Vẫn muốn “đẻ” thêm ngân hàng làm gì?
Hệ thống ngân hàng Việt đang phải “oằn mình” cơ cấu lại, bản thân các nhà băng đều có sản phẩm cho vay mua nhà… có cần thiết phải thành lập thêm một ngân hàng chuyên biệt như vậy?
Ngân hàng giữ hộ tiền
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng được Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam tiết lộ, Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở (NHTKNO) là tổ chức tín dụng nhận tiền gửi và cho vay trong lĩnh vực nhà ở đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Lãnh đạo Bộ Xây dựng hy vọng, ngân hàng này ra đời sẽ huy động tiền nhàn rỗi của người dân để cho vay phát triển nhà ở, vừa tạo được ý thức tiết kiệm trong các hộ gia đình, cá nhân vừa tăng quỹ nhà ở cho hộ gia đình.
Mức tiền tiết kiệm sẽ do khách hàng và ngân hàng tự thỏa thuận, khi người gửi đã tiết kiệm được 50% tổng số tiền cần dùng để mua nhà, họ sẽ được ngân hàng cho vay 50% còn lại. Các khoản tiết kiệm của khách hàng có lãi suất cố định, đồng thời tín dụng của ngân hàng cũng đảm bảo lãi suất thấp và cố định trong suốt kỳ cho vay.
Người dân có nhu cầu mua nhà thực sẽ được lợi nhiều nhất khi Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở ra đời?
Theo chuyên gia tài chính TS. Cấn Văn Lực, đây là một tín hiệu tích cực để thúc đẩy phá băng thị trường bất động sản.
Trao đổi với PV Infonet, Phó tổng giám đốc một NHTMCP tại TP. Hồ Chí Minh đánh giá, dòng vốn lớn từ mô hình tiết kiệm nhà ở đổ vào thị trường khiến cầu thực tăng lên, nhờ vậy bất động sản sẽ được hỗ trợ.
Hầu hết các nhà đầu tư BĐS hiện nay đều chạy theo thương mại, ban đầu cam kết 1-2 năm có sản phẩm nhưng thực tế lại kéo dài, thậm chí có dự án đắp chiếu không biết bao giờ sẽ hoàn thành, như thế rủi ro nằm trong tay người mua nhà. Với định hướng hoạt động chuyên sâu, thực hiện chính sách an sinh xã hội, thì người được hưởng lợi nhiều nhất khi NHTKNO đi vào hoạt động chính là người dân.
“Thay vì người dân tự tiết kiệm tiền cho tới khi đủ để có thể mua nhà, Nhà nước sẽ giữ hộ và cho vay thêm khoản còn thiếu, như thế sẽ không tạo ra tình trạng đoản cung – đoản cầu, biến động giá trên thị trường bất động sản hiện nay” – ông nói.
Vị lãnh đạo ngân hàng này cũng chốt lại "Người có lợi nhất khi Ngân hàng tiết kiệm nhà ở được thành lập phải là người dân có nhu cầu mua nhà chính đáng. NHNN phải là cơ quan quản lý ngân hàng này nhằm hạn chế những rủi ro tín dụng".
Chưa rõ đề án thành lập NHTKNO sẽ theo tiêu chí gì, có những ràng buộc gì với người mua nhà, nhưng theo vị Phó tổng giám đốc khối nguồn vốn thì, thường những dự án nhà ở xã hội, thu nhập thấp dao động 600 triệu tới 1 tỷ đồng nên mức đối ứng 50% giá trị có thể chấp nhận được. Con số buộc phải có 50% vốn đối ứng gửi tại ngân hàng hiện đang được áp dụng tại các nước phát triển, tại Việt Nam tiêu chí, quy định của NHTKNO có thể linh động sau một thời gian hoạt động để phù hợp với điều kiện thực tế.
Có cần thiết "đẻ” thêm ngân hàng?
Theo NHNN, tính hết ngày 30/6/2013, cả nước có 6 NHTM nhà nước, 1 ngân hàng chính sách, 35 NHTMCP trong nước, 4 ngân hàng liên doanh, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 100 chi nhánh và văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra còn 18 công ty tài chính, 12 công ty cho thuê tài chính, 968 tổ chức tín dụng hợp tác. Ngoài ra, thị trường đã có Ngân hàng Xây dựng (đổi tên từ Ngân hàng TrustBank) sao cần lập thêm?
Bên cạnh đó, hiện tại hệ thống ngân hàng Việt đang phải “oằn mình” cơ cấu lại, bản thân các nhà băng đều có sản phẩm cho vay tiêu dùng mua nhà… có cần thiết phải thành lập thêm một ngân hàng chuyên biệt như vậy?
Băn khoăn vì chưa rõ cơ chế hoạt động của NHTKNO sẽ ra sao, TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển kinh tế (VEPR) băn khoăn, nếu không quản lý tốt sẽ tạo cho lợi ích nhóm và người dân có nhu cầu thật lại không được hưởng chính sách ưu đãi.
Ví đưa ra một nhà băng mới giống như việc “đẻ một đứa con”, bố mẹ phải là người tạo ra môi trường lành mạnh để đứa con đó phát triển. Nếu bố mẹ lơ là đứa con sẽ phát triển lệch lạc, gây hệ lụy về sau.
Còn theo nhận định của vị Phó tổng giám đốc ngân hàng thương mại “NHTKNO được thành lập ra phải là tổ chức phi lợi nhuận chứ nếu cũng chạy đua lợi nhuận giống các NHTM khác thì hoạt động sẽ bị bóp méo. Ý tưởng đề xuất thì rất tốt, triển khai thực tế ra sao vẫn là một câu hỏi lớn”.
Ông cũng gợi ý, nên để NHNN quản lý ngân hàng này nhằm hạn chế những rủi ro tín dụng. NHNN và Bộ Xây dựng phải tính kỹ và giải quyết rất nhiều vấn đề xung quanh mới có thể bảo đảm tính khả thi của mô hình này.