USD tăng kịch trần: Áp lực lan đến đầu năm tới?
Những ngày cuối năm, thị trường tài chính ngân hàng lại chứng kiến sự biến động mạnh của tỷ giá. Các chuyên gia cho rằng, áp lực tỷ giá sang năm 2016 sẽ không giảm hơn.
Chiều 14/12, giá USD tại nhiều ngân hàng thương mại đã tăng hơn 20 đồng so với tuần trước, chính thức đẩy lên mức giá trần là 22.547 đồng/USD.
Cụ thể tại Eximbank, đã tăng giá mua vào lên 22.510 đồng, giá bán ra chạm kịch trần 22.547 đồng. Tại Vietcombank, giá USD tại được ngân hàng này niêm yết giao dịch ở mức 22.540 (mua vào) và 22.547 (bán ra). Còn tại ngân hàng Techcombank, giá USD niêm yết mua vào là 22.490 và 22.547 bán ra.
Các ngân hàng khác như Vietinbank, Sacombank… giá USD bán ra cũng chạm kịch trần. Còn tại thị trường tự do, giá USD còn lên mức 22.740 đồng/USD.
Tỷ giá USD/VND lại tăng kịch trần
Theo TS. Nguyễn Đức Độ - Viện phó viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, nguyên nhân của việc USD tăng giá có thể do tác động của thông tin ngân hàng Liên bang Mỹ Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 12.
Chị Bích Thùy, Giám đốc công ty thép TVP cho biết, hàng hóa nhập khẩu về đều thanh toán bằng tiền đô nên việc đồng USD tăng giá ảnh hưởng rất lớn đến công ty. Chưa kể hiện nay hàng Trung Quốc về lấn át hết, nếu tình hình kéo dài chắc một số doanh nghiệp thép phải đóng cửa.
“Tỷ giá lên, ngân hàng lên nhưng chúng tôi đâu thể tăng giá bán lên được. Khi muốn tăng giá phải thông báo cho khách hàng chứ không thể muốn lên là lên. Còn tỷ giá thì đôi khi sáng một giá, trưa một giá, chiều lại một giá khác, chóng mặt luôn, không biết đâu mà lần”, chị Thùy nói.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hội Thép Việt Nam cho biết, hằng năm ngành thép vẫn phải nhập một lượng thép thành phẩm và bán thành phẩm rất lớn, đặc biệt nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm hơn 50%, tương đương với 9 tỷ USD. Do các doanh nghiệp phải thanh toán bằng đồng USD là chính nên việc USD tăng giá chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp, đặc biệt năm nay khối lượng nhập khẩu lại tăng lên.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhu cầu ngoại tệ từ nay đến cuối năm sẽ ngày càng tăng, thứ nhất là các doanh nghiệp phải thanh toán hàng nhập khẩu chuẩn bị cho dịp tết rồi các tổ chức kinh tế, chính phủ phải thanh toán nợ vào cuối năm nên nhu cầu ngoại tệ tăng, tạo áp lực lên tỷ giá.
Bên cạnh yếu tố theo chu kỳ kinh tế còn do yếu tố nước ngoài tác động lên tỷ giá như Fed có thể tăng lãi suất trong tháng 12, hơn nữa đồng Nhân dân tệ (NDT) cũng mất giá, tạo áp lực lên tiền đồng. Với những yếu tố như thế thì áp lực lên tiền đồng không phải nhỏ.
Tuy nhiên, TS. Hiếu lạc quan: “Tôi tin Ngân hàng nhà nước có đầy đủ công cụ để giữ ổn định thị trường ngoại hối sang đến đầu năm”, TS. Hiếu khẳng định.
TS. Nguyễn Đức Độ cũng cho rằng, trong năm nay Ngân hàng nhà nước (NHNN) sẽ không điều chỉnh tỷ giá. Còn tỷ giá có điều chỉnh vào đầu năm sau hay không sẽ rất khó nói. Điều này phải chờ đợi NHNN đưa ra thông điệp.
Mặc dù tỷ giá tăng kịch trần nhưng ông Độ cho rằng, nếu NHNN vẫn giữ ổn định thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn có thể mua được USD trong biên độ mà NHNN cho phép và không ảnh hưởng đến thanh khoản. Đồng thời, NHNN cũng đã có cam kết sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp thị trường lúc cần.
Trước đó, NHNN khẳng định sẽ không điều chỉnh tỷ giá từ nay đến hết năm 2015. Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, mức điều chỉnh tỷ giá vừa qua đã rất mạnh và NHNN đã lường trước những biến động phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) cũng như khả năng Fed điều chỉnh tăng lãi suất.
Theo lãnh đạo NHNN, tỷ giá biến động nhẹ trên thị trường trong thời gian qua, chủ yếu do tâm lý và có thể là do tin đồn để đầu cơ, trục lợi. Do vậy, NHNN khẳng định, sẽ không tiến hành điều chỉnh tỷ giá và sẽ áp dụng tất cả các biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm 2015, cũng như những tháng đầu năm 2016.
Mặc dù vậy, TS Hiếu dự đoán: “Sang 2016 áp lực lên tỷ giá cũng không giảm hơn nhiều, đồng Việt Nam có thể điều chỉnh năm 2016”.