Ủng hộ tăng thuế đất nhưng không đồng tình đánh thuế nhà

Các chuyên gia ủng hộ việc tăng thuế đất, song không đồng tình với việc đánh thuế nhà như phương án của Bộ Tài chính.

Ủng hộ tăng thuế đất nhưng không đồng tình đánh thuế nhà - 1

Các chuyên gia cho rằng, cần tăng thuế đất song phải xem lại việc đánh thuế tài sản trên đất

Mỗi căn nhà “cõng” bao nhiêu nghĩa vụ tài chính?

Đáng chú ý nhất trong dự thảo Luật Thuế tài sản vừa đưa ra cuối tuần qua, là việc tính thuế căn nhà. Theo đó, Bộ Tài chính nghiêng về phương án căn nhà có giá trị xây dựng trên 700 triệu đồng sẽ chịu thuế suất 0,4%/năm. Ví dụ, người dân mua một căn nhà 2 tỷ đồng, trong đó tiền đất chiếm 1,1 tỷ đồng và tiền xây dựng 900 triệu đồng. Như vậy, người sở hữu căn nhà sẽ phải chịu thuế 800 ngàn đồng/năm (900 - 700 = 200 triệu đồng giá trị tính thuế nhân với thuế suất 0,4%).

Tăng thuế sử dụng đất lên 10 lần

Bộ Tài chính cũng đề nghị tăng thuế sử dụng đất lên 0,3%/năm, gấp 10 lần mức phổ biến hiện nay là 0,03%. Bên cạnh đó, ông Phạm Đình Thi cũng cho biết, Bộ Tài chính đang cân nhắc và lấy ý kiến việc đánh thuế tài sản với máy bay, ôtô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng và du thuyền với thuế suất 0,3% hoặc 0,4%.

Một trong những nguyên nhân khiến đề xuất của Bộ Tài chính vấp phải phản ứng mạnh của dư luận, là bởi hiện một căn nhà đang phải chịu rất nhiều nghĩa vụ tài chính. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 107, Luật Đất đai 2013 quy định các khoản thu tài chính từ đất đai bao gồm: Tiền sử dụng đất khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất mà phải nộp tiền sử dụng đất; Tiền thuê đất khi được Nhà nước cho thuê; Thuế sử dụng đất.

Bên cạnh đó, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất, người chuyển nhượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân với mức 0,2%. Ngoài ra, nếu trong quá trình sử dụng đất có xảy ra vi phạm, người sử dụng sẽ bị xử phạt vi phạm pháp luật về đất đai; bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong sử dụng đất đai; Phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai.

Thậm chí, khi người dân xây dựng nhà ở, họ đã phải gián tiếp đóng thuế VAT đối với việc mua vật liệu xây dựng, sản phẩm hàng hóa liên quan... Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc tiếp tục đánh thuế tài sản với nhà ở là bất hợp lý.

Ủng hộ tăng thuế đất nhưng không đồng tình đánh thuế nhà - 2

Nếu tính thuế tài sản nhà theo dự thảo mới thì nhiều người dân thành phố sẽ chịu tác động - Ảnh: Ngọc Ánh

Tiền thu thuế nhà để đầu tư hạ tầng địa phương

Phản ánh đến Báo Giao thông, anh Nguyễn Văn Thành (Q. Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng, ngưỡng chịu thuế quá thấp và thuế suất 0,4%/năm thì quá cao, nghĩa là chính sách có phạm vi, mức tác động rất lớn. Sau nhiều năm tích cóp để mua được căn hộ chung cư gần 1,2 tỷ đồng ở ngoại thành Hà Nội, anh Thành phải vay mượn 60% giá trị căn hộ. Lúc nhận nhà, anh phải đóng hơn 20 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ, làm sổ đỏ, thuế thu nhập cá nhân... “Nếu phải đóng thêm 0,4% tiền thuế/năm cho phần vượt 700 triệu đồng của căn nhà, gia đình tôi sẽ mất thêm 2 triệu đồng mỗi năm”, anh Thành cho biết.

