Vàng hết thời "siêu lợi nhuận"

Ngày 12-6, giá vàng trong nước tiếp tục lình xình dưới mốc 42 triệu đồng/lượng. Vàng đang trở thành tài sản rủi ro thay vì một kênh đầu tư “siêu lời” như những đợt sốt trong năm 2011.

Mở cửa phiên giao dịch, giá vàng trong nước rời khỏi mốc 42 triệu đồng/lượng xuống còn 41,98 triệu đồng/lượng bán ra, chiều mua vào ở mức 41,78 triệu đồng/lượng, giảm 30.000 đồng/lượng so với chiều hôm qua.

Trong ngày, xu hướng chính của vàng là giảm giá dù mức giảm không lớn. Đến 15 giờ, giá vàng rơi xuống mức 41,9 triệu đồng/lượng (bán ra), mức mua vào xuống còn 41,7 triệu đồng/lượng. Hai ngày đầu tuần, giá vàng giảm liên tục giằng co mốc 42 triệu đồng/lượng nhưng vẫn không trụ được lâu.

Đáng nói, thị trường vàng những ngày qua biến động chủ yếu về giá, lượng giao dịch khá ít ỏi. Không còn kiên nhẫn với vàng, nhiều người đã chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán hoặc quay lại với kênh truyền thống là gửi tiết kiệm.

Vàng hết thời "siêu lợi nhuận" - 1

Với mức chênh lệch cao, nhà đầu tư khó thể “canh” theo giá vàng thế giới để “lướt sóng”

Theo chuyên gia kinh tế TS Đinh Thế Hiển, nhiều người kỳ vọng vàng sẽ quay trở lại thời hoàng kim vào thời điểm từ giữa năm đến cuối năm 2011 khi giá vàng vọt lên mốc 49,3 triệu đồng/lượng (bán ra). Tuy nhiên, với xu hướng hiện nay có thể nói giá vàng còn giảm nữa. Các chuyên gia phân tích vàng cũng nhận định, giá vàng có thể giảm sâu hơn. Trên thị trường thế giới, vàng không còn là tài sản an toàn, “hầm trú ẩn” mà đã trở thành tài sản rủi ro đi song song với đồng Euro. Khi cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu căng thẳng, đồng Euro giảm giá mạnh cũng là lúc vàng bị bán tháo.

Trong nước, từ khi có thông tin về nghị định quản lý vàng theo hướng Ngân hàng Nhà nước sẽ là đầu mối thống nhất sản xuất, nhập khẩu và quản lý vàng miếng, thị trường vàng đã hạ nhiệt và kém sôi động hẳn. Mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới quá cao từ 1 triệu đồng/lượng đến 2 triệu đồng/lượng có thể gây rủi ro lớn cho các nhà đầu tư mua vàng trong dài hạn. Với mức chênh lệch này, nhà đầu tư khó thể “canh” theo giá vàng thế giới để “lướt sóng”, góp phần kiềm chế sức hấp dẫn của vàng.

Từ khi Nghị định 24 về quản lý vàng miếng chính thức ban hành, chỉ SJC sẽ là thương hiệu vàng quốc gia, các thương hiệu vàng miếng khác đã sản xuất vẫn tiếp tục được lưu hành nhưng không còn hấp dẫn trong mắt người dân. Cộng thêm các điểm giao dịch vàng miếng bị thu hẹp so với hơn chục ngàn tiệm vàng hiện nay, khiến một bộ phận người dân lo ngại mua vàng xong không biết bán ở đâu nên chuyển sang gửi tiết kiệm bằng tiền đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN