VAMC xử lý nợ xấu: 'Không mua nợ để đấy'
Phó chủ tịch Hội đồng thường trực VAMC - ông Nguyễn Quốc Hùng ví von công ty này sẽ họat động như bệnh viện xử lý nợ xấu với quy trình tiếp nhận bệnh nhân, khám bệnh, phân loại bệnh và tìm liều thuốc cho phù hợp.
Ông cũng khẳng định VAMC xử lý nợ xấu để giúp tài sản của khách hàng, ngân hàng tốt lên chứ không có chuyện tài sản bị thâu tóm với giá rẻ.
Gần 10 tổ chức tín dụng đề nghị bán nợ
Ngày 1/10/2013, VAMC đã có những hợp đồng mua bán đầu tiên. Ông có thể chia sẻ VAMC có gặp khó khăn gì?
Sau thời gian ngắn triển khai nghị định, trực tiếp làm việc với các tổ chức tín dụng để mua nợ xấu VAMC chọn ra 3 đối tượng mua: các ngân hàng nhà nước, các ngân hàng cần tái cơ cấu, và các ngân hàng có nợ xấu trên 3%. VAMC đã chính thức ký kết với Agribank với giá trị khoản nợ ghi sổ là 2.450 tỷ, với 27 khoản nợ, giá trị mua là 1.723 tỷ đồng. Giá trị tài sản đảm bảo của 11 khách hàng này (theo giá trị sổ sách) là 3.600 tỷ đồng. Các khoản nợ đối chiếu với quy định là hợp lệ. Hướng tới là VAMC tiếp tục ký với các tổ chức tín dụng khác. Cụ thể: Trong tuần này sẽ ký với SCB, SHB và PGBank. Mục tiêu từ nay tới cuối năm sẽ xây dựng phương án phát hành trái phiếu 30-35 nghìn tỷ.
Hiện VAMC nhận được bao nhiêu đề nghị bán nợ. VAMC sẽ ưu tiên mua nợ xấu thế nào. có hay không chuyện ưu ái khi mua nợ?
Hiện các đơn vị chuyển hồ sơ lên rất lớn, có trên 10 tổ chức tín dụng đã đặt vấn đề và chuyển hồ sơ. Chúng tôi chưa sàng lọc nhưng đã chỉ đạo anh em làm việc ngoài giờ, ngày nghỉ. Từ nay đến 31/10 phấn đấu có thể mua được 10.000 tỷ đồng nợ xấu. Các đề nghị bán nợ đều được xem xét; khoản nợ đủ điều kiện sẽ xem xét trước. Với các tổ chức nợ xấu trên 3% chúng tôi sẽ xem xét đầu tiên.
Các tổ chức muốn bán nợ phải có bảng kê, các yêu cầu đó đều được chuyển đến lãnh đạo VAMC xem xét, phê duyệt. Các khoản đáp ứng yêu cầu đó gồm: Đáp ứng ngay yêu cầu không cần thẩm định. Trái phiếu đặc biệt NHTM bán nợ nhận được chỉ có giá trị thế chấp để vay vốn khi có nhu cầu, cân đối khả năng đó để đầu tư cho doanh nghiệp sẽ được vay tái cấp vốn tại NHNN với tỷ lệ 70%. Về lãi suất trái phiếu, chúng tôi đang trình Chính phủ ở mức lãi suất hợp lý để tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức tín dụng. Đề xuất tối thiểu 2%, thấp hơn lãi suất tái cấp vốn.
Giảm gánh nặng trích dự phòng cho NHTM
Việc VMAC “nhấc” được cỗ xe nợ xấu gây tắc mạch nền kinh tế giúp các tổ chức tín dụng cơ hội dọn dẹp nợ xấu. Còn VAMC xử lý thế nào với khoản nợ mua về?
Xử lý nợ là trách nhiệm của VAMC. Hiện nay chúng tôi đang tập trung mua nợ. Sắp tới mô hình công ty phải phát triển đảm bảo phân loại nợ, hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại nợ. Không phải chúng tôi mua nợ về để bán tài sản của doanh nghiệp đi, mà phối hợp với ngân hàng và doanh nghiệp để cơ cấu lại. Nghị định 53 quy định một trong những điều kiện mua nợ là danh nghiệp có khả năng tồn tại, phát triển. VAMC là bệnh viện nợ xấu, sau khi tiếp nhận bệnh nhân, sẽ phải khám bệnh, phân loại bệnh, tìm liều thuốc cho phù hợp.
Như vậy có thể hình dung bản thân nợ xấu khi được bán cho VAMC, sẽ được loại khỏi nội bảng số nợ xấu của các NHTM?
Nợ xấu bán không phải ngay lập tức trích lập dự phòng rủi ro 100% mà chia đều trong 5 năm. Điều này sẽ giúp các tổ chức tín dụng giảm gánh nặng trích lập 100% ngay một lần. Họ còn được sử dụng trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn tại SBV với tỷ lệ 70% để có vốn đầu tư, phát triển. Đây là cơ hội để họ cơ cấu, làm sạch chính mình. Giúp giảm dần tỷ lệ nợ xấu, hệ số CAR nâng lên, xếp hạng tín nhiệm cũng cải thiện. Khi vay vốn sẽ tốt hơn.
Bản thân khách hàng khi bán nợ xấu cũng được xem xét vay vốn tiếp, lãi suất được giảm, tài sản đảm bảo của họ không phải bán rẻ, tốt cho họ và cho cả thị trường…Nói chung, thông qua VAMC, tài sản của khách hàng có thể tốt hơn khi thị trường tốt lên, nền kinh tế khởi sắc. Không có chuyện tài sản bị thâu tóm với giá rẻ mạt. Qua đó phá băng trên thị trường tín dụng
Cảm ơn ông.