Anh Thành đặt câu hỏi: Bộ Tài chính đưa ra phương án này trong bối cảnh nợ công của Việt Nam cao. Và trước đó Bộ này cũng vừa đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với một số mặt hàng trong đó có xăng dầu, phải chăng là để bù đắp cho bội chi ngân sách, trả nợ công?  

Mang băn khoăn này trao đổi với ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, ông Thi giải thích: Dự thảo Luật Thuế tài sản đã được đề cập từ cách đây 10 năm và cũng nâng lên đặt xuống nhiều lần. Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án là ngưỡng chịu thuế 700 triệu đồng, thuế suất 0,4%, dự kiến số thu thuế khoảng 23.300 tỷ đồng. “Tất cả khoản thu này đều để lại 100% cho địa phương để đầu tư trở lại cho đất đai, hạ tầng cho người dân và tăng giá trị cho đất đai”, ông Thi nói.

Ủng hộ tăng thuế đất nhưng không đồng tình đánh thuế nhà - 3

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu:

Đánh thuế cả nhà, cả đất là thuế chồng thuế

Bất cứ chính sách thuế tài sản nào cũng phải đáp ứng được hai nguyên tắc là hỗ trợ người dân mua nhà ở (không phải nhà đầu tư) và công bằng (người thu nhập cao đóng thuế nhiều, người thu nhập thấp đóng ít). Chiếu theo hai nguyên tắc này, đề xuất của Bộ Tài chính đánh thuế cả đất và nhà ở có giá trị xây dựng từ 700 triệu đồng không hợp lý. Tôi không đồng ý. Nhiều nước chỉ đánh thuế đất thôi, như tại Mỹ, thuế suất tùy từng vùng từ 1-5% giá trị đất nhưng họ không đánh thuế giá trị bất động sản trên đất. Điều này là vì người có thu nhập, đã phải đóng thuế thu nhập rồi. Khi dùng tiền này (thu nhập đã đóng thuế) để mua nhà thì căn nhà với nhiều người kể cả người Mỹ là tài sản lớn nhất của người dân. Do đó, nếu đánh thuế lần nữa là đánh thuế kép.

Đất là tài sản quý giá nhất của một quốc gia. Việc sử dụng đất bị đánh thuế là hợp lý và ta nên tiếp tục làm. Nhưng tôi đề xuất chỉ đánh thuế đất, không đánh thuế giá trị tài sản xây trên đất. Và thuế suất đối với đất nên từ 1-5%. Bộ Tài chính ban hành khung để địa phương quy định cụ thể cho phù hợp với tình hình từng vùng. Tiền thu từ khoản này nên để lại cho địa phương.

Một điều nữa là một số nước như Mỹ, bên cạnh đánh thuế, Chính phủ còn hỗ trợ người dân khi mua căn nhà thứ nhất bằng cách miễn thuế thu nhập cá nhân đối với phần tiền dùng để trả ngân hàng nếu vay tiền ngân hàng mua nhà. Nhưng với căn nhà thứ hai trở đi thì bị đánh thuế. Tôi cũng muốn Việt Nam thực thi chính sách này, hợp với lẽ công bằng, vừa có chính sách hỗ trợ người dân, vừa đánh thuế người giàu hoặc người đầu cơ.

Lưu Thủy (Ghi)

Ủng hộ tăng thuế đất nhưng không đồng tình đánh thuế nhà - 4

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ:

Thuế đất đánh theo giá trị, nhà theo diện tích

Kinh nghiệm tại các nước cho thấy, nếu sử dụng đất hợp lý (trong đó có thu ngân sách từ đất) thì không cần FDI mà đất nước tự đầu tư phát triển được từ nguồn này. Trong bối cảnh ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) bỏ thuế xuất nhập khẩu, thuế thương mại thì chỉ còn hai loại thuế là thuế thu nhập và thuế tài nguyên, trong đó có đất đai.

