VAMC - kho giữ nợ xấu?

Tuần qua, liên tiếp những thông tin về việc mua bán nợ của VAMC được cập nhật. Nhìn vào những lễ ký mua bán nợ với con số cả ngàn tỷ được ký, cảm giác cỗ máy VAMC đang chạy hết tốc lực. Một điều được dư luận quan tâm: hậu mua bán nợ xấu sẽ thế nào?

Vể phía ngân hàng, với các khoản nợ đã được ký bán, nhà băng đã tạm thở phào “nhấc” cục máu đông này ra khỏi sổ sách và bảng cân đối tài sản, làm đẹp sổ sách.

Còn VAMC, với hai đợt phát hành trái phiếu lên tới gần 4.000 tỷ đồng vẻ như bước đầu đã thực hiện nhanh lời hứa tạo dòng tiền cho các ngân hàng sử dụng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nhìn vào cách thức xử lý của VAMC lúc này, có thể thấy phần lớn nợ xấu ngân hàng sẽ chỉ chuyển tạm từ chỗ này sang chỗ khác chứ không có chuyện khoản nợ nào cũng “mua đứt bán đoạn”.

Theo đó, trường hợp VAMC không xử lý được thì các nhà băng sẽ phải tự xử lý. (Đây cũng chính là lý do để các ngân hàng phải tuần tự trích lập dự phòng rủi ro 20% mỗi năm và liền 5 năm sau ngày bán nợ - PV).

Trao đổi với Tiền phong, một quan chức trong lĩnh vực tài chính ngân hàng lại tỏ ra quan ngại về cách thức xử lý nợ hiện tại.

Theo ông, VAMC đúng là có “học” theo mô hình ngoại về cách mua nhưng lại khác về kỹ thuật xử lý. “Về cơ bản, đã là nợ xấu nhất là khi thuộc nhóm 4 -5 khó đòi khó có khả năng trả hoặc mất thì trên nguyên tắc các khoản nợ xấu này phải bị trừ vào vốn chủ sở hữu hoặc vốn điều lệ của ngân hàng.

Còn như với cách hiện nay, tính vào các khoản trích lập tức là sẽ tính vào chi phí giá vốn và như vậy, kiểu gì cả người đi vay lẫn người gửi tiền đều bị tính sổ”- Vị này nhận xét.

Nói về hậu mua nợ, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch VAMC đã lên tiếng cho hay: “Sau khi mua nợ xấu chúng tôi sẽ tiến hành phân loại nợ cùng với tổ chức tín dụng và DN để xác định chất lượng của các khoản nợ và đưa ra các giải pháp phục hồi cho DN nhanh nhất, trường hợp xấu không thể hồi phục, chúng tôi mới tính đến bước cuối cùng là phát mãi tài sản”.

Được biết, lúc này, một số tổ chức quốc tế như: Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và cả một số ngân hàng nước ngoài khá hào hứng với nợ xấu của tổ chức tín dụng Việt Nam, nhưng họ tham gia mua bán nợ xấu thế nào, chắc VAMC không thể “một sớm một chiều” quyết ngay cho được.

Phải chăng VAMC mới chỉ là kho cất giữ nợ xấu tạm thời (?!)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN