Vàng tăng cung, tổ chức cũng tăng mua

Mặc dù được bổ sung thêm nguồn cung khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu SJC dập 13 tấn vàng vừa đưa ra thị trường, song giá vàng tiếp tục tăng trong ngày cuối tuần qua theo xu hướng của giá thế giới. Đồng thời, với lực mua mạnh từ các NHTM, giá vàng trong nước tiếp tục chênh so với giá thế giới 2,5 triệu đồng/lượng.

Lực cầu đến từ ngân hàng…

Giá vàng thế giới đang biến động trong biên độ rộng theo xu hướng giảm ít, tăng nhiều. Các nhà đầu tư vàng đang tăng cường mua vào. Điển hình như phiên cuối tuần qua, quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã mua vào phiên thứ 5 liên tiếp, với lượng mua hơn 3 tấn, nâng mức nắm giữ lên hơn 1.308 tấn.

Có thể nói, gói QE3 được Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố là đòn bẩy hỗ trợ mạnh giá vàng. Bên cạnh tác động từ giá thế giới, lực mua vàng trong nước cũng tăng mạnh do hoạt động mua để cân bằng trạng thái của nhiều ngân hàng, khi mà trước đây đã chuyển vàng sang VND để hưởng chênh lệch lãi suất.

Theo một lãnh đạo của SJC, người mua vàng chủ yếu là DN, tổ chức, ngân hàng, còn tỷ lệ mua vào của người dân là không đáng kể.

Vàng tăng cung, tổ chức cũng tăng mua - 1

Động thái mua vàng hiện nay của một số NHTM không nằm ngoài mục đích cân đối trạng thái trong nước khi đã chốt lời để bán số vàng trên tài khoản nước ngoài.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ cho biết, trước sức tăng của giá vàng gần đây, người bán đã xuất hiện nhiều hơn mua. Đồng thời, với việc bổ sung thêm 13 tấn vàng mà NHNN yêu cầu SJC dập từ vàng miếng SJC móp méo và vàng phi SJC để đưa ra thị trường, lượng cung vàng trên thị trường khá dồi dào.

Câu chuyện hiện tại chỉ còn là sức cầu còn tương đối lớn do lực mua vàng từ các tổ chức khiến cung thị trường vẫn chưa thỏa mãn được cầu kể cả khi giá có dấu hiệu giảm. Đó cũng là lý do tại sao, giá vàng trong nước vẫn đang bỏ xa giá thế giới, với mức chênh lệch lên tới 2,4 - 2,5 triệu đồng/lượng.

Đối với các ngân hàng, còn có một diễn biến khác cũng liên quan tới giá vàng đó là việc hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động vàng. Cụ thể, lãi suất của ACB, Sacombank và Eximbank đều tăng, dù đến thời điểm 25/11 năm nay, các NHTM sẽ phải chấm dứt huy động và cho vay vàng theo thông báo của NHNN. ACB huy động vàng với lãi suất lên tới 2,5%/năm, Eximbank và Sacombank huy động vàng lãi suất 1,6%/năm cho kỳ hạn 1 - 2 tháng.

Trên thị trường đang có nhiều lý giải về hiện tượng này, trong đó có lý do giá vàng tăng cao khiến người gửi rút vàng để bán. Vì thế, các NHTM phải tăng lãi suất huy động để giữ chân nguồn vàng tiết kiệm cũ và huy động thêm nguồn vàng mới khi nhu cầu rút vàng tăng lên.

… nhằm cân đối trạng thái trong nước

Theo phân tích của CTCK SSI, việc tăng lãi suất để giữ chân khách gửi tiết kiệm bằng vàng có thể là một nguyên nhân, nhưng chưa đủ, bởi người mua vàng sau đó hoàn toàn có thể gửi lại vào ngân hàng như một nơi cất giữ an toàn và có lãi. Lãi suất tăng, theo SSI, còn có thể do người gửi vàng đang thay đổi cách nhìn.

Thực trạng tại ACB cho thấy, hiện ngân hàng này đang giữ một số lượng lớn vàng gửi của người dân, lên tới 20% tổng vốn huy động. Khi giá lên cao, người gửi vàng đến Ngân hàng rút vàng ra bán, mỗi ngày tới vài ngàn lượng.

Theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB, Ngân hàng đã phải huy động tiền đồng để mua lại số vàng mà người dân rút ra, thậm chí có chính sách mua lại với giá cao hơn thị trường. Thời gian trước, khi sự cố xảy ra tại ACB, đã có một lượng khách hàng rút vàng, nhưng do có khó khăn về vàng vật chất, nên ACB đã có kế hoạch dùng tiền mặt chi trả.

Tuy nhiên, lãnh đạo ACB cũng cho biết, ACB không mất cân đối trạng thái vàng. Vì trước đây, khi tham gia bình ổn giá kim loại quý này, ACB được phép mua vàng trên tài khoản ở nước ngoài. Do đó, bán trong nước bao nhiêu, ACB mua ở nước ngoài bấy nhiêu. Cân đối giữa số vàng huy động trong nước đã bán và số vàng ACB đã mua theo nghiệp vụ kinh doanh tài khoản vàng ở nước ngoài được NHNN cho phép, trạng thái vàng của ACB không âm.

Hiện nay, các NHTM được phép bán vàng SJC bình ổn gồm có ACB, Eximbank, Sacombank, Techcombank, DongABank. Các ngân hàng này cũng được phép mở tài khoản vàng ở nước ngoài để cân bằng trạng thái.

Đại diện ACB cho biết, hiện Ngân hàng đang xin phép Chính phủ và NHNN cho nhập số vàng của ACB đã mua theo nghiệp vụ kinh doanh tài khoản vàng. Nhưng trong khi chưa được nhập, Ngân hàng phải mua vàng trong nước để bù đắp dự trữ thanh khoản vàng cũng như đảm bảo nhu cầu sử dụng vốn bằng vàng.

Tác động giá chỉ ngắn hạn?

Theo lý giải của ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, sở dĩ một số NHTM tăng mua vàng là do trước đây khi bán vàng (bình ổn) ở thị trường trong nước, họ đã mua đối ứng qua tài khoản nước ngoài. Nay giá vàng thế giới tăng, có một số ngân hàng đóng trạng thái và chốt lời tài khoản nước ngoài nên mua trong nước để đối ứng. Thay vì chuyển vàng từ lượng đã đặt mua từ nước ngoài về, những ngân hàng này chuyển qua mua vàng trong nước để cân đối.

Hiểu một cách đơn giản, khi ngân hàng huy động vàng trước đây, thay vì cho vay bằng vàng tương ứng, ngân hàng bán lượng vàng đó ra thị trường để lấy tiền đồng về. Để đảm bảo không rủi ro, ngân hàng đặt lệnh mua đối ứng lượng vàng đã bán trên thị trường quốc tế. Điều này giúp ngân hàng giữ ổn định trạng thái, và đảm bảo nếu lượng vàng huy động bị rút mạnh thì có thể nhập vàng từ thị trường quốc tế về để bù đắp.

Tất nhiên, trên thực tế không phải là cứ thiếu thì đi nhập vàng về, mà có thể lựa chọn cách khác là bán vàng đã mua tại tài khoản nước ngoài để chốt lời, và mua vàng vật chất trong nước để bù đắp trạng thái.

“Động thái mua vàng hiện nay của một số NHTM không nằm ngoài mục đích cân đối trạng thái trong nước khi đã chốt lời để bán số vàng trên tài khoản nước ngoài”, ông Phước cho biết.

Bên cạnh đó, một số các NHTM quy mô nhỏ và không được phép mở tài khoản vàng ở nước ngoài, thời gian gần đây cũng tăng mua vàng để bù đắp phần vàng huy động trước đây đã bán lấy tiền đồng.

Thực tế, những tháng của năm 2012, khi mặt bằng lãi suất chưa hạ nhiệt và cạnh tranh trong huy động vốn tăng, một số ngân hàng đã tăng huy động vàng của dân bán lấy tiền đồng như một hình thức tăng cường huy động. Đồng thời, không loại trừ một số nhà băng huy động vàng, sau đó bán lấy VND cho vay hưởng lãi suất. Nay giá vàng tăng vọt qua ngưỡng 47 triệu đồng/lượng, nhiều người đến ngân hàng rút vàng bán nên nhà băng phải tung tiền mua vàng, thậm chí còn mua lại cao hơn giá thị trường. Dẫn đến, lực cầu gia tăng, giá vàng ở nội địa cao hơn giá thế giới.

Theo Thông tư 12/2012/T-NHNN, các tổ chức tín dụng phải dừng huy động vàng vào ngày 25/11 tới đây. Theo đánh giá của các chuyên gia, điều này sẽ khiến sự tác động tới giá vàng thông qua hoạt động mua – bán của các ngân hàng sẽ chấm dứt.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Vinh (Đầu tư chứng khoán)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN