Vàng hay chứng khoán sẽ "lên ngôi"?

Trong bối cảnh các kênh đầu tư như bất động sản (BĐS), vàng, ngoại hối đều gặp khó khăn, thì kênh đầu tư chứng khoán đã lấy lại được màu sắc tươi sáng sau nhiều năm sa sút.

Liệu 7 tháng còn lại của năm 2012, viễn cảnh đầu tư chứng khoán có tiếp tục giữ được không khí lạc quan này ? Và đâu sẽ là những yếu tố khiến TTCK có các chuyển động tới, lui về những mốc điểm đã từng được biết trong quá khứ ? Cùng với đó, những tín hiệu nào từ thị trường vàng mà nhà đầu tư cần lưu tâm khi quan tâm bảo toàn vốn với vàng trong thời gian tới ?

Chứng khoán: Tăng trưởng 40%

Trong 4 tháng đầu năm 2012, TTCK đã có sự khởi đầu tốt nhất trong 5 năm qua. Điều đó thể hiện qua tốc độ tăng trưởng của các chỉ số và dòng tiền tham gia thị trường trở lại giúp làm tăng thanh khoản mạnh mẽ, đặc biệt là sự xuất hiện lấy lại ngôi “vua”, dẫn dắt xu hướng thị trường của nhóm cổ phiếu NH và BĐS.

Nhìn lại sau 4 tháng triển khai giao dịch thử vào buổi chiều (bắt đầu từ 5/3/2012), thanh khoản thị trường có dấu hiệu tăng lên rõ nét, tăng khoảng 40% so với trước thời điểm áp dụng. Kết thúc phiên giao dịch ngày cuối tháng 4/2012, VNI-Index đóng cửa ở mức 473.77điểm, tăng 122 điểm, tương đương 35% so với cuối năm 2011. Như vậy chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2012, thị trường đã hoàn toàn hồi phục và bù đắp “có dư” so với phần sụt giảm của cả năm 2011. Khối lượng giao dịch (KLGD) phiên này đạt 86,18 triệu CP, tăng 53% so với cuối năm 2011 trong khi giá trị giao dịch (GTGD) đạt 1.304 tỉ đồng, tăng 61% so với cuối năm 2011. Trên sàn HNX, đóng phiên tháng 4/2012, chỉ số HNX- Index giao dịch ở mức 79,86 điểm, tăng 36% so với cuối năm 2011. KLGD đạt trên 67,6 triệu CP, tăng 94% so với cuối năm 2011 trong khi GTGD lên tới 705,98 tỉ đồng, tăng 149% so với cuối năm 2011. Hệ số giá trên thu nhập cổ phiếu (PE) giao dịch đầu tháng 3/2012 quanh mức 12 -13x, cao hơn so với PE gần 9x của cuối năm 2011. Điều này cho thấy kỳ vọng vào sự tăng giá của thị trường là khá cao. TTCK 4 tháng đầu năm. TTCK đã thực sự hồi phục mạnh mẽ và sự tăng trưởng từ 100 - 200% của nhiều mã CP đã đem lại sự hứng khởi cho các nhà đầu tư.

Vàng hay chứng khoán sẽ "lên ngôi"? - 1

Biểu đồ thị trường vàng và chứng khoán trong những tháng đầu năm

Cũng trong 4 tháng đầu năm, dòng vốn đầu tư của khối ngoại đã tích cực tham gia giải ngân và đây được xem là nguồn lực quan trọng tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường. Tính đến ngày 11/5/2012, giá trị mua ròng là 1.083 tỉ, tương đương 51,6 triệu USD. Tuy nhiên, lượng vốn này vẫn còn rất nhỏ so với các giai đoạn trước đó với mức đổ vào 2 – 3 tỉ USD.

Những chính sách, giải pháp hỗ trợ DN và kích thích kinh tế mà Chính phủ ban hành, nhất là lãi suất huy động và cho vay từng bước giảm trong các tháng tới vẫn sẽ là động lực để thu hút các nhà đầu tư vào kênh chứng khoán. Song song, tỉ giá USD ổn định, lạm phát giảm cũng thu hút thêm các tổ chức, cá nhân nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn vào thị trường VN trong khi đây vẫn là thị trường hiện diện nhiều cổ phiếu đang có thị giá thấp hơn so với tiềm năng kinh doanh.

Tuy vậy, TTCK vẫn còn bị hạn chế bởi một số yếu tố có tác động đáng kể, như: thị BĐS còn khó khăn, các cổ phiếu NH và BĐS sau một thời gian tăng khá mạnh đã bớt sức hấp dẫn, trong khi thị trường lại không có nhiều DN SXKD có khả năng tăng trưởng lợi nhuận mạnh. Nói một cách ngắn gọn là TTCK tới đây vẫn thiếu sức hấp dẫn của các cổ phiếu lớn. Và dù có khả năng phục hồi nhưng kinh tế VN vẫn có thể lấy lại đà tăng trưởng tốt để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Một phần vốn đầu tư trong nước vẫn còn hạn chế do vẫn bị kẹt trong đầu tư BĐS, cộng với việc Chính phủ vẫn thận trọng trong việc cung tiền khiến TTCK chưa có dòng tiền ổn định, đều đặn.

7 tháng cuối năm: Dừng ở mốc 450 điểm

Bước sang tháng 5, nền kinh tế ngày càng chứng thực các dấu hiệu đình lạm. Khối DN gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn và giải quyết hàng hoá tồn kho nên co hẹp kinh doanh, giảm sút lợi nhuận, trong khi nhiều mã cổ phiếu chứng khoán đã được đẩy giá cao hơn thời điểm đầu năm 2011. Một đợt giảm giá vào giai đoạn cuối tháng 5 đã có thể nhìn thấy rõ rệt. VN-Index có thể đi về vùng 400 điểm trong thời gian này.

Theo dự đoán của chúng tôi, trong giai đoạn tháng 6 – 8, cung tiền của Chính phủ và tín dụng từ hệ thống NHTM sẽ tăng mạnh hơn đầu năm, lãi suất giảm và các nỗ lực sẽ có tác dụng thúc đẩy nhất định tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, Theo đó, TTCK sẽ có động lực tăng trở lại, tiến đến mốc 500 điểm trong tháng 9/2012.

Dù vậy, tuy kinh tế VN vào cuối năm 2012 đã có sự ổn định và khởi sắc rõ rệt, nhưng cùng với việc kinh tế đi vào giai đoạn chuyển đổi – tái cấu trúc, các DN bắt buộc sẽ phải hoạt động đầu tư và kinh doanh thực chất hơn, hoạt động đầu tư tài chính sẽ giảm, nhất là các DN CP có vốn nhà nước. Ngoài ra, mặc dù lãi suất huy động sẽ giảm về mức 10% vào cuối năm, nhưng với giá cổ phiếu hiện nay thì PE của thị trường vào khoản 12 - 13X, tức là thu nhập DN tạo ra trên giá cổ phiếu thấp hơn thu nhập tiền gửi NH, do vậy động lực gia tăng giá cổ phiếu từ nền tảng đầu tư giá trị không vững chắc. Mặt khác, với khả năng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa thực sự gia tăng mạnh vào thị trường VN, vốn đầu tư trong nước hạn hẹp, các yếu tố này khiến TTCK khó bật qua cột mốc 500 điểm. Rất có thể VN-Index sẽ xoay quanh mức 450 điểm vào cuối năm 2012.

Vàng: Có làn sóng bán tháo cuối năm?

Sau một thời gian biến động mạnh theo xu hướng tăng, giá vàng thế giới đã bắt đầu đảo chiều và giảm mạnh kể từ đầutháng 3/2012. Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 4/2012, giá vàng Luân Đôn giao dịch ở mức 1663.5 USD, tăng 4% so với đầu năm nhưng đã thấp hơn rất nhiều so với mức 1781 USD/oz hồi cuối tháng 2/2012. Mức độ biến động của giá vàng trong 2 tháng theo chiều hướng tăng bình quân 0,06%/phiên, thấp hơn so với mức biến động 0,1% của cùng kỳ năm trước. Dự đoán trong năm 2012, giá vàng vẫn có xu hướng tăng, có thể cán và vượt mốc 2000 USD/oz.

Diễn biến theo giá vàng thế giới, giá vàng trong nước vẫn có độ biến động thấp hơn do có sự quản lý chặt chẽ nguồn nhập vàng. Điều này cũng khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới rất lớn so với các năm trước. Mức chênh lệch bình quân trong 4 tháng qua lên tới trên 1,5 –2 triệu đồng/lượng. Kết thúc ngày giao dịch cuối tháng 4//2012, giá vàng SJC xoay quanh mức 42,80 - 43,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Như vậy, so với hồi đầu năm, giá vàng trong nước giảm 1%. Và bình quân trong 2 tháng 3 - 4, giá vàng trong nước đạt mức 44,18 triệu đồng/lượng, mức độ biến động bình quân đạt mức giảm 0,02%/phiên.

Đầu năm 2012 đa số tổ chức thế giới đều dự đoán vàng sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, vào tháng 3.2012, ngân hàng UBS của Thụy Sỹ vừa giảm 18% mức giá vàng bình quân dự báo cho năm 2012 xuống còn 1.680 USD/oz, Ngân hàng Natixis của Pháp nhận định, giá vàng có thể hạ về mức trung bình 1.450 USD/oz trong năm nay dựa trên tín hiệu phục hồi ngày càng rõ nét về kinh tế Mỹ, lãi suất trái phiếu tăng và đồng USD mạnh cộng giảm khả năng có gói hỗ trợ tăng trưởng tiếp theo từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Trong tháng 5.2012, thị trường vàng thế giới còn ghi nhận sự sụt giảm niềm tin vào vàng của giới đầu cơ với mức độ đầu cơ vàng tương lai ở Mỹ và các quyền chọn thấp nhất kể từ năm 2009. Nhu cầu vàng của Ấn Độ cũng giảm đáng kể do nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn.

Điều đó cho nhiều khả năng giá vàng đã lập đỉnh ở mức 1.921 USD/oz vào tháng 9.2011 với hơn một thập kỷ tăng giá và trong năm 2012 giá vàng sẽ từng bước giảm theo sự hồi phục của kinh tế Mỹ, xoay quanh mức 1500 –1600USD/oz.

Cùng với việc giảm giá vàng thế giới thì giá vàng trong nước sẽ có sự điều chỉnh giảm. Đáng chú ý, có thể sẽ xuất hiện một làn sóng bán vàng do không còn kỳ vọng đầu cơ thu lợi lớn từ vàng, khi thị trường này sẽ bị kiểm soát triệt để. Tuy nhiên, do NHNN vẫn tiếp tục kiểm soát nguồn cung từ nhập khẩu và tỉ giá USD đang có nhiều dấu hiệu để bước vào một đợt điều chỉnh tiếp theo (*) vào thời gian cuối năm nên giá vàng trong nước vẫn ở mức cao hơn giá thế giới, xoay quanh mức 40 triệu đồng/lượng. Sự chênh lệch và không liên thông này khiến các nhà đầu tư chọn vàng luôn gặp rủi ro cao.

Một điều chắc chắn, những biến động chính sách sẽ khiến vàng tại thị trường VN sẽ là kênh đầu tư kém hấp dẫn nhất so chính nó trong cùng kỳ các năm 2010 - 2011.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TS Đinh Thế Hiển ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN