Uy lực đồng nhân dân tệ

Đồng nhân dân tệ bắt đầu đi khắp thế giới với tư cách là đồng tiền thanh toán quốc tế. Đây là tin vui hay buồn đối với các nhà quản lý nước này?

Cách đây không lâu, việc sử dụng nhân dân tệ của thế giới chỉ dừng lại ở các giao dịch dọc theo biên giới Trung Quốc. Nhưng nay thì đã khác: trong 3 năm qua, đồng tiền trung Quốc đã bắt đầu đi khắp thế giới. Các quỹ đầu cơ của Anh mua bán đồng tiền này mỗi ngày trong khi các tập đoàn như chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Mỹ McDonald’s và chuỗi siêu thị Anh Tesco đã huy động vốn trên thị trường trái phiếu bằng nhân dân tệ, một thị trường dù nhỏ nhưng đang tăng trưởng với tốc độ rất nhanh.

Thậm chí George Osborne, Bộ Trưởng Tài chính Anh, cũng hứng thú với đồng tiền này. Tháng 4 vừa rồi, ông đã đưa ra một sáng kiến nhằm giúp London phát triển một “trung tâm phương Tây” cho nhân dân tệ khi Trung Quốc nới lỏng việc kiểm soát ngoại hối.

Lan tỏa

Mặc dù các bước tiến đưa nhân dân tệ ra thế giới vẫn chưa nhanh và mạnh nhưng cuối cùng nó sẽ thách thức vị trí đồng tiền dự trữ quốc tế của đồng bạc xanh của Mỹ. Nếu điều này đúng, nhân dân tệ sẽ có tác động rất lớn đến hoạt động giao thương, đầu tư và chính trị trên thế giới.

Pierre Gave, chuyên gia phân tích thuộc Gavekal, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Hồng Kông, dự báo nhân dân tệ sẽ trở thành đồng tiền chính trong hoạt động giao thương giữa Trung Quốc với các nước láng giềng châu Á trong một vài năm tới, trước khi bành trướng ra khắp thế giới. “Khu vực châu Á cần phải từ bỏ sự phụ thuộc vào đồng USD. Nhân dân tệ là sự thay thế khả dĩ nhất”, ông nói.

Cách đây 3 năm, Chính phủ Trung Quốc đã cho phép các công ty nước này thanh toán tiền xuất nhập khẩu hàng hóa bằng nhân dân tệ. Trước đó, họ chỉ có thể sử dụng các loại ngoại tệ, chủ yếu là đồng bạc xanh.

Nhưng cũng từ đó, sự thay đổi đã diễn ra một cách mạnh mẽ. Giao thương dùng nhân dân tệ đã lên tới 2.100 tỉ nhân dân tệ (tương đương 330 tỉ USD) vào năm ngoái, chiếm khoảng 9% hoạt động giao thương của Trung Quốc, tăng từ mức gần như bằng 0 trước năm 2009.

Phần lớn các thương vụ giao dịch bằng nhân dân tệ cho đến nay là giữa công ty Trung Quốc với chi nhánh của họ ở nước ngoài, thường là để mua bán chứng khoán ở 2 (hoặc nhiều hơn) thị trường khác nhau để hưởng chênh lệch giá. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều tập đoàn đa quốc gia sử dụng nhân dân tệ cho hoạt động giao thương. Đây là một sự thay đổi đáng chú ý.

Lisa O’Connor, Giám đốc Bộ phận Quốc tế hóa Nhân dân tệ tại Swift, một hệ thống thanh toán của 10.000 ngân hàng, cho rằng nhân dân tệ là đồng tiền thanh toán có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. “Chúng tôi có hơn 1.000 định chế tài chính tại 90 quốc gia đang giao dịch bằng nhân dân tệ và họ làm điều này theo yêu cầu của khách hàng. Về phía khách hàng, họ yêu cầu giao dịch bằng nhân dân tệ để tiết kiệm thời gian và tiền bạc khi làm ăn kinh doanh tại Trung Quốc”, bà nói.

Không chỉ để tiện lợi trong giao thương, một số tập đoàn quốc tế còn bắt đầu huy động vốn bằng nhân dân tệ. Cách đây 2 năm, Chính phủ Trung Quốc đã tung ra chương trình cải cách giúp cho các tập đoàn như Unilever có thể phát hành trái phiếu nhân dân tệ tại Hồng Kông và sau đó chuyển số tiền thu được từ đợt phát hành sang đại lục Trung Quốc. Việc phát hành trái phiếu như vậy đã tăng mạnh kể từ đó. Cụ thể có tới 130 tỉ nhân dân tệ (20 tỉ USD) trái phiếu được huy động chỉ trong năm 2011, tăng gấp 3 lần con số của năm 2010.

Uy lực đồng nhân dân tệ - 1

Sức ảnh hưởng của nhân dân tệ ngày càng lan rộng hơn

Rào cản

Tuy nhiên, lượng nhân dân tệ có tại các trung tâm tài chính như Hồng Kông, London và Singapore lại khá hạn chế. Đó là vì Trung Quốc vẫn còn kiểm soát chặt chẽ dòng tiền ra vào giữa đại lục với bên ngoài. Các tổ chức nước ngoài chỉ có thể đầu tư vào đại lục nếu họ được giao hạn ngạch hoặc được các cơ quan quản lý Trung Quốc phê chuẩn. Các công ty trong nước cũng vấp phải những rào cản tương tự.

Không ai có thể phủ nhận quy mô cũng như tầm quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc đối với thế giới. Trung Quốc hiện chiếm khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới và con số này đang tăng rất nhanh. Theo dự báo của chuyên gia phân tích Jim O’Neil thuộc Ngân hàng Goldman Sachs, Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2027. Và khi đó sức ảnh hưởng của nhân dân tệ sẽ càng lan rộng hơn.

Để nhân dân tệ trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế thực sự, Trung Quốc sẽ cần phải tự do hóa tài khoản vốn (cho tự do chuyển đổi tài sản tài chính trong nước thành tài sản tài chính ở nước ngoài và ngược lại, theo tỉ giá hối đoái thị trường) của mình nhiều hơn nữa. “Việc Trung Quốc mở cửa tài khoản vốn rất quan trọng. Một số ngân hàng trung ương cho biết họ sẽ đưa nhân dân tệ vào rổ đồng tiền dự trữ chỉ khi nó được dễ dàng chuyển đổi. Và đó là điều kiện chủ chốt”, O’Neil nhận định.

Các quan chức như Zhou Xiaochuan, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, đã tuyên bố Trung Quốc sẽ cho thả nổi nhân dân tệ nhưng lại không nói rõ là vào lúc nào.

Cho đến nay, Trung Quốc đang đi từ từ. Vào tháng 3 chẳng hạn, Trung Quốc đã cho phép Nhật mua 65 tỉ nhân dân tệ (10 tỉ USD) trái phiếu chính phủ Trung Quốc, một khối lượng chiếm chưa đến 1% kho dự trữ ngoại hối của Nhật, vốn chủ yếu nắm giữ đồng USD.

Jim Walker, Giám đốc Điều hành Asianomics, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Hồng Kông, cho rằng Trung Quốc cho đến nay “chỉ mới dám nhúng đầu ngón chân vào nước”.

Việc tự do hóa tài khoản vốn đối với các nhà điều hành chính sách Trung Quốc là một thách thức lớn. Điều này không khó hiểu vì khi nền kinh tế càng mở cửa thì Chính phủ sẽ càng khó kiểm soát lãi suất và giá trị đồng tiền nước mình - vốn là 2 công cụ chính mà các cơ quan quản lý Trung Quốc sử dụng để điều hành và kiểm soát nền kinh tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đàm Hoa ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN