USD tiếp tục mạnh lên là “không hay”

Trên thị trường ngoại tệ, giá USD sáng nay (3.4) tiếp tục biến động. Giá USD niêm yết tại các ngân hàng vẫn đang trong xu hướng tiến sát mức giá trần. Các chuyên gia cho rằng, đồng USD tiếp tục mạnh lên là “không hay”…

Sáng 3.4, Ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá VND/USD ở mức 21.550- 21.610 đồng/USD (chiều mua vào - bán ra), giảm 5 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với ngày 2.4. Ngân hàng Vietinbank niêm yết tỷ giá ở mức mua vào 21.555 đồng/USD và bán ra ở mức 21.615 đồng/USD, tăng 10 đồng chiều mua vào so với ngày 2.4. Còn Eximbank, Techcombank đã đưa giá bán lên sát 21.620 đồng, mua vào cũng tăng vài chục đồng. Trên thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào hôm nay ở mức 21.640- 21.650 đồng/USD, chiều bán ra là 21.660- 21.670 đồng/USD, giảm nhẹ so với hai ngày trước đó. Giao dịch USD thị trường tự do cũng trầm lắng hơn.

USD tiếp tục mạnh lên là “không hay” - 1

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương cho biết, đồng USD tiếp tục mạnh lên so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới là “không hay” với chúng ta. Ông Doanh cũng nhìn nhận, việc điều hành tỷ giá lúc này sẽ khó khăn.

“Giữ ổn định tỷ giá quá lâu trong bối cảnh thị trường biến động như hiện nay cũng là bất lợi song nếu điều chỉnh tỷ giá thì chi phí trả nợ của Việt Nam sẽ tăng lên. Cứ tăng khoảng 1% tỷ giá thì chi phí nợ công đội thêm khoảng 10.000 tỷ đồng bởi phần lớn các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam là bằng USD. Cùng với đó còn là áp lực đối với lạm phát” - ông Doanh nói.

Ông Doanh cho biết, ngân hàng sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt và phù hợp song chắc chắn sẽ khó điều chỉnh tỷ giá cho mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu bởi 70% xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài. Giá trị gia tăng xuất khẩu ở trong nước mà khối này mang lại thấp. Điều chỉnh tỷ giá sẽ khiến cho giá hàng hóa nhập khẩu tăng lên, ảnh hưởng tới nguồn cung nguyên phụ liệu sản xuất trong nước nên chắc chắn việc điều chỉnh tỷ giá sẽ khó và còn được cân nhắc kỹ.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cũng phân tích: Rõ ràng là diễn biến thị trường không hay cho điều hành tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước sẽ phải dựa trên các cân đối tổng thể để có ứng xử tốt nhất với thị trường ngoại hối lúc này. Ngân hàng Nhà nước đã thành công ở việc tạo dựng niềm tin vào VND. Nhưng chỉ cần những lần phá giá liên tiếp trong thời gian ngắn, niềm tin đó dễ tổn thương và không dễ tạo dựng lại. Do vậy, việc điều hành tỷ giá dù linh hoạt vẫn cần phải được cân nhắc rất kỹ.

Trước đó, ông Nguyễn Quốc Anh - Vụ phó Vụ Kinh tế dịch vụ - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu thực tế: “Nếu tăng tỷ giá 1% thì chỉ làm xuất khẩu tăng hơn 0,27%, nhưng chiều ngược lại, giá nhập khẩu sẽ tăng lên, từ đó ảnh hưởng đến tình hình trong nước: tăng giá hàng hóa và tác động lên lạm phát. Bên cạnh đó, động thái này cũng sẽ ảnh hưởng đến niềm tin người dân vào đồng nội tệ”.

Đồng tình với quan điểm này, TS Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á  cho rằng: “Chúng ta cần phải bám sát tình hình thực tiễn để có quyết sách kịp thời, phù hợp”.

TS Lê Đăng Doanh khuyến nghị: “Nếu buộc phải điều chỉnh tỷ giá thì nên điều chỉnh nhiều bước. Từng bước từng bước rất nhỏ để doanh nghiệp và nền kinh tế có thể thích ứng kịp, hạn chế các tác động không mong muốn đưa lại”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN