Ứng phó trước giá dầu giảm

Bởi nếu giá dầu xuống dưới 60 USD/thùng thì ngân sách nhà nước sẽ hụt thu từ 50.000 tỉ đến 70.000 tỉ đồng.

Tại hội nghị tổng kết năm 2014 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ngày 16-1, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chủ động tính toán, đưa ra các giải pháp phù hợp để ứng phó trước tình hình giá dầu giảm như hiện nay.

Nếu giá dầu xuống 40 USD/thùng, PVN giảm thu hơn 40%

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng bối cảnh kinh tế thế giới trong năm 2015 dự báo sẽ có sự phục hồi chậm, tăng trưởng không bằng năm 2014, thậm chí một số dự báo lo ngại nền kinh tế trở về với thời kỳ suy thoái. Nhất là việc giá dầu thế giới xuống thấp trong nhiều năm qua và dự báo còn xuống thấp trong hai năm tới sẽ là điều lo ngại, thách thức đối với ngành dầu khí trong thời gian tới. Do đó, PVN cần bám sát diễn biến giá dầu thế giới để có tính toán các giải pháp phù hợp. “Bởi nếu giá dầu xuống dưới 60 USD/thùng thì ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ hụt thu từ 50.000 tỉ đến 70.000 tỉ đồng. Năm 2014, PVN đóng góp NSNN chiếm hơn 26% nên mức hụt thu này ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu”- Phó Thủ tướng nói.

Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh cho hay doanh thu toàn tập đoàn năm 2014 đạt 745.500 tỉ đồng, nộp ngân sách 178.000 tỉ đồng. Theo kịch bản kế hoạch tài chính năm 2015 mà PVN đưa ra nếu giá dầu thế giới ở mức 60 USD/thùng thì tổng doanh thu dự kiến của PVN trong năm 2015 chỉ còn 515.100 tỉ đồng. Nếu con số đó xuống 40 USD/thùng thì doanh thu dự kiến của PVN sẽ giảm tới gần 42% so với năm 2014. Theo đó, nộp ngân sách của PVN dự kiến cũng sẽ giảm hơn 50% so với năm này.

Ứng phó trước giá dầu giảm - 1

Năm 2015, PVN sẽ điều phối hợp lý giữa sản lượng khai thác, xuất khẩu và chế biến để phù hợp với tình hình giá dầu giảm. Ảnh: V.THỊNH

Không lùi các mục tiêu trọng yếu

Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu PVN cần tập trung các giải pháp cân đối dòng tiền, các giải pháp khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. “Kiên quyết không lùi các mục tiêu trọng yếu, nhất là trong nhiệm vụ tìm kiếm, thăm dò, đảm bảo những tiền đề vững chắc cho quy hoạch phát triển lâu dài nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia” - Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng mặc dù ngành dầu khí đạt được nhiều kết quả trong sản xuất, kinh doanh nhưng PVN cần tránh xu hướng thỏa mãn với những gì mình đã làm được. PVN cần phải nhìn nhận những hạn chế sâu sắc để phát huy năng lực, trí tuệ của nhân viên trong ngành; thực hiện cơ chế phân cấp rõ ràng trong quản lý.

Liên quan tới vấn đề này, Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh cho hay PVN cũng đã đưa ra các giải pháp để ứng phó trước những biến động xấu nhất. Trong đó, PVN tiếp tục củng cố và tăng cường công tác dự báo thị trường để luôn chủ động cân đối hợp lý sản lượng khai thác của từng mỏ so với giá thành. Điều phối hợp lý giữa sản lượng khai thác, xuất khẩu và chế biến để đảm bảo hiệu quả giữa chỉ tiêu tăng GDP, thu NSNN, đảm bảo an ninh năng lượng. Tập trung vốn cho các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính của tập đoàn, các dự án hoàn thành trong năm 2015; chủ động dừng hoặc giãn tiến độ các dự án chưa thực sự cấp bách, hiệu quả kinh tế-xã hội không cao.

Tăng cường bảo vệ lãnh thổ trên biển

Vấn đề an ninh năng lượng, bảo đảm các công trình khai thác trên biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo cũng đặt ra những thách thức lớn đối với ngành dầu khí. Vì vậy, PVN cần rà soát kế hoạch sản xuất kinh doanh và sửa chữa để tăng cường công tác bảo vệ lãnh thổ trên biển, an toàn trong khai thác, thăm dò. “Trong quá khứ đã xảy ra nhiều vấn đề phức tạp trên biển Đông và tương lai vẫn sẽ còn phức tạp hơn. Đặc biệt, Trung Quốc chưa bao giờ và sẽ không bao giờ từ bỏ dã tâm độc chiếm biển Đông nên chúng ta luôn nâng cao cảnh giác và sẵn sàng mọi phương án ứng phó an toàn” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung  Hải nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Phương (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN