Vàng miếng đang bị đẩy giá

Sự kiện: Giá vàng

Giới đầu cơ và doanh nghiệp neo vàng miếng SJC ở mức quá cao so với giá thế giới khiến người mua vàng lúc này có thể bị thiệt hại nặng.

Theo các chuyên gia vàng, dù nhu cầu mua vàng không tăng đột biến nhưng vàng miếng SJC đang được neo ở mức quá cao so với giá thế giới, cho thấy dấu hiệu vàng miếng SJC bị làm giá, đẩy giá.

Neo giá cao, đẩy rủi ro về khách hàng

Cuối ngày 8-12, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 36,08 triệu đồng/lượng, bán ra 36,48 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết khoảng 4,3 triệu đồng/lượng.

Ghi nhận tại một số công ty vàng những ngày qua, lượng khách hàng đến giao dịch khá đông, trong đó chủ yếu là khách nhỏ lẻ mua vàng miếng SJC. Một phần không nhỏ trong số này đi mua vàng theo tin đồn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể đổi tiền dù lãnh đạo NHNN khẳng định thông tin này là thất thiệt và khuyến cáo người dân thận trọng trong mọi quyết định mua bán để tránh rủi ro.

Nhân viên một công ty vàng lớn tại TP HCM cho biết một số khách hàng đến công ty hỏi mua chừng 20-30 lượng sau khi rút tiền tiết kiệm từ ngân hàng. Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), đại diện công ty này cho biết từ đầu tháng 12 đến nay, lượng khách hàng đến giao dịch tăng khoảng 25% so với trước, trong đó chủ yếu là khách mua vàng một phần do tâm lý. “Lượng giao dịch chỉ tăng so với thời điểm trước chứ không có hiện tượng xếp hàng hay đổ xô đi mua vàng như trước đây. Nguồn cung vàng cũng không đến mức khan hiếm” - đại diện PNJ phân tích.

Vàng miếng đang bị đẩy giá - 1

Doanh nghiệp kinh doanh vàng thừa nhận họ buộc phải nâng chênh lệch giá vàng miếng lên cao để giảm thiểu rủi ro (Ảnh: TẤN THẠNH)

Dù người dân không xếp hàng mua vàng nhưng giá vàng miếng SJC nhiều ngày qua vẫn neo quá cao so với thế giới. Đáng lưu ý, khoảng cách chênh lệch ở mức trên 4 triệu đồng giữa giá vàng trong nước và thế giới chỉ áp dụng với vàng miếng SJC, còn các loại vàng nữ trang, nhẫn trơn 999,9, vàng nguyên liệu… chỉ cao hơn thế giới khoảng 1 triệu đồng/lượng.

Đại diện Phòng Kinh doanh vàng Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI cho biết khoảng cách chênh lệch chủ yếu là do lượng vàng miếng lưu thông trên thị trường khan hiếm, nguồn cung không dồi dào dẫn đến việc các đơn vị kinh doanh niêm yết giá theo thực tế phát sinh của đơn vị mình. Đây có thể là nguyên nhân đẩy giá vàng trong nước tăng và chênh lệch cao với giá thế giới.

Cũng theo các doanh nghiệp vàng, những lúc giá vàng tăng mạnh, không ít nhà đầu tư và doanh nghiệp vàng đã mua vào với tâm lý giá còn tăng thêm. Đến thời điểm hiện tại, giá vàng xoay quanh mốc 36,5 triệu đồng/lượng khiến những người đang nắm giữ vàng lỗ nặng và không muốn bán ra. “Lượng khách mua tăng cao nhưng người bán hạn chế buộc doanh nghiệp phải giữ giá cao và nới khoảng cách chênh lệch giá mua - bán để phòng ngừa rủi ro. Vì nếu chúng tôi bán vàng xong không mua lại để cân đối ngay sẽ bị lỗ nặng. Doanh nghiệp nào cũng phải thủ cho mình nên chuyện giữ giá cao là khó tránh” - đại diện một doanh nghiệp vàng lớn tại TP giải thích.

Cẩn trọng mua vàng lúc này

Lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN cũng lý giải do trước đây các doanh nghiệp và người dân đã mua vàng với giá cao chưa muốn bán vàng ra nên giá vàng trong nước mặc dù giảm theo giá vàng quốc tế nhưng với tốc độ chậm hơn và trong biên độ hẹp hơn, từ mức 37 triệu đồng/lượng xuống còn 36,48 triệu đồng/lượng.

Dù thừa nhận có hiện tượng đẩy giá và neo giá vàng miếng SJC ở mức cao nhưng đại diện một số công ty vàng khuyến cáo người dân nên thận trọng mua bán vàng thời điểm này. Dự kiến cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) diễn ra vào ngày 13, 14-12 tới, với kỳ vọng khả năng tăng lãi suất là rất lớn và đồng USD tăng giá sẽ tạo áp lực giảm giá vàng nên những người mua vàng thời điểm này có thể bị rủi ro khi “mua giá cao, bán giá thấp”. Theo DOJI, giá vàng biến động tăng giảm chỉ nhất thời, khi các nhà đầu tư không mặn mà với kim loại quý, kết hợp với sự tác động của phía NHNN chắc chắn giá vàng miếng sẽ ổn định trở lại.

Chuyên gia vàng Phan Dũng Khánh phân tích trong bối cảnh thị trường vàng trong nước đang bị chi phối bởi yếu tố tâm lý, đầu cơ hiện nay, người mua vàng nên cẩn trọng trước những dấu hiệu bất thường, giá vàng tăng giảm quá cách biệt so với thế giới. “Dù giá USD tự do trên thị trường tăng cao nhưng cũng không thể có cách biệt quá lớn với giá thế giới, cho thấy vàng miếng SJC đang bị đẩy giá bất thường” - ông Khánh nói.

“Trên thực tế, nhà đầu tư quốc tế thường không “đụng” vào vàng ở những thời điểm giá biến động quá mạnh. Nhu cầu đầu tư vào vàng cũng giảm mạnh. Dự báo sau khi FED tăng lãi suất, giá vàng có thể còn tiếp tục giảm trong trung hạn nên người dân không nên lướt sóng vàng thời điểm này. Thực tế là có nhiều nhà đầu tư tổ chức mua vàng thời điểm giá cao trước đây đến giờ vẫn đang phải “ôm” và chưa thoát ra được” - ông Khánh cảnh báo.

USD tự do tiếp tục hạ nhiệt

Giá USD trong các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do tiếp tục hạ nhiệt trong phiên ngày 8-12. Đầu ngày, giá USD được các ngân hàng niêm yết phổ biến quanh mức 22.620 đồng/USD mua vào, 22.700 đồng/USD bán ra, giảm 30 đồng/USD so với phiên trước. Đến cuối ngày, giá USD tiếp tục giảm sâu về mức 22.675 đồng USD chiều bán ra, giảm khoảng 55 đồng/USD so với phiên trước.

Trên thị trường tự do, giá USD đầu ngày được một số điểm thu đổi ngoại tệ báo giá mua vào 23.050 đồng/USD, bán giá 23.300 đồng/USD, giảm nhẹ so với phiên trước. Đến cuối ngày, giá USD tự do tiếp tục giảm còn khoảng 23.200 đồng/USD chiều bán ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Giá vàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN