Tỷ phú trên “Cánh đồng chó ngáp“

Vượt ra ngoài tư duy làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, một nông dân tuổi trung niên ở Ðồng Tháp Mười - nơi được mệnh danh là “Cánh đồng chó ngáp”, đầu tư sản xuất lớn, với mong muốn xây dựng thương hiệu sạch để mong hạt gạo Việt ngày càng vươn xa.

Tỷ phú trên “Cánh đồng chó ngáp“ - 1

Ông Khanh ngoài đồng.

Đến trung tâm huyện Tam Nông, dừng xe hỏi thăm đường về nhà điền chủ Nguyễn Văn Khanh, người có 120 ha đất trồng lúa… Chưa dứt câu, người đàn ông đứng tuổi có mái tóc bạc trắng “độp” ngay: “Xứ này tên Khanh đất nhiều thì chỉ có con của ông Hai Thưởng, nhà cách đây hơn chục cây”.

Làm ăn lớn

Lòng vòng một hồi, phóng viên cũng gặp được điền chủ Khanh (ở ấp B, xã Phú Cường, huyện Tam Nông) ngoài đồng ruộng giữa trời nắng chang chang. Cặp bờ đê là chiếc xe máy cà tàng, phương tiện để anh thăm ruộng mỗi ngày. Anh Khanh (năm nay 39 tuổi) có nước da ngăm đen, khoác trên người chiếc áo đã sờn vai. Ðang cắm cúi dưới ruộng, thấy khách đến, anh ngừng tay, ngước mặt lên nói thay lời chào: “Năm nay lũ không về, mực nước giờ này chưa qua khỏi bờ ranh nên phù sa không có nhiều”. Ðưa tay quệt mồ hôi trên khuôn mặt rám nắng, anh cho biết, khoảng một tháng nữa là nước vực, bây giờ ngâm đất để diệt vi khuẩn, chuẩn bị sạ. Ðồng thời, dọn dẹp rong bợn cho sạch sẽ để sạ một lượt, cùng lúc trên diện tích 120 ha. “Mấy năm trước thời điểm này nước lũ ngập gần 3 thước, nước ngầu đục phù sa, nhờ vậy, ruộng nhiều màu mỡ nên có thể giảm bớt lượng phân bón, còn giờ ít quá”.

Anh tâm sự, nhận thấy đất đai vùng này rộng lớn nhưng sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm, cuối cùng gặp không ít khó khăn, trúng mùa thì bị ép giá nên cứ nghèo hoài. Anh suy nghĩ mãi, đến năm 2013, anh quyết định phải thay đổi: Làm ăn lớn! Anh nghĩ, chỉ có diện tích lớn mới giảm giá thành đầu tư, sản xuất và thương lái không ép giá; mà muốn liên kết những người dân lại được thì trước hết là liên kết trong nhà mình trước. Nói là làm. Anh bàn với cha và 6 anh em trong gia đình dồn đất lại để mình anh làm. “Tất cả mọi người đều đồng ý”- điền chủ nói. Ngoài ra, 100 ha của anh và mọi người trong gia đình góp lại, anh mua thêm 20 ha để có diện tích đủ lớn, tiện bề sản xuất.

“Người ta bảo trồng lúa nghèo, còn tôi nghĩ khác. Nghèo hay giàu là do cái đầu của mình có tư duy hay không. Nếu làm mà không biết tính toán thì làm nghề gì cũng thất bại”. 

Ðiền chủ Nguyễn Văn Khanh, người lãi trên 4 tỷ đồng/năm từ trồng lúa

“Người ta bảo trồng lúa nghèo, còn tôi nghĩ khác. Nghèo hay giàu là do cái đầu của mình có tư duy hay không. Nếu làm mà không biết tính toán thì làm nghề gì cũng thất bại”- anh chia sẻ. Anh trăn trở: “Tối ngày làm lụng ngoài đồng, nhưng khi đêm về tôi suy nghĩ, tính toán rất nhiều. Bây giờ làm mà không nghĩ tới thị trường cần gì là thua. Ví dụ, hiện nay trong lúc đang cần gạo chất lượng, gạo sạch trong khi cứ bám vào giống truyền thống phẩm chất thấp, chỉ xuất sang các nước trung bình thì lấy đâu mà bán được giá cao. Chưa kể sau khi thu hoạch vứt đại ngoài đồng, không may trời mưa hôm sau lúa đen thui. Lúc đó bảo sao thương lái mua thấp, lấy gì cạnh tranh được”.

Tỷ phú trên “Cánh đồng chó ngáp“ - 2

Ðiền chủ Nguyễn Văn Khanh.

Khi có diện tích đủ lớn, anh Khanh mạnh dạn đầu tư cả tỷ đồng mua sắm các loại máy móc, cơ giới hóa toàn bộ diện tích từ gieo sạ, làm đất, đến thu hoạch. Có máy móc trang bị mặt ruộng phẳng như tấm ván ngựa nên không sợ chỗ cao thấp, chỗ trũng làm lúa chết. Vì thế, lúa lên đều. Còn xịt thuốc, thay vì trước đây mất khoảng 30 người làm cả ngày, giờ khoảng 8 người là đủ. Hơn nữa, bón phân, thuốc đúng quy trình để cho lúa không bị vượt chuẩn về hàm lượng hóa chất tồn đọng để bán được giá cao.

Ðể sản lượng và chất lượng lúa được cao, anh luôn tìm tòi các loại giống mới có hiệu quả. Cho nên, cứ nghe đâu có giống mới là đến đó tìm hiểu, mua về trồng thử. Anh nhớ lại, 8 năm trước nghe miệt Long An người ta có lúa Nàng thơm 9 chất lượng ngon, gạo dẻo, anh liền tìm mua về. Năm sau, đồng ruộng nhà anh đã phủ kín giống lúa này và đem lại một mùa bội thu bởi chất lượng cao và được giá nên có lời. Cuối năm 2013, tình cờ thấy trên mạng đăng ở bên An Giang trồng lúa Nhật có doanh nghiệp bao tiêu, giá cao. Nghe thấy “ngứa ngáy”, anh tiếp tục đến tìm hiểu và mua giống đem về. “Lúa Nhật khó trồng nhưng giá trị lớn dùng xuất khẩu nên phải áp dụng quy trình sạch, không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật”-anh đúc kết.

Tỷ phú trên “Cánh đồng chó ngáp“ - 3

Thu hoạch.

“Có cánh đồng lớn làm rất đã”

Cha anh Khanh, lão nông Nguyễn Văn Thưởng, 66 tuổi, là một trong những người đầu tiên khai hoang ở xứ này. Theo lão nông, xứ này xưa kia như là vùng đất chết. Những năm 1990 nhà nước có chủ trương giao đất cho dân khai hoang nhưng nhiều người “bỏ chạy” vì không thể đương đầu với tình trạng hoang hóa; hơn nữa, phèn nặng không làm ăn gì khác được. “Cha con tôi kiên trì đào kênh, khơi mương, phát hoang suốt cả chục năm mới được như thế này chứ người khác là bỏ chạy hết rồi”- ông Thưởng nói.

“Tôi chỉ mong sao Nhà nước quy hoạch vùng sản xuất lớn, xây dựng thương hiệu trên thế giới chứ hiện nay nước ta sản xuất lúa thì nhiều nhưng không cạnh tranh được với ai, thậm chí thua cả Campuchia về thương hiệu”. 

Ðiền chủ Nguyễn Văn Khanh

Ðiền chủ Khanh trải lòng. Vì rằng,không chỉ giảm chi phí đầu vào mà chất lượng lúa đồng đều nên không phải lo trúng mùa rớt giá, vì luôn có thương lái hay doanh nghiệp đến bao tiêu. Anh còn cho biết, mặc dù bây giờ chưa xuống hạt giống nào, ruộng còn nước ngập bao la nhưng mấy hôm nay đã có nhiều thương lái, doanh nghiệp đến tận đây đặt vấn đề hỏi mua bao tiêu toàn bộ diện tích lúa. “Tôi vẫn chưa nhận lời ai cả vì lúa Nhật luôn hút hàng, đợi đến khi thu hoạch bán theo giá thị trường để có lợi cho cả hai”- anh nói.

Theo tính toán của điền chủ Khanh, mỗi năm anh làm 2 vụ lúa với quy mô lớn, chi phí sản xuất giảm gần 35% so với cách làm truyền thống. Mỗi hecta đầu tư khoảng 30 triệu đồng/vụ, năng suất trung bình trên 9 tấn/ha, bán giá trung bình 5.000-6.000 đồng/kg là thu về gần 50 triệu, trừ hết chi phí cũng còn gần 20 triệu đồng/ha. Tổng cộng, với 120ha, mỗi năm anh cầm chắc lãi trên 4 tỷ đồng.

Cuộc sống của điền chủ Khanh trở nên giàu có, dư sức để nuôi vợ cùng 3 con nhỏ ăn học nhưng anh không tự mãn và vẫn luôn miệt mài lao động. “Hằng ngày tôi vẫn ra đồng làm việc, nếu rảnh thì lấy máy Kobe đi đắp bờ thuê cho các hộ dân chứ ở nhà ở không chịu không nổi”- anh Khanh tâm sự. Trong tay anh có 20 người làm công với cuộc sống ổn định. Hiện đang là giai đoạn cho đất nghỉ nên anh cho nhân công về quê nghỉ dưỡng sức, khoảng một tháng nữa vào vụ họ mới trở lại làm việc.

Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ðồng Tháp đánh giá, cách làm của anh Khanh là một điển hình cho chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh; đồng thời, mang lại hiệu quả thiết thực không chỉ lợi ích kinh tế mà còn hiệu quả về xã hội. Khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất thì rút lượng lớn (khoảng 69%) lao động ra khỏi nông nghiệp để làm việc khác tăng thu nhập nhưng vẫn trên cùng diện tích đó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hòa Nội (Tiền Phong)
Chuyện của doanh nhân thành dạt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN