêu việc dập vàng ngoài luồng có nguồn gốc từ vàng lậu.

Vàng vẫn "nằm chết" trong dân - 1

Huy động vàng trong dân sẽ mang lại lợi ích kinh tế to lớn

Vàng vẫn bất động

Theo quy định mới đây của NHNN, thời hạn chấm dứt việc huy động vàng bằng chứng chỉ vàng đến ngày 25-11-2012. Tuy nhiên, thời gian gần đây các NHTM đã chủ động rút bớt vàng trong cơ cấu huy động.

Theo đó nhiều NHTM đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy động vàng, rút bớt cơ cấu kỳ hạn. Đến thời điểm này các NHTM lớn huy động vàng lãi suất chỉ còn 0,5-1,5%/năm, ngân hàng nhỏ từ 2,2-2,7%/năm cho các kỳ hạn 1-11 tháng.

Trước đó, lãi suất cao nhất 3,5%/năm, thậm chí có thời điểm lên tới 4,6%/năm. Điều này được lý giải khi NHNN cấm sử dụng vàng làm tài sản cầm cố thế chấp trên thị trường liên ngân hàng và cơ chế giao dịch trên thị trường liên ngân hàng cởi mở hơn, đã làm giảm áp lực phải có tài sản thế chấp.

Hiện tại các NHTM đang thừa thanh khoản nên cũng cần dùng vàng hoán đổi tạm thời sang tiền đồng để giải quyết thanh khoản. Đó là lý do vì sao các NHTM đã bắt đầu giảm lãi suất huy động vàng nhằm giảm bớt chi phí.

Đến thời điểm này NHNN vẫn chưa ban hành đề án huy động vàng trong dân như tuyên bố trước đây. Nhiều chuyên gia cho rằng việc chậm trễ huy động vàng trong dân đang gây lãng phí nguồn lực tài chính rất lớn. Bởi tiềm năng của vàng rất lớn, nhất là hiện nay nền kinh tế, mà cụ thể là các doanh nghiệp đang cần nguồn vốn giá rẻ để ổn định và phát triển sản xuất.

Đặc biệt, hiện nay các kênh đầu tư như tiền gửi và thị trường bất động sản vẫn tiếp tục kém hấp dẫn, nhiều người có tiền nhàn rỗi lớn đang cân nhắc đầu tư một phần vào vàng.

Bên cạnh đó, tâm lý người dân Việt Nam vẫn chuộng cất trữ vàng, nên việc huy động vàng trong dân chậm thực hiện, nguồn vốn bằng vàng rất lớn trong dân vẫn nằm chết một chỗ, trong khi nền kinh tế đang cần vốn để vượt thoát giai đoạn khó khăn hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Thiên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN