U ám bao trùm kinh tế Trung Quốc
Một chiều chủ nhật yên tĩnh ở TP Đông Hoản, thuộc tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc, khung cảnh rất khác so với cách đây ít nhất 2 năm khi đường phố đông đúc và ống khói xả đều.
Là địa phương sản xuất đồ chơi, đồ nội thất, giày dép, điện thoại di động…, Đông Hoản thu hút 8 triệu người từ các nơi khác đến làm việc. Thời thế đổi thay, nhiều người giờ đây tính chuyện quay trở lại quê nhà.
“Đây là thời điểm tồi tệ nhất. Các nhà máy chịu thiệt hại trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là những nhà máy nhỏ nhưng giờ, những cơ sở lớn cũng bị ảnh hưởng” - một nữ công nhân họ Vu cám cảnh nói với trang Bloomberg. Vu đang cân nhắc trở về TP Trùng Khánh, nơi cô khăn gói ra đi cách đây 20 năm.
Công nhân làm việc tại Nhà máy Lyric Robot Ảnh: BLOOMBERG
Một ký túc xá tại Đông Hoản từng có đến 2.000 công nhân cách đây 1 năm song hiện chỉ còn khoảng 100 người. Sự sụt giảm này diễn ra sau khi phần lớn hoạt động sản xuất được chuyển sang các nước Đông Nam Á có chi phí lao động thấp hơn. Tình cảnh ảm đạm một phần cũng vì năm 2015, chính quyền Đông Hoản thay thế 43.684 công nhân bằng robot trong nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất. Phó Giám đốc Lư Diểu của Nhà máy Lyric Robot ở TP Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông cho biết nhà chức trách trả đến 50.000 nhân dân tệ (khoảng 169 triệu đồng) cho mỗi robot được sử dụng để thay thế người lao động.
Việc tự động hóa sản xuất và đóng bớt nhà máy khiến không ít người lao động bất bình. “Tôi bán tuổi trẻ của mình cho Đông Hoản. Hãy xem cách thành phố này đối xử với tôi” - một nhà quản lý dây chuyền sản xuất tuổi tứ tuần phản ứng chuyện công ty ông cắt giảm sản lượng.
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục gây lo lắng sau khi số liệu mới nhất cho thấy đầu tư vào tài sản cố định của nước này từ tháng 1 đến tháng 5-2016 chỉ tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 10,5% trong 4 tháng đầu năm. Tệ hơn, đầu tư của tư nhân chỉ tăng trưởng 3,9% trong 5 tháng đầu năm 2016, giảm so với mức 5,2% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4.
Báo The Wall Street Journal dẫn lời người phát ngôn Cục Thống kê quốc gia Sanh Lại Vân hôm 13-6 cho rằng tình trạng dư thừa công suất và sự khó khăn trong vay vốn là lý do các công ty tư nhân không muốn đầu tư. Thực trạng này cũng phần nào cho thấy doanh nghiệp tư nhân vẫn còn chưa mấy tin tưởng vào tương lai của nền kinh tế Trung Quốc.