"Vàng mắt" đòi nợ công ty vàng
Không chỉ tai tiếng vì mắc nợ từ doanh nghiệp và người dân, công ty khai thác vàng Phước Sơn và Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu còn chây ì khoản nợ thuế lên đến hàng trăm tỷ đồng. Khi bị cưỡng chế thuế, hai công ty vàng lập tức đóng cửa nhà máy nhằm gây sức ép cho cơ quan quản lý, khiến hơn 1.000 lao động lao đao.
Chây ì nợ, gây sức ép với chính quyền
Ngày 28/3/2014, do nợ thuế Nhà nước kéo dài, Công ty khai thác vàng Phước Sơn đã bị Cục Thuế tỉnh Quảng Nam ra quyết định cưỡng chế thu qua ngân hàng trong thời gian một tháng. Hết thời hạn cưỡng chế, tình trạng nợ nần vẫn không được cải thiện. Vì thế, ngày 28/4, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam áp dụng hình thức tiếp theo là thông báo hóa đơn của Công ty Khai thác vàng Phước Sơn không còn giá trị sử dụng. Đối với Công ty khai thác vàng Bồng Miêu, Cục Thuế Quảng Nam hiện đang áp dụng biện pháp cưỡng chế thu qua ngân hàng.
Theo Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, hiện Công ty Khai thác vàng Phước Sơn còn nợ thuế với số tiền lên đến 225 tỷ đồng, gồm thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhà thầu, thuế thu nhập cá nhân và phí bảo vệ môi trường. Tương tự, Công ty khai thác vàng Bồng Miêu cũng nợ các khoản thuế 49 tỷ đồng.
Ông Võ Duy Thông - Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện công ty khai thác vàng vẫn nợ người lao động. Thanh tra Sở cũng đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu giải quyết các vấn đề của người lao động như tiền lương, chế độ bảo hiểm và các chế độ khác khi nhà máy ngưng hoạt động; ưu tiên bố trí cho những lao động đã làm việc lâu năm khi nhà máy hoạt động trở lại... |
Đáng chú ý, sau các quyết định cưỡng chế nói trên của cơ quan Thuế Quảng Nam, ngày 23/7, Besra Việt Nam đã thông báo tạm ngừng hoạt động sản xuất tại mỏ vàng Bồng Miêu (từ ngày 18/7/2014) và ngừng hoạt động sản xuất tại nhà mỏ vàng Phước Sơn (từ ngày 22/7/2014) cho đến khi các biện pháp cưỡng chế thuế được gỡ bỏ.
Theo Besra, nguyên nhân đóng cửa hai nhà máy vàng này là do sức ép của các biện pháp cưỡng chế thuế đối với hai Công ty vàng Phước Sơn và vàng Bồng Miêu từ tháng 4/2014 đến nay khiến Công ty không thể mua nguyên liệu hay bán vàng...
Cũng theo Besra, trước năm 2013, Công ty là đơn vị đóng thuế lớn thứ hai của tỉnh Quảng Nam và chưa bao giờ nợ. Tuy nhiên, doanh nghiệp hiện đang ở vào giai đoạn khó khăn nhất trong hơn 20 năm đầu tư tại Việt Nam.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Cục Thuế Quảng Nam, tiền thuế của hai Công ty Khai thác vàng Phước Sơn và Bồng Miêu được xác định trên cơ sở sản lượng vàng thực tế đã khai thác và đã bán, thu được tiền, nhưng hai Công ty này lại cố tình chây ì về nghĩa vụ nộp thuế.
Người dân bức xúc dùng xe và đứng chặn đường đòi Công ty vàng Phước Sơn trả nợ (chụp tháng 12/2013)
Vẫn chưa cam kết lộ trình trả nợ
Được biết, đây không phải lần đầu Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cưỡng chế đối với các công ty khai thác vàng vì lý do chây ì nộp thuế. Trước đó, tháng 9/2013, khi bị Cục Thuế Quảng Nam tiến hành biện pháp cưỡng chế qua ngân hàng, Công ty Vàng Phước Sơn (chỉ được phép xuất khẩu, không được tiêu thụ vàng trong nước) đã tìm cách vận chuyển vàng qua Công ty vàng Bồng Miêu dưới hình thức hợp đồng vay tài sản để tiêu thụ, nhưng bị phát hiện và ngăn chặn.
Sau đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Cục Thuế đã làm việc với Công ty vàng Phước Sơn để tạm dừng biện pháp cưỡng chế cũng như phân kỳ nộp thuế nhưng Công ty này không thực hiện như cam kết.
Trao đổi với PV Báo Giao thông trưa 26/7, ông Đinh Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói: “Quan điểm của tỉnh là tạo điều kiện giải quyết khó khăn để doanh nghiệp hoạt động đúng luật pháp, hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động...”.
Cũng theo ông Thu, tỉnh đã chỉ đạo cơ quan Thuế làm việc với Công ty Khai thác vàng Phước Sơn và Bồng Miêu để tiến hành xóa các biện pháp cưỡng chế và giãn nợ, nhưng thời gian giãn nợ không quá 24 tháng.
Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam Lê Mai Khắc Hưng cho biết, ngày 24/7, Cục Thuế Quảng Nam đã làm việc với lãnh đạo Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu và Công ty Khai thác vàng Phước Sơn. Hai doanh nghiệp cam kết sẽ nộp đủ số thuế phát sinh bắt đầu từ tháng 9/2014. Riêng số tiền thuế còn nợ từ trước đến nay (gần 300 tỷ đồng), hai công ty xin giãn nợ, tuy nhiên không đưa ra lộ trình và cam kết lộ trình trả nợ cụ thể.
Lãnh đạo Cục Thuế Quảng Nam cho biết, sẽ cho phép hai công ty nộp dần nợ thuế với điều kiện phải nộp đủ số thuế phát sinh hàng tháng. Theo quy định của pháp luật, việc áp dụng hình thức này phải có sự bảo lãnh của ngân hàng. Tuy nhiên, hai công ty này khó nhận được sự bảo lãnh nên Cục Thuế Quảng Nam sẽ báo cáo UBND tỉnh và Tổng cục Thuế để có hướng xử lý nghiêm tình trạng chây ì thuế của hai đơn vị trên.