Vàng và chứng khoán: Bán rồi nghỉ ngơi?
Các nhà đầu tư trên thị trường vàng và chứng khoán đều đang phải so đo từng tý trong một thế giới bất ổn và nền kinh tế Việt Nam chưa thoát khỏi khó khăn. "Sell in May and go away"(Bán trong tháng Năm rồi đi chơi) lại càng có ý nghĩa, ít ra về mặt bảo toàn vốn.
Đi chơi hay đi luôn?
"Bán tháng Năm rồi đi chơi" - câu ngạn ngữ của thế giới chứng khoán phương Tây hóa ra lại ứng nghiệm với thị trường chứng khoán Việt Nam vào thời điểm bắt đầu xuất hiện những dự báo về đáy của nền kinh tế.
Dow Jones - chỉ số chứng khoán tiêu biểu của Hoa Kỳ, đã không thể cầm cự được ở vùng 13.000 điểm. Trong chưa đầy một tháng, chỉ số này đã mất đến 8% giá trị đỉnh. Còn VNI của TTCK Việt Nam cũng không khá hơn khi bốc hơi gần 10%. Và nếu có thể so sánh Nasdaq với chỉ số HNX của Việt Nam thì độ mất mát của hai chỉ số này là khá tương đương: từ 11-12%.
Trong hai tháng 3 và 4/2012, một đặc thù dễ nhận ra là vào những phiên TTCK Mỹ điều chỉnh giảm, mặt bằng giá cổ phiếu Việt Nam lại được nâng lên một bậc. Nhưng lần này, điều có vẻ lạ lùng là đồng thanh tương ứng, xu thế giảm đồng loạt của các TTCK ở Mỹ, châu Âu và châu Á đã kéo theo cuộc một cú rơi tự do của TTCK Việt Nam, khiến một trang blog chứng khoán phải ví đó là một cuộc "tắm máu".
Tâm lý lại vẫn được xem là một quy luật không có nội hàm trong TTCK Việt. Đám đông và tâm lý bầy đàn cũng đã làm cho thị trường này chao đảo không biết bao nhiêu lần trong lịch sử của nó, lịch sử mà bất chấp mọi bài học nhãn tiền, cái thế giới của các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn dường như không rút ra được bài học nào cho riêng họ.
Mua đuổi vào lúc thị trường đang tăng tốc, bất chấp lời cảnh báo đến từ nhiều cổ phiếu lỗ và trước đó còn thiếu hụt trầm trọng về thanh khoản. Trong hai tháng 3 và 4 khi thị trường tăng răng cưa, hết nhóm cổ phiếu tài chính rồi đến cổ phiếu bất động sản và khai khoáng đã lần lượt được các nhóm đầu cơ làm giá, buộc đám đông phải hành xử theo một kiểu bầy đàn để các đội lái thoát hàng.
Đó cũng chính là lý do vì sao khi thị trường lao dốc không một lời báo trước, người ta lại cay đắng truyền khẩu nhau câu ngạn ngữ "Sell in May and go away". Chỉ có điều, trong khi ý nghĩa của ngạn ngữ này toát lên tinh thần sảng khoái của những nhà đầu tư chốt lời và tự cho mình được hưởng quyền nghỉ ngơi, thì với một số nhà đầu tư nhỏ lẻ Việt Nam, cụm từ "go away" đang có xu hướng biến thành "go forever", hay nói theo lối dân gian - thề một đi không trở lại.
Tuy thế, không chỉ chứng khoán mới mang nỗi niềm bĩ cực. Ngay cả vàng, một phương tiện giao dịch tài chính được đánh giá có tính "tài sản" giá trị hơn hẳn cổ phiếu, cũng không thoát khỏi cảnh tiêu điều. Thậm chí còn hàm chứa một chất kích nổ cho tương lai u ám không bao lâu nữa.
Và thân phận của vàng
Nhiều nhà đầu tư vàng đã tìm cách rũ áo ra đi. Vào tháng 4/2012, trên thị trường hiện ra hình ảnh một nhóm nhà đầu tư lớn đã xả bán đến 1.000 - 2.000 lượng chỉ trong một phiên giao dịch. Có lẽ đây là hệ quả không tránh khỏi của chính sách "siết vàng" từ phía Ngân hàng Nhà nước, cũng như tình hình thanh khoản quá đỗi èo uột của vàng trong suốt thời gian từ đầu năm 2012 đến nay.
Vàng còn giảm giá mạnh? (ảnh bullionstreet)
Nhưng lại có một điểm thú vị cần so sánh trong tương quan giữa tài chính thế giới và thị trường đầu cơ ở Việt Nam. Tại TTCK Mỹ, mặc dù giá vàng trong một tuần qua có xu hướng nhích lên, nhưng số nhà đầu tư bán vàng để bình quân giá với mức lỗ trong kinh doanh cổ phiếu, hoặc bán vàng để bắt đáy chứng khoán, cũng đang tăng dần. Còn tại Việt Nam, hình như lại chẳng có mối liên hệ nào giữa hai thị trường vàng và chứng khoán, khi bất chấp mặt bằng giá cổ phiếu rớt thê thảm trong tuần trước, đã chẳng có xác nhận nào về việc dòng tiền từ vàng chuyển sang kênh cổ phiếu.
Vàng còn giảm giá mạnh?
Khách quan mà nói, các nhà đầu tư vàng cũng phải tự xét đến hoàn cảnh khá rủi ro của mình, trước khi ngó sang thị trường của 32 tỷ cổ phiếu mà vẫn được nhà đầu tư chứng khoán ví là "nhiều như quân Nguyên". Bởi cho dù vàng chỉ là một hằng số và có rất ít cơ hội "phát hành thêm", nhưng cho tới nay, không hiểu vì lý do gì, giá vàng trong nước vẫn vượt cao hơn giá vàng thế giới đến hơn 2 triệu đồng/lượng. Tương quan như thế, nếu tính đúng tính đủ, giá vàng trong nước đương nhiên sẽ phải lui về vùng 40 triệu đồng/lượng mà không thể than trách gì.
Còn nhìn xa hơn nữa về quá khứ, giá vàng trong nước đã tăng đến 10 lần trong giai đoạn 2000-2011, trong khi giá vàng thế giới chỉ tăng có 7,6 lần. Và chỉ trong chu kỳ tăng trưởng mạnh nhất và gần nhất từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2011, giá vàng trong nước đã bứt đến hơn 40%, so với mức khiêm tốn 30% của giá vàng thế giới.
Những con số so sánh trên cho thấy vàng trong nước vẫn thường xuyên bị làm giá, cũng như cái được gọi là giá trị của nó lại không mang tính thực chất. Nói cách khác, giá vàng trong nước vẫn nằm nguyên trong tình trạng rủi ro cao, có thể rớt thẳng đứng vào bất kỳ thời điểm nào không thuận lợi, hoặc bị các nhóm đầu cơ đánh xuống.
Đó là chưa kể đến những tác động của chính sách quản lý vàng. Dù Ngân hàng Nhà nước đã nới thời hạn "tự phê" cho các tổ chức kinh doanh vàng đến cuối năm nay, nhưng không vì thế mà khối ngân hàng lại tiếp tục liều lĩnh gia tăng lượng huy động vàng. ACB là một ví dụ điển hình khi ngân hàng thương mại tư nhân này đã đi tiên phong trong việc giảm khá mạnh lãi suất huy động vàng. Từ đó, có thể thấy thanh khoản vàng không chỉ bị giảm sút trầm trọng trên thị trường buôn bán tự do, mà còn bị hạn hẹp cả trong hoạt động giao dịch liên ngân hàng. Và nếu trong vài năm tới, giá vàng có bị giảm mạnh về vùng 30 triệu đồng/lượng, thậm chí thấp hơn thế, cũng không phải là một tương lai quá đáng, khi dĩ vãng của nó đã bị làm giá quá đậm.
Trong thời gian gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều dự báo về giá vàng trong nước có thể rớt về dưới mốc 40 triệu đồng/lượng, thậm chí còn có thể tiếp cận với vùng 36-37 triệu đồng/lượng. Nhưng vài tháng tới có lẽ sẽ khác cơ bản với thời kỳ đầu năm 2012, tức dòng tiền từ vàng sẽ không âm thầm dịch chuyển sang kênh cổ phiếu, mà có thể sẽ được biến thái thành một dạng tích trữ an toàn hơn nhiều. Tình hình thanh khoản sụt giảm thấy rõ của TTCK trong tuần qua cũng phản ánh đã không hề xuất hiện một dòng tiền mới nào nhằm chặn đứng đà rơi của mặt bằng giá cổ phiếu.
Tất cả các nhà đầu tư trong hai thị trường vàng và chứng khoán đều đang phải tính toán, so đo từng chút một, trong thế giới còn bất ổn và nền kinh tế Việt Nam chưa thoát khỏi khó khăn. Chính bởi thế, "Sell in May and go away" lại càng có ý nghĩa, ít ra về mặt bảo toàn vốn.