Các nước cũng dùng thuế thu từ đất và tài sản gắn với đất để nâng cấp và phát triển đồ thị, hạ tầng đô thị. Còn ta cứ loay hoay dùng ODA và nguồn khác, sau đó lại kêu thiếu vốn. Như thế để thấy rằng, các sắc thuế của ta chưa theo kịp yêu cầu của thời đại vì chúng ta cứ trông vào thuế xuất nhập khẩu. Do đó, lúc này đưa ra Luật Thuế tài sản tôi cho rằng đã là chậm nhưng cũng kịp thời để tạo ra nguồn thu ngân sách đáng kể và ổn định.

Tôi hoan nghênh thuế đất tăng hơn 10 lần so với hiện nay và mức ấy là phù hợp bởi các nước khác là 1-1,5%. Tôi cho rằng, thuế đất ở 0,4%, thuế đất dùng vào kinh doanh, thương mại, dịch vụ 0,5% là hợp lý, cao quá sẽ bất khả thi trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Sau này, chúng ta có thể nâng dần 0,7% hay 1%.

Đừng nghĩ giảm thuế mới là hợp lý, mà đối với tài nguyên thiên nhiên và đất đai phải đánh đúng thì sử dụng mới hiệu quả. Bởi nếu thuế thấp, ai cũng muốn mua, ai cũng muốn giữ nên xảy ra tình trạng chiếm giữ, đầu cơ. Nếu thuế cao, ai muốn mua sẽ phải tính xem thu nhập có đủ trả thuế không, mua rồi khai thác thế nào. Như vậy, những diện giữ đất sẽ giảm và ai cần tới đâu mua tới đó. Việc này cũng sẽ giải quyết vấn đề hàng nghìn căn hộ, hàng nghìn villa bỏ trống. Từ đó mới tốt cho phát triển kinh tế vì nó giảm đầu vào cho sản xuất kinh doanh.

Còn với nhà trên đất, tôi không đồng ý cách đánh thuế nhà như trong đề xuất dự thảo. Nếu đánh theo giá trị có nghĩa là nhà giá trị càng cao thuế càng cao, chẳng ai muốn xây dựng, xây biệt thự và xây nhà có giá trị đặc biệt. Như vậy, nó kìm hãm việc phát triển nhà ở và bất động sản gắn với đất. Các nước tiến bộ có đánh thuế nhà nhưng không đánh theo giá trị nhà mà đánh theo diện tích. Tức là nhà ở càng rộng (chiếm nhiều diện tích đất xây nhà), đánh thuế càng cao. Như vậy nghĩa là đất đánh theo giá trị còn nhà đánh theo diện tích. Còn mức thuế nhà có thể khác nhau tùy theo mặt đất hay tầng cao, càng tầng cao thuế càng thấp.

Cao Sơn (Ghi)

Ủng hộ tăng thuế đất nhưng không đồng tình đánh thuế nhà - 5

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng:

Giá nhà tăng cao liên tục vì cách định giá đất

Hiện nay, hội đồng định giá đất ở các thành phố lớn theo cách thức tính lùi: Từ giá thị trường của các dự án quanh đó đang giao dịch tính ra tổng doanh thu của dự án đang xét định giá - (tổng chi phí xây dựng theo đơn giá định mức +14% lãi và chi phí quản lý chung dành lại cho chủ đầu tư) = tổng tiền đất phải nộp và chia ra đơn giá đất nhà đầu tư phải nộp.

Cách tính giá đất này có ưu điểm là ở những chủ đầu tư dự án xây cao tầng (hệ số sử dụng đất lớn) thì phải trả giá đất cao là hợp lý. Thế nhưng, giá đất này so với đơn giá tối thiểu Nhà nước công bố thường cao gấp 1,8-2,6 lần. Nếu so với giá đất thực tế các dự án xung quanh đang phải nộp mà hệ số vẫn còn thấp thì sẽ phải tiếp tục điều chỉnh tăng hệ số này lên. Đây chính là hệ số giá đất so với giá đất công bố nhà đầu tư phải nộp. Với cách tính này thực chất giá đất nhà đầu tư phải nộp cao hơn giá đất Nhà nước công bố từ 2-2,5 lần. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm giá nhà tăng cao liên tục vì hệ số đơn giá đất liên tục tăng hàng năm, thậm chí từng quý.

Trịnh Tuyết (Ghi)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Anh (Báo Giao thông)
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN