USD tăng, gửi VNĐ vẫn lợi

Lãi suất tiền gửi bằng VND hiện nay vẫn cao hơn lãi suất USD 3-5 lần.

Kể từ đầu năm đến nay, đồng USD liên tục tăng mạnh so với các đồng ngoại tệ khác. Điều này dấy lên ý kiến cho rằng nguồn USD sẽ chảy ngược về Mỹ. Cũng trong lúc này, cách đây vài hôm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng tỉ giá lên 1%. Việc tăng tỉ giá ngay từ đầu năm có khiến sức hấp dẫn của đồng USD tăng và việc giữ đồng USD sẽ có lợi hơn hay không?

Đồng USD đang trở về đúng giá trị

Theo TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, đồng USD tăng giá trên thị trường quốc tế là hiện tượng bình thường nếu chúng ta biết rằng trước năm 2006, 2007 đồng USD đã có giá so với các đồng ngoại tệ khác. Sau đó đồng USD bị xuống giá do tình hình suy thoái kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ. Hiện nay kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi, lạm phát thấp, tăng trưởng cao, công ăn việc làm tốt… nên USD trở lại giá trị của nó là bình thường. “Riêng Việt Nam vẫn kiên trì theo đuổi chính sách tỉ giá hối đoái thả nổi có quản lý, thả nổi có điều tiết. Các yếu tố kinh tế vĩ mô đảm bảo được giá USD có tăng nhưng tương đối thấp và trong tầm kiểm soát của chúng ta nên không có gì đáng lo ngại” - ông Phước nói.

USD tăng, gửi VNĐ vẫn lợi - 1

Đổi USD ra VND gửi tiết kiệm có lợi hơn là gửi USD. Ảnh: LTV

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), bối cảnh hiện tại, giá cả toàn cầu, đặc biệt giá vật liệu cơ bản, nhiên liệu ở mức thấp, giá nhiên liệu giảm mạnh. Cầu toàn thế giới yếu, lạm phát toàn cầu yếu. Đồng USD tăng giá rất mạnh, ảnh hưởng mạnh các quốc gia đang phát triển, đặc biệt quốc gia nợ USD. Quốc gia nào còn dư địa điều chỉnh chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa ít thì sẽ gặp khó khăn. Nghĩa là không phải quốc gia nào cũng có dư địa để điều chỉnh. Việt Nam tuy dư địa còn ít nhưng vẫn rất quan trọng.

Đồng quan điểm này, ông Huỳnh Trung Minh, Phó Giám đốc khối khách hàng cá nhân của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank), cho rằng đồng USD Mỹ tăng giá là việc bình thường khi nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi. Và việc tỉ giá tăng có lợi nhiều hơn là hại trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Lợi nhiều hơn mất

Theo ông Huỳnh Trung Minh, đồng USD tăng nhiều hơn so với các đồng ngoại tệ khác nhưng so với tỉ giá ở nước ta chỉ thêm 1% cũng không là gì. Hơn nữa, tỉ giá VND/USD được NHNN kiểm soát cùng với đó là những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, chỉ số lạm phát dự đoán năm 2015 rất thấp nên VND không lo mất giá. Và vì thế chúng ta không ngại việc người dân sẽ quay qua trữ USD. Song với người dân giữ VND vẫn có lợi hơn. Chẳng hạn nếu gửi tiền bằng VND cho đến hết năm nay sẽ được hưởng lãi suất vào khoảng 5%-6%/năm, còn lãi suất USD chỉ 1%-2%, như vậy lãi suất VND cao hơn 3-5 lần so với lãi suất đồng USD. Thế nên việc điều chỉnh tăng thêm 1% tỉ giá thì gửi VND vẫn có lợi hơn. Và nếu có gửi USD và cuối năm bán USD ra lấy VND cũng không có lợi hơn gửi tiết kiệm bằng VND.

Điều chỉnh tỉ giá hối đoái là hữu hiệu nhất hỗ trợ cán cân vãng lai, hỗ trợ xuất khẩu bởi theo ông Nghĩa, đầu năm xuất khẩu nước ta đang tăng mạnh các khu vực khác. Đây là biện pháp kịp thời hỗ trợ xuất khẩu cũng như hỗ trợ kinh tế Việt Nam tạo ra lợi kép: Giá đầu vào nhiên liệu rẻ, lãi suất giảm, đầu ra (xuất khẩu) tăng lên. Ngoài ra, việc tăng tỉ giá sẽ có lợi cho thu ngân sách từ USD, thu từ dầu thô quy ra tiền Việt tăng, xuất khẩu tăng. Nhờ đó ngân sách có khoản thu lớn hơn. Đây là yếu tố quan trọng với ngân sách, phản ánh chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ. Nhất là trong bối cảnh cả thế giới và Việt Nam đang coi chuyện giá dầu giảm là gói kích thích kinh tế trời cho trong bối cảnh dư địa của chính sách tiền tệ còn rất ít, dư địa chính sách tài khóa lại bị giới hạn bởi thâm hụt ngân sách và nợ công.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Trang (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN