Tỷ phú gốc Việt khởi nghiệp từ 2 USD

“Tôi cảm nhận được năng lượng của thị trường Việt Nam ngay từ lần đầu tiên trở về”, huyền thoại của giới công nghệ cao tại Mỹ - tỷ phú gốc Việt ông Dung Tấn Trung chia sẻ.

Có mặt ở Hà Nội chiều 2.4 trong một buổi chuyện trò với các doanh nghiệp trẻ, tiến sĩ, tỷ phú gốc Việt Dung Tấn Trung, người khởi nghiệp chỉ với 2 USD, đã mang đến những kinh nghiệm quý giá mà ông có được trong chặng đường dài chinh phục “giấc mơ Mỹ”.

Thành tỷ phú từ 2USD

Vốn nổi danh cả ở Mỹ và Việt Nam, được nhiều người ngưỡng mộ, nhưng với Dung Tấn Trung, điều gây ấn tượng nhất ở ông là phong cách giản dị, lối nói chuyện thông minh, dí dỏm. Có được thành công hôm nay, tỷ phú gốc Việt không quên những ngày cơ cực đi tìm “giấc mơ Mỹ”.

Tỷ phú gốc Việt khởi nghiệp từ 2 USD - 1

Ông Dung Tấn Trung tại một hội thảo diễn ra chiều 2.4 ở Hà Nội. (Đ.T)

Năm 1985, khi bắt đầu đặt chân lên đất Mỹ, ông Dung Tấn Trung chỉ có trong tay 2USD của một người bạn tặng cùng với số vốn tiếng Anh bập bõm và một ý chí mãnh liệt phải vươn lên của bản thân. Nhờ sự nỗ lực không ngừng mà một năm sau, ông đã vượt qua được kỳ thi tại Mỹ với những kiến thức về toán học và khoa học tự nhiên nổi bật để được nhận vào Đại học Massachusetts ở Boston.

Ông vừa phải đi học và đi làm thêm 30 giờ mỗi tuần với đủ thứ công việc cực nhọc ở Boston, từ rửa bát cho những nhà hàng đến làm kỹ thuật viên trong các phòng máy tính để không chỉ nuôi mình ăn học mà còn giúp đỡ gia đình ở quê nhà. Vượt qua tất cả những khó khăn đó, 3 năm sau, Dung Tấn Trung đã lấy được 2 bằng đại học: Cử nhân về toán học ứng dụng và khoa học máy tính của Trường Đại học Massachusetts, Boston vào năm 1988. Năm 1992, ông Dung Tấn Trung hoàn tất chương trình đào tạo tiến sĩ ngành khoa học máy tính tại Trường Đại họcMassachusetts tại Boston vào năm 1992.

Năm 1994, Dung Tấn Trung làm việc với tư cách là kỹ sư trưởng, phụ trách biên soạn phần mềm kinh doanh điện tử cho Công ty Open Market Inc. Ông chia sẻ, cơ duyên đến với ông trong một lần một lần ông đi sinh hoạt tại một ngôi chùa của người Việt ở Boston. Ngôi chùa này là nơi thường lui tới của chừng từ 3.000 đến 5.000 người Việt. Vị sư trụ trì của chùa đã nhờ ông giúp đỡ làm sao để tổng hợp được địa chỉ của từng ấy người, thông qua một danh sách điện tử. Bắt đầu từ công việc thu thập dữ liệu đó, ông Dung Tấn Trung đã phát minh ra được những tính năng kỳ diệu từ Internet như kỹ năng chia sẻ dữ liệu, viết lại những phần mềm đã cũ. Từ đó, ông đã trình bày những ý tưởng của mình cho các nhà đầu tư. Và, bước ngoặt đã đến với ông khi năm 1996, một công ty đầu tư mạo hiểm đã quyết định đầu tư 3,5 triệu USD để ông phát triển những phần mềm đó.

Ông quyết định xin thôi việc tại Hãng Open Market để thành lập Công ty On Display Inc của chính mình để phát triển một chương trình giúp các công ty kiểm soát, quản lý công việc kinh doanh qua mạng. Ông mời Mark Pine, người từng là ủy viên Ban quản trị Công ty Thiết kế phần mềm Sybase làm giám đốc điều hành của Công ty OnDisplay.

Với tài năng của Dung Tấn Trung và kinh nghiệm của Mark Pine, OnDisplay trở thành một trong những công ty nhanh chóng có được nhiều khách hàng, và thành công trong cung cấp dịch vụ phần mềm cấu trúc hạ tầng cho các doanh nghiệp điện tử ở Mỹ. Và OnDisplay là 1 trong 10 công ty lần đầu lên sàn chứng khoán thành đạt nhất ở Mỹ trong năm 1999. Năm 2000, ông chuyển nhượng Công ty OnDisplay cùng thương hiệu của nó cho Hãng Vignette Corp với giá gần 1,8 tỷ USD.

