Vàng, chứng khoán, BĐS: Đầu tư mảng nào?

Sau dịp nghỉ lễ kéo dài, giới đầu tư sẽ phải tính toán xem về lâu dài thì nên dốc vốn vào đâu. Và những nhà đầu tư thông minh vẫn có thể biến khó khăn thành cơ hội.

Nếu không phải giới đầu tư chuyên nghiệp rất khó tìm kiếm lợi nhuận từ vàng miếng, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư của dân chuyên nghiệp và đại gia, không dành cho mọi người; bất động sản dường như đang dần qua thời kỳ “ngủ đông”; tỷ giá vẫn ổn định và dự báo sẽ tiếp tục ổn định nên nắm giữ USD không có nhiều lợi thế… Vậy giới đầu tư sẽ nên dốc tiền vào đâu?

Khó kiếm lợi nhuận từ vàng miếng và USD

Giá vàng trong nước vẫn đang chịu tác động không nhỏ từ biến động trên thị trường vàng thế giới. Trong khi đó, xu hướng giảm vẫn là chủ yếu. Dự báo của giới chuyên gia quốc tế thiên về giá vàng khó có sự “bứt phá” sau ngày 12/4 vừa qua khiến vàng có phiên giảm giá mạnh nhất kể từ năm 1983 trước áp lực bán tháo vàng của các nhà đầu tư và một số ngân hàng trung ương. Những tín hiệu gần đây về việc các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể đang tiến gần tới quyết định kết thúc chính sách nới lỏng định lượng cũng gây nhiều bất lợi cho vàng. Trong mấy năm qua, giá vàng tăng cao được phần nhiều là dựa vào các chương trình bơm tiền gây kỳ vọng lạm phát của FED.

Trên thị trường trong nước, đến ngày 30/6 khi các TCTD hoàn thành việc tất toán trạng thái vàng của mình sẽ giảm cầu trên thị trường. Khi mà nhu cầu trên thị trường giảm bớt thì chênh lệch giá trong nước và quốc tế sẽ giảm.

Việc nắm giữ USD để hưởng chênh lệch khi tỷ giá biến động không còn thu hút nhiều người. NHNN khẳng định, tỷ giá năm nay sẽ biến động không quá 2%, cùng với việc xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm giao dịch ngoại tệ trái phép, tình trạng găm giữ, đầu cơ ngoại tệ đã giảm đi đáng kể. USD thực sự không còn là kênh để kiếm lời ngoại trừ nhu cầu chi phí thực tế.

Chứng khoán – “Bán tháng 5 và đi chơi”

Câu ngạn ngữ này xuất phát từ thống kê đối với thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ và hiện nay có vẻ như cũng áp dụng được phần nào với thị trường Việt Nam. Từ năm 2010 tới nay, năm nào cũng có những tháng 5 buồn đối với thị trường cổ phiếu.

Ông Tống Minh Tuấn, Trưởng bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán Ngân hàng ngoại thương (VCBS) cho rằng, câu ngạn ngữ này có thể áp dụng được đối với TTCK Việt Nam. Theo phân tích của ông Tuấn, thời điểm tháng 5, các nhà đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng dừng mua, trong khi đó, các nhà đầu tư nội địa, giai đoạn vài năm trở lại đây, cũng có ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ rất rõ. Đầu năm, khi hàng loạt chính sách hỗ trợ hứa hẹn và tạo ra một triển vọng có vẻ rất tích cực, các nhà đầu tư thường lạc quan và TTCK thường tăng điểm trong giai đoạn này. Sau đó, thị trường trầm lắng trong vòng 6 tháng giữa năm do những yếu tố hỗ trợ thông tin đã hết. Đến giai đoạn cuối năm, khi bắt đầu có thêm những kết quả mới về tình hình kinh tế cũng như kinh doanh thì thị trường lại có thể tăng điểm trở lại.

Nhận định về xu hướng của VN-Index tuần tới, Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Á Châu (ACBS) cho rằng, do tuần mới chỉ có 2 phiên giao dịch, nên thị trường có thể cũng không có nhiều biến động. Sự do dự của nhà đầu tư có thể tiếp tục, khiến VN-Index lình xình đi ngang. Nhìn về trung hạn, các công ty chứng khoán khác đều có chung nhận định, xác suất giảm vẫn chiếm ưu thế và những phiên tăng điểm xen kẽ chỉ mang tính kỹ thuật chứ rất khó xác lập được một sự đảo chiều về xu hướng.

Sở dĩ như vậy vì tình hình kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, thị trường thiếu các thông tin tích cực hỗ trợ tăng điểm. Rõ thấy nhất là việc lạm phát thấp không phải do nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng năng suất lao động, mà chủ yếu do tổng cầu (bao gồm cả đầu tư và cả tiêu dùng) giảm. Sản xuất kinh doanh đứng trước nguy cơ trì trệ, so với cùng kỳ năm trước số doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản thì tăng, số doanh nghiệp đăng ký mới thì giảm.

Nhà đất đang hướng đến nhu cầu thực

Thời điếm này, những nhận định về thị trường bất động sản chạm đáy đã được nhắc đến. Với những người có nhu cầu nhà ở thực sự thì không nên chần chừ, vì giá nhà khó có thể giảm thêm trước khi các gói hỗ trợ của Chính phủ được tung ra như gói hỗ trợ lãi suất 6% cho vay hỗ trợ nhà ở hay việc giải cứu khối nợ xấu khổng lồ chủ yếu nằm ở bất động sản…

Còn với giới đầu tư, thị trường bất động sản vẫn chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc khi việc rót vốn vào thị trường này được các ngân hàng thương mại hết sức thận trọng để tránh nguy cơ nợ xấu gia tăng, chưa kể hàng tồn kho bất động sản vẫn là bài toán nan giải.

Dự báo lãi suất tiền gửi sẽ còn giảm

Hiện lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) phổ biến ở mức 1-2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 6-7,5%/năm, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên khoảng 9-10,5%/năm.

Mặc dù mức lãi suất huy động hiện nay khoảng 7-7,5%/năm, chỉ bằng 50% so với thời điểm đầu năm 2012, tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế hiện nay khi các kênh đầu tư đều gặp khó nên người dân chủ yếu là những người làm công ăn lương vẫn chọn kênh ngân hàng để gửi tiền. Tình hình huy động vốn của các ngân hàng vẫn rất khả quan. Theo báo cáo kết quả điều hành chính sách tiền tệ 4 tháng đầu năm của Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), huy động vốn tăng trở lại kể từ cuối tháng 1/2013 và tăng cao so với cùng kỳ của năm 2011 và 2012. Tính đến ngày 23/4/2013, huy động vốn tăng 5,34% so với cuối năm 2012, cao hơn gấp 1,5 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2012 và gấp hơn 6 lần mức tăng của cùng kỳ năm 2011.

Vàng, chứng khoán, BĐS: Đầu tư mảng nào? - 1

Sau dịp nghỉ lễ kéo dài, giới đầu tư sẽ phải tính toán xem về lâu dài thì nên dốc vốn vào đâu

Nhiều phân tích cho thấy, lãi suất tiền gửi nhiều khả năng sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm thêm 0,5 điểm phần trăm (xuống còn 7%/năm) do lạm phát thấp, thậm chí âm, thanh khoản ngân hàng đang rất dồi dào, tỷ lệ huy động vốn tại các ngân hàng tăng trưởng rất tốt. Nhưng việc giảm lãi suất khó thực hiện ngay trong tháng 5 mà có thể sau đó một thời gian. NHNN đã giảm lãi suất với tần suất tương đối nhiều trong thời gian gần đây và việc giảm quá nhanh có thể khiến không ít các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại.

Dù vậy, nhiều người đồng quan điểm rằng, gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng vừa an toàn, vừa hiệu quả, bởi trong thời điểm các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản và vàng còn phập phù thì việc lãi suất giảm 0,5% sẽ không ảnh hưởng nhiều.

Dòng tiền chờ đợi cơ hội đầu tư vào sản xuất kinh doanh

Việc đầu tư cho sản xuất kinh doanh thời điểm này vẫn còn nhiều khó khăn song không phải không có hứa hẹn khi các chương trình cho vay lãi suất thấp hoặc dành cho các lĩnh vực ưu tiên (chỉ còn 11-13%/năm) được các ngân hàng triển khai nhằm thu hút khách hàng tốt, và đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Thống đốc NHNN mới đây trong buổi làm  việc với các tỉnh phía Nam đã cho biết NHNN đang quyết liệt triển khai các giải pháp để đưa lãi suất cho vay xuống dưới mức 13%/năm. Năm 2013 là năm ưu tiên vốn cho các lĩnh vực như chế biến, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp nên NHNN sẽ có phương án hỗ trợ thông qua nguồn vốn, lãi suất hoặc tái cấp vốn do các ngân hàng thực hiện.

Tranh thủ nguồn vốn rẻ, không ít doanh nghiệp chú trọng đầu tư kinh doanh, mở rộng sản xuất hoặc đầu tư trang thiết bị. Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Thắng Lợi cho biết có được nguồn tiền từ đối tác chuyển về, trả tiền lương cho anh em, chúng tôi đang nghiên cứu mua thêm các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, sản xuất. Đồng thời tập trung phát triển các sản phẩm, dư ra thì mua thêm đất, nhưng là chỉ để đầu tư mở rộng sản xuất chứ không mua để “tích lũy” rồi bán lại kiếm lời.

Với những cá nhân như anh Tùng Linh ở quận Hoàn Kiếm – Hà Nội thì tranh thủ nguồn vốn rẻ, sẵn có điều kiện gia đình ở gần trung tâm thành phố, anh quyết định mở một siêu thị mini, vì kinh doanh loại hình dịch vụ này thường đưa lại nhiều lợi nhuận. “Tùy theo nhu cầu thị trường và khách hàng mà có chiến lược đầu tư, chọn lựa nguồn hàng, nhà cung cấp, phân phối để đảm bảo hàng hóa không bị ế ẩm”, anh này nói.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều người dân vẫn chọn gửi tiền tiết kiệm vì mục tiêu bảo toàn vốn. Tuy nhiên, khi lãi suất giảm có thể sẽ có nhiều người sẽ vay vốn cùng với những người có tiền nhàn rỗi tiến hành đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Linh Anh (Kiến thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN