Vàng, USD ‘đau đầu’ với... ông Trump
Thị trường vàng được dự báo là kênh đầu tư bất ổn nhất trong năm con gà.
Trong mấy ngày qua, giá vàng trong nước tăng rất mạnh. Tính đến hôm qua (3-2), giá mỗi lượng vàng trong nước đã tăng từ 800.000 đến 1 triệu đồng so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, chạm mốc 38 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới cũng lên đỉnh cao nhất kể từ giữa tháng 11 năm ngoái do đồng USD giảm giá và nhiều nhà đầu tư tìm mua vàng.
Hình minh họa
Vàng, đôla: Rất khó lường
Trước diễn biến mới trên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhận định thị trường vàng được dự báo là kênh đầu tư bất ổn nhất trong năm 2017. Bởi lẽ đường đi của giá vàng phụ thuộc rất nhiều vào quyết định tăng hoặc giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Riêng năm nay FED dự định sẽ có ba lần nâng lãi suất đồng bạc xanh.
Ông Hiếu phân tích: “Mỗi lần FED tăng lãi suất, giá trị đồng USD sẽ tăng lên và đẩy giá vàng tụt xuống. Giá vàng trong nước về lâu dài vẫn bám theo vàng thế giới. Song hiện nay mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới vẫn cao, cộng thêm tâm lý găm giữ, tạo sóng… thì đầu tư vào kênh này sẽ chịu rất nhiều rủi ro và có thể không thuận lợi như năm 2016”.
Đối với kênh đầu tư ngoại hối, ông Hiếu cho rằng khó có thể giữ được mức ổn định như trong năm 2016 bởi nhiều yếu tố. Chẳng hạn Tổng thống Mỹ Donal Trump có thể sẽ đưa ra nhiều chính sách kinh tế khác thường và đẩy nền tài chính thế giới vào sự bất ổn. Điều này khiến triển vọng lãi suất USD đang trở nên rất khó đoán.
Thêm nữa, nếu FED tăng lãi suất có thể sẽ khiến ngành ngân hàng buộc phải áp dụng lãi suất huy động cho đồng USD (hiện nay lãi suất USD bằng 0%).
“Điều này cũng đồng nghĩa với việc thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi đồng Việt Nam và USD. Từ đó có thể sẽ khuyến khích người dân hoặc tổ chức kinh tế dịch chuyển dòng vốn từ đồng Việt Nam sang USD và tạo áp lực trên tỉ giá… Như vậy thị trường ngoại hối dự báo sẽ có nhiều biến động nên đầu tư vào ngoại tệ tại thời điểm này có nhiều rủi ro” - ông Hiếu nhận định.
Giá vàng tăng mạnh sau tết Nguyên đán. (Ảnh chụp chiều 3-2 tại khu vực chợ An Đông, quận 5, TP.HCM). Ảnh: HTD
Bất động sản: Giảm đầu cơ
Ông Hiếu cho rằng năm 2017 hàng loạt doanh nghiệp lớn lên sàn tạo cú hích lớn cho thị trường chứng khoán nhưng nhà đầu tư cần thận trọng bởi cuối năm vừa qua, khối ngoại đã rút ròng khoảng 400 triệu USD khỏi thị trường này. Liệu năm nay dòng vốn ngoại có trở lại Việt Nam hay không cũng chưa có gì bảo đảm.
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Ngọc Trường Chinh nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng minh bạch hơn và cung cấp nhiều dịch vụ, hàng hóa chất lượng cho nhà đầu tư lựa chọn.
“Những người thích lướt sóng, lợi nhuận lớn kèm rủi ro cao… thì nên đầu tư vào những cổ phiếu nóng, doanh nghiệp có lợi nhuận tăng đột biến. Còn nếu lựa chọn an toàn thì nên đầu tư vào những cổ phiếu căn bản tốt” - ông Chinh gợi ý.
Về bất động sản, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng thị trường này vẫn là kênh chọn lựa của nhiều nhà đầu tư cá nhân, tuy nhiên quy mô sẽ giảm khá nhiều do yếu tố đầu cơ, lướt sóng suy giảm mạnh và nguồn vốn từ các ngân hàng thu hẹp. Thị trường này sẽ phân hóa mạnh, chỉ một số dự án cục bộ có ưu thế tài chính, sản phẩm chất lượng, vị trí địa lý tốt… mới có thể mua bán thuận lợi.
Đồng quan điểm, ông Chinh nhận xét thời kỳ “người người, nhà nhà” đầu tư bất động sản đã thoái trào. Sự bùng nổ những căn hộ diện tích lớn, hoành tráng chỉ dành cho một số đối tượng. Còn nguồn đầu tư để thực sử dụng và sinh lời là những căn hộ có diện tích vừa phải, đầy đủ tiện ích với giá cả hợp lý.
Không dồn trứng vào một rổ
Nhiều chuyên gia và nhà đầu tư cùng có chung nhận định kênh đầu tư an toàn nhất vẫn là gửi tiết kiệm nhưng lợi nhuận chỉ vừa phải hoặc thấp chứ không đột biến. Thế nên với những người sợ rủi ro, kênh đầu tư tiền gửi là một sự lựa chọn.
Chuyên gia tài chính ngân hàng, PGS-TS Nguyễn Thị Mùi, khuyến nghị trong điều kiện kinh tế vĩ mô từng bước ổn định, những nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm, dám chấp nhận rủi ro thì đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, vàng… có thể lợi nhuận thu được là lớn và rủi ro cũng lớn.
Với các nhà đầu tư không muốn mạo hiểm thì có thể gửi tiền vào các tổ chức tín dụng có uy tín trên thị trường. Lãi thu được hưởng từ kênh này sẽ thấp hơn một số kênh đầu tư khác nhưng rủi ro ít.
Tuy vậy, ông Dương Anh Vũ, một nhà đầu tư chuyên nghiệp tại quận Thủ Đức, TP.HCM, lại có quan điểm khác. Ông Vũ khuyến cáo những người có tiền nhàn rỗi trên dưới 1 tỉ đồng nên phân bổ một ít vào vàng, ngoại tệ, chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ. Bởi nếu dòng tiền nhàn rỗi không nhiều mà dồn hết vào một kênh trong khi nếu danh mục đầu tư này không có tính thanh khoản cao thì sẽ rất khó chốt lời.
“Ngay cả khi chọn kênh gửi tiết kiệm được xem là an toàn nhất thì cũng phải gửi kỳ hạn 12 tháng trở lên mới được hưởng lãi suất tương đối tốt… Do vậy, không nên dồn hết trứng vào một rổ” - ông Vũ nêu kinh nghiệm.
Vàng nội cao hơn thế giới 4,5 triệu đồng/lượng Ngày 3-2, tại thị trường TP.HCM, giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng, hiện mua vào-bán ra dao động ở mức 37,6 triệu đồng/lượng và 37,99 triệu đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ hiện cao hơn khoảng 4,5 triệu đồng/lượng. Cùng ngày, giá USD trên thị trường tự do tăng vọt qua mốc 23.000 đồng /USD. Ngược lại, giá USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh giảm. Ví dụ tại Vietcombank giá USD giảm 30 đồng ở cả hai chiều mua và bán, niêm yết ở mức 22.590-22.600 VND/USD. Phải sờ, phải nắm… được Phần lớn các kênh để đầu tư ở Việt Nam đang đi theo xu hướng lâu dài, ăn chắc mặc bền và mang tính chất truyền thống. Đó là phải cầm, sờ, nắm, bắt được… như bất động sản, vàng, USD. Cho nên luân chuyển dòng tiền đến những kênh có thể sinh lời tốt nhất trong thời gian ngắn nhất được xem là tiêu chí hàng đầu khi chọn kênh để đầu tư hiện nay của nhiều người. Ông NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG CHINH, chuyên gia chứng khoán |