Làm giàu cho quê hương

Sau thành công với OnDisplay, Dung Tấn Trung tiếp tục thử sức và thành công ở nhiều công ty có tầm cỡ hơn OnDisplay. Ngoài kinh doanh, ông Dung Tấn Trung còn tham gia vào ban quản trị các tổ chức của cộng đồng như Viet Heritage Society, là tổ chức bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử và văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài. Ông là cố vấn cho Vietnamese American Silicon Valley Networks, chiếc cầu nối toàn cầu đầu tiên cho chuyên gia gốc Việt hoạt động trong ngành công nghệ cao trên toàn thế giới. Ông cũng là người sáng lập VietNet Forum, diễn đàn điện tử lớn nhất dành cho người Việt định cư ở nước ngoài...

Năm 2005, ông đã được Tổng thống Mỹ George W. Bush bổ nhiệm vào Hội đồng quản trị Quỹ Giáo dục Việt Nam. Năm 2007, ông lần đầu tiên trở về Việt Nam để tuyển chọn những sinh viên đủ điều kiện nhận học bổng của Mỹ.

Dung Tấn Trung chia sẻ, lần trở về sau hàng chục năm xa quê hương, ông thấy bất ngờ trước sự phát triển nhanh chóng của đất nước. “Không mất nhiều thời gian, tôi cảm nhận được nguồn năng lượng dồi dào từ thị trường của Việt Nam. Tôi quyết định trở về và đầu tư trên chính quê hương mình”- ông Dung Tấn Trung chia sẻ.

Ông thành lập Công ty Mobivi và bắt đầu xây dựng hệ thống thanh toán điện tử. Mất hơn một năm xây dựng công nghệ, sau đó đưa sản phẩm ra thị trường, nhưng ở thời điểm đó, thanh toán điện tử, hay còn gọi là “ví điện tử” vẫn còn là điều mới mẻ ở Việt Nam.

Đã có nhiều kinh nghiệm trên thương trường, ông Dung Tấn Trung không nóng vội. Ông nói: “Trong tôi luôn có một câu hỏi, tại sao ở Mỹ người ta làm thanh toán điện tử lại thành công đến vậy trong khi ở Việt Nam thì không? Sau khi có được câu trả lời, tôi đã tập trung đầu tư cho công nghệ. Và nay “ví điện tử” đã trở thành dịch vụ phổ biến của người tiêu dùng Việt.

Không chỉ tập trung vào đầu tư kinh doanh, ông Dung Tấn Trung còn mở rộng các dịch vụ xã hội, quan tâm đến người nghèo, những người có thu nhập thấp ở Việt Nam. Ông đã sáng lập ra mạng lưới icare- hướng đến đối tượng là người dân xuất thân từ nông thôn, công nhân, dân văn phòng… những người có nhu cầu nhưng không có sẵn tiền để mua sắm. icare cung cấp cho họ những gói mua đồ giá đúng, trả góp không tính lãi trong vòng 6 tháng.

Ông Dung Tấn Trung cho biết, mục tiêu của ông, đến năm 2019, icare sẽ có số thành viên hơn 14 triệu người. Một khi trở thành thành viên của icare, người lao động không chỉ được mua trả góp những món đồ vật dụng cần thiết trong gia đình, mà còn được hưởng hệ thống chăm sóc sức khỏe, con cái họ được hưởng gói ưu đãi trong giáo dục chất lượng cao mà thường chỉ được biết đến trong giới trung lưu. “Tôi muốn mang đến một cuộc sống chất lượng hơn cho người lao động”- ông Dung Tấn Trung cho biết. Không chỉ ở Việt Nam, hiện icare đã mở rộng mạng lưới ra 6 nước khác ở châu Á, giúp đỡ 175 triệu người.

Ông Dung Tấn Trung chia sẻ rằng, bước vào tuổi 50, ông không còn đủ sức để nhiệt huyết và làm việc trên 16 giờ mỗi ngày như trước. Ngoài việc điều hành phát triển kinh doanh, hoạt động xã hội, mục đích của ông là tiếp lửa cho những nhân viên trẻ, tạo điều kiện và môi trường cho sức trẻ sáng tạo. Ông nói: “Đất nước sẽ phát triển nếu thế hệ trẻ biết làm chủ, năng động và sáng tạo”. Nói về kinh nghiệm để khởi nghiệp thành công, ông đùa vui rằng “phải chăm chỉ đi chùa”, tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh, kiên nhẫn, biết nắm bắt cơ hội, không ngại đưa ra yêu cầu, biết cách thu hút và giữ chân nhân tài… là những bài học mà ông từng trải qua.

Trở thành tỷ phú khi mới 33 tuổi, câu chuyện của ông Tấn Trung đã được coi như một huyền thoại trong giới công nghệ cao ở Mỹ, và trở thành đề tài cho nhiều bài viết của những tạp chí nổi tiếng như Forbes, Fortune, Financial Times, Wall Street Journal, San Francisco Chronicle... Ông cũng đã được chọn là 1 trong 17 tấm gương thành công của người nhập cư tại nước Mỹ trong cuốn sách “Giấc mơ Mỹ” của Dan Rather. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thúy Đăng (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN