Vẫn đua xé rào lãi suất

Dù tuyên bố đang thừa vốn, nhưng các ngân hàng vẫn âm thầm “xé rào” lãi suất bằng cách cộng lãi suất thêm cho khách gửi tiền Việt Nam đồng và cả ngoại tệ. Không ít ngân hàng “câu” khách hàng gửi tiền bằng ô tô sang, kim cương... Chuyên gia cho rằng, tình trạng thừa vốn thực chỉ có ở một số ít ngân hàng lớ.

Đua treo thưởng, cộng lãi suất

Nhân viên phòng giao dịch một ngân hàng trên đường Võ Văn Dũng (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, với khách hàng gửi tiền trên 1 tỷ đồng kỳ hạn 3 tháng lãi suất quy định là 6,85%/năm nhưng ngân hàng sẽ cộng thêm 0,15% cho khách hàng. Còn nếu chọn gửi kỳ hạn 6 tháng, lãi suất quy định 7,25%/năm nhưng sẽ được cộng thêm 0,18% nữa.

“Nếu khách chọn trả lãi hàng tháng qua tài khoản ngoài các khoản lãi cộng thêm, sẽ tiếp tục được cộng thêm lãi suất 0,05% nữa. Tổng lại khách hàng sẽ được nhận lãi suất tổng cộng 7,48%/năm”, nhân viên này nói.

Nhân viên một phòng giao dịch khác của một ngân hàng khác cũng khu vực trên cho biết, có cộng thêm lãi suất từ 0,2% - 0,5%/năm cho các khoản tiền gửi từ trên 100 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng tùy thời hạn gửi tiền khác nhau.

“Với số tiền gửi trên 100 triệu kỳ hạn 3 tháng, chúng em thường cộng thêm cho khách hàng 0,2%/năm. Còn gửi trên 1 tỷ đồng sẽ được cộng thêm lãi suất 0,5% để được hưởng mức từ 7,1% - 7,3%/năm. Với kỳ hạn 6 tháng thì lãi suất 8%/năm”, nhân viên Tiên Phong Bank lưu ý.

Vẫn đua xé rào lãi suất - 1

Nhiều ngân hàng dù tuyên bố dư thừa vốn nhưng vẫn phải treo giải và cộng thêm lãi suất cho khách hàng gửi tiền. Ảnh: Như Ý.

Không chỉ cộng thêm lãi suất cho khách hàng gửi tiền Việt Nam đồng, nhân viên nhiều chi nhánh ngân hàng ở khu vực Hà Nội khẳng định có chính sách cộng thêm lãi suất gửi ngoại tệ cho khách hàng. Theo đó, với các khoản tiền ngoại tệ kỳ hạn 3-6 tháng, lãi suất quy định của các ngân hàng thường ở mức 1,2%-1,25%/năm.

Tại một số phòng giao dịch của ngân hàng BIDV tại quận Hai Bà Trưng, với khách gửi từ 15.000 USD trở lên, nhân viên sẽ tư vấn cho khách hàng cách hưởng lãi suất vượt trần, lên tới 3%/năm. Để được hưởng mức lãi suất cao này, các ngân hàng sẽ làm thủ tục nhận gửi USD nhưng “chuyển hóa” thành tiền gửi ngoại tệ khác như euro. Khi đó, lãi suất trả cho khách hàng sẽ là 3%/năm. Hình thức “lách” lãi suất bằng cách cộng thêm lãi chênh bằng USD cho khách hàng gửi từ 50.000 USD trở lên cũng được nhiều phòng giao dịch của một số ngân hàng ở đường Lò Đúc, Hoàng Cầu áp dụng.

Cùng với việc cộng thêm lãi suất cho khách gửi tiền, nhiều ngân hàng còn tung ra các chương trình khuyến mại “câu” khách gửi tiền bằng những giải thưởng lớn như xe Camry, kim cương, trúng Macbook Pro, Ipad như Việt Á, Đại Á, ACB...

Nhiều ngân hàng không dư dả vốn

Trao đổi với PV Tiền Phong, thành viên HĐQT một ngân hàng TMCP có vốn điều lệ trên 5.000 tỷ đồng khẳng định, nói ngân hàng thừa vốn chỉ đúng với những ngân hàng lớn. Còn đa phần các ngân hàng khác không mấy dư dả.

 Các ngân hàng cả lớn lẫn nhỏ luôn phải tìm cách khuyến mại để giữ chân người gửi tiền dù đang dư dả tiền. Đây là hiện tượng cho thấy sự chưa ổn định của thị trường ngân hàng Việt Nam. Ở nước ngoài, họ không cần khuyến mãi rầm rộ. Điều này dẫn đến việc dù bị ế vốn nhưng ngân hàng vẫn phải tăng cường huy động vào.

TS Nguyễn Trí Hiếu

Theo vị này, vốn huy động của các ngân hàng từ đầu năm đến nay có tăng nhưng không thật sự dư dả. Nhiều ngân hàng vẫn phải tăng huy động từ bên ngoài để trả cho khách đã gửi trước đó cũng như thanh toán các khoản công nợ đến hạn và bù đắp lại việc bị thâm hụt tài sản do nợ xấu.

“Từ nay đến cuối năm các ngân hàng càng cần tăng huy động vốn để chuẩn bị cho kỳ sản xuất cuối năm. Vì vậy khó có thể nói các ngân hàng nhỏ đang thừa vốn. Còn những ngân hàng lớn, nói vốn dư thừa là do họ không tìm được đầu ra”, vị này nói.

TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc có ngân hàng bị thiếu vốn trong bối cảnh hiện nay hoàn toàn có thể xảy ra. Theo ông Hiếu, trong phần vốn huy động của ngân hàng luôn có một phần vốn cứng còn gọi là phần tiền gửi “cốt lõi”. Lượng tiền này luôn chiếm 20%-25%.

Trong khi, đại bộ phận người gửi tiền hiện nay đều gửi theo kỳ hạn ngắn khiến phần huy động “cốt lõi” của các ngân hàng lớn và nhỏ luôn bị dao động không ổn định. Điều này dẫn tới việc các ngân hàng phải luôn bổ sung việc huy động vốn. Một yếu tố khiến các ngân hàng không thể dừng cuộc đua huy động vốn là do sợ mất khách hàng, mất thị phần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN