Vẫn tranh luận việc cung cấp tài khoản người nộp thuế

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Quốc hội. Vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận xung quanh các vấn đề tài khoản ngân hàng; chống chuyển giá, trốn thuế và quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử... Ban soạn thảo cho biết, đang ghi nhận, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để sửa đổi, hoàn thiện, đảm bảo hiệu quả hơn.

Cung cấp tài khoản khách hàng coi chừng phạm luật

Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi (gọi tắt dự thảo Luật) được đưa ra vào Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội Khóa XIV để lấy ý kiến và dự kiến sẽ thông qua kỳ họp lần sau. Trong số 10 nội dung được các đại biểu thảo luận sôi nổi, đáng chú ý là các vấn đề liên quan tới nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước; việc khoanh nợ, xóa nợ và thẩm quyền; bảo mật tài khoản ngân hàng; các quy định chống chuyển giá.

Có ý kiến đề nghị xem xét quy định ngân hàng thương mại (NHTM) cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản của người nộp thuế (NNT) cho cơ quan quản lý thuế, để tránh ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng, bảo mật thông tin của NNT.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có văn bản trả lời về dự thảo Luật này. Theo đó, NHNN cho rằng, pháp luật hiện hành quy định, NHTM chỉ được cung cấp thông tin theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước trong quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án...

“Việc định kỳ cung cấp thông tin tài khoản, cung cấp thông tin của NNT quy định tại khoản này có phạm vi quá rộng và có thể dẫn tới việc lạm dụng quy định trong quá trình thực thi, đồng thời không phù hợp với yêu cầu về bảo mật thông tin quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng”, NHNN nêu rõ.

Ngoài ra, theo NHNN, về nguyên tắc, việc cung cấp thông tin chỉ nên áp dụng đối với các tài khoản liên quan giao dịch về thuế và NNT có thái độ trốn tránh, chây ỳ thực hiện nghĩa vụ thuế.

Vẫn tranh luận việc cung cấp tài khoản người nộp thuế - 1

Người nộp thuế có quyền khiếu nại và khởi kiện theo quy định pháp luật nếu không thống nhất quan điểm xử lý của cơ quan thuế

Theo luật sư Trương Thanh Đức (Cty Luật Basico), quy định này không phải mới mà đã có trong Luật Quản lý thuế năm 2006 và có thông tư hướng dẫn thực hiện từ trước đến nay. Tuy nhiên, hiện nay, cơ quan quản lý sắp xếp lại các quy định, cụ thể hóa quy định.

“Quan trọng là việc đảm bảo độ tin cậy, độ an toàn tài khoản của khách hàng như thế nào? Nếu quy định không rõ ràng sẽ tạo ra kẽ hở. Các văn bản pháp luật cần làm rõ, việc cơ quan thuế yêu cầu cung cấp thông tin theo thẩm quyền như thế nào, yêu cầu bảo mật ra sao, chứ không thể yêu cầu ngân hàng cung cấp danh sách hàng nghìn khách hàng được”, luật sư này nói.

Vấn đề đang tranh cãi hiện nay, theo ông Đức là việc khấu trừ tại nguồn, thu thuế kinh doanh trên facebook và mạng xã hội khi thanh toán qua các trang mạng này. Bởi theo ông Đức, NHNN chỉ là DN cung ứng dịch vụ thanh toán chứ không phải đơn vị trả tiền nên họ không có quyền khấu trừ.

Theo lý giải của ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế - Tổng cục Thuế, kế thừa quy định tại Luật Quản lý thuế, dự thảo luật đã hoàn thiện quy định này tại Khoản 2 Điều 27 quy định NHTM có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là NNT mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, chỉ bao gồm thông tin về mở tài khoản, số tài khoản cùng với mã số thuế của NNT.

“Theo quy định của pháp luật thì cơ quan thuế đảm bảo giữ bí mật thông tin của NNT (trong đó có thông tin về tài khoản ngân hàng) là phù hợp với quy định của Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng và pháp luật về an toàn thông tin mạng”, ông Huy lý giải.

Ngoài ra, theo Ban soạn  thảo, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế thì đa số các nước đều quy định các ngân hàng và tổ chức tài chính tín dụng có nghĩa vụ thông báo cho cơ quan thuế biết về việc mở các tài khoản của NNT cùng mã số thuế do cơ quan thuế cấp.

Thậm chí một số nước còn yêu cầu việc báo cáo tự động đối với việc đóng mở tài khoản, số dư tài khoản tại thời điểm cuối năm cũng như tiền lãi trên tài khoản của NNT cho cơ quan thuế. 

Do đâu để lọt nguồn thu lớn?

Nhiều ý kiến của đại biểu cũng cho rằng, cơ quan thuế để sót, để lọt nguồn thu rất lớn. Ví dụ, đối chiếu các DN ngoài quốc doanh 2 năm vừa rồi, thất thu thuế 94% so với số đối chiếu.

Về vấn đề này, ông Lưu Đức Huy cho hay, hiện nay, theo quy định của Luật Quản lý thuế, DN tự khai, tự tính, tự nộp thuế. Cơ quan thuế thông qua phân tích cơ sở dữ liệu tiêu chí quản lý rủi ro để lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Hằng năm thực hiện thanh tra, kiểm tra 18-20% số lượng DN. Trong trường hợp ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT, có kết luận và quyết định xử lý thì khi không thống nhất, NNT có quyền khiếu nại và khởi kiện theo quy định pháp luật.

Rất nhiều đại biểu quan tâm đến nội dung chống chuyển giá, chống thất thu, đặc biệt là vấn đề chuyển giá của các DN có giao dịch liên kết, nhất là DN FDI và vấn đề quản lý thuế đối với thương mại điện tử, các giao dịch xuyên biên giới. Hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam vẫn thiếu đồng bộ. Tuy nhiên, dự thảo vẫn chưa có các quy định xử lý được lỗ hổng pháp lý này.

Theo Ban soạn thảo, hiện nay đã có 51 ngân hàng ký kết với cơ quan thuế về việc chia sẻ thông tin, trong đó có 49 ngân hàng đã triển khai. Hiện cơ quan thuế đang quản lý cơ sở dữ liệu về tài khoản của hàng trăm ngàn DN nhưng chưa phát sinh trường hợp có ảnh hưởng đến việc bảo mật thông tin của ngân hàng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Nguyễn